Sáng ngày 24/11, tại Khách sạn DIC Star Vĩnh Phúc, Ban Quản lý các Khu công nghiệp (KCN) Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị kết nối, hỗ trợ, tuyển dụng lao động năm 2023.
Dự Hội nghị có đồng chí Hà Đình Nhã, Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc; đại diện Sở Lao động -Thương binh và Xã hội tỉnh, đại diện Lãnh đạo Ban Quản lý các KCN, các Trường đào tạo nghề tỉnh Yên Bái, Sơn La và đại diện các doanh nghiệp trong các KCN Vĩnh Phúc.
Toàn cảnh Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Hà Đình Nhã, Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc cho biết: Những năm qua, Vĩnh Phúc luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư, doanh nghiệp chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các nhà đầu tư, làm tốt công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ; đồng thời không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ; cung cấp điện, nước, thông tin liên lạc, chuẩn bị sẵn sàng các mặt bằng sạch để thu hút đầu tư; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch và hấp dẫn; trong đó, việc đáp ứng đủ nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp được tỉnh Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm.
Đến nay, Vĩnh Phúc đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận quy hoạch 19 KCN với tổng diện tích trên 5.000ha, trong đó có 16 KCN được thành lập và 9 KCN đã đi vào hoạt động, các KCN đi vào hoạt động thu hút trên 470 dự án gồm 109 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đầu tư gần 33.000 tỷ đồng và 361 dự án đầu tư nước ngoài, đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau, với tổng vốn đầu tư 6,3 tỷ USD; đã có 404 dự án đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu hút và tạo việc làm cho trên 10 vạn lao động; trong đó lao động trong tỉnh chiếm gần 60% còn lại là lao động ngoại tỉnh.
Dự báo giai đoạn 2023-2025, mỗi năm trong các KCN trên địa bàn tỉnh có khoảng 50-70 doanh nghiệp mới và doanh nghiệp điều chỉnh, mở rộng sản xuất, nhu cầu tuyển dụng mới khoảng 15 nghìn lao động, lao động Vĩnh Phúc dự báo đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu, trong khi đó Yên Bái và Sơn La có nguồn lao động khá dồi dào. Hội nghị kết nối, hỗ trợ tuyển dụng lao động có ý nghĩa quan trọng là cầu nối nhằm đưa người lao động tiềm năng từ các địa phương Sơn La, Yên Bái đến làm việc lâu dài, ổn định tại các doanh nghiệp trong các KCN trên địa bàn Vĩnh Phúc. Từ đó, tạo cơ sở gắn kết cung cầu giữa các địa phương lân cận với Vĩnh Phúc, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của 2 địa phương.
Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Hà Đình Nhã phát biểu tại Hội nghị
Báo cáo về nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp hoạt động trong các KCN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc và các chế độ tiền lương, thưởng, phúc lợi, thu nhập của người lao động trong KCN, ông Vũ Kim Thành, Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết: Trong 2023, mặc dù chịu tác động tiêu cực của tình hình kinh tế thế giới, một số doanh nghiệp đã phải đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng, đứt gãy chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, tình hình thu hút đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc đã đạt được một số kết quả tích cực, với số doanh nghiệp quay trở lại sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp thành lập mới tăng lên, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp vẫn ở mức cao so với những năm trước đây.
Theo kết quả khảo sát năm 2023 với 112 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng 15.886 lao động, hầu hết các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động đối với lao động phổ thông, không qua đào tạo vẫn chiếm tỷ lệ chủ yếu với 13.828 lao động. Các lao động phổ thông này hầu hết không cần đào tạo nghề trước khi vào doanh nghiệp, mà doanh nghiệp sẽ tự tổ chức đào tạo nghề sau khi tuyển dụng, với thời gian đào tạo nghề ngắn, đáp ứng nhu cầu của các công việc đơn giản như lắp ráp điện tử, thực hiện công việc tại công đoạn trong quá trình sản xuất... Tiếp theo đó, lao động được đào tạo lĩnh vực điện tử, may mặc là các ngành có nhu cầu lao động chiếm tỷ lệ lớn. Một số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lớn như: Công ty TNHH Compal Việt Nam, Công ty TNHH Interflex Vina, Công ty TNHH CN Chính xác Việt Nam 1, Công ty TNHH BHFlex Vina, Công ty TNHH Jahwa Vina, Công Ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam.
Ông Vũ Kim Thành, Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc tại Hội nghị
Theo kết quả thu thập thông tin, tiền lương bình quân của người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong các KCN trên địa bàn tỉnh là 7.883.740 đồng/người/tháng. Theo kết quả khảo sát nhanh đối với 156 doanh nghiệp, tiền lương bình quân 10 tháng năm 2023 của người lao động làm việc trong các doanh nghiệp trong KCN là 8.045.459 đồng/người/tháng. Ước cả năm 2023, tiền lương bình quân của người lao động trong doanh nghiệp là 8.025.459 đồng/người/tháng, vượt tiền lương bình quân năm 2022. Ngoài tiền lương, người lao động trong doanh nghiệp còn được hưởng một số phụ cấp như: phụ cấp nặng nhọc độc hại, phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp chuyên cần… và các khoản hỗ trợ khác.
Hàng năm, tùy vào tình hình sản xuất kinh doanh, người sử dụng lao động tại các doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch thưởng cho người lao động. Năm 2022, mức thưởng Tết Nguyên đán bình quân là 6.338.492 đồng/người; cao nhất là 260.000.000 đồng/người. Bên cạnh thưởng Tết, người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp còn có các chính sách, chế độ phúc lợi khác dành cho người lao động như: tặng giỏ quà Tết cho người lao động, tổ chức tiệc tất niên; tổ chức khen thưởng lao động xuất sắc; hỗ trợ người lao động ở xa một phần kinh phí về quê ăn Tết; hỗ trợ xe ô tô đưa lao động ở xa về quê ăn Tết…
Các đại biểu tham luận tại Hội nghị
Cũng tại hội nghị, đại diện Ban Quản lý các KCN, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội, các Trường đào tạo nghề, Trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh Yên Bái, Sơn La đã chia sẻ thông tin về tình hình lao động, dự báo khả năng cung ứng lao động dài hạn để phối hợp với các doanh nghiệp Vĩnh Phúc tư vấn, tuyển dụng lao động. Bên cạnh đó, đại diện một số doanh nghiệp trong các KCN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cũng chia sẻ về nhu cầu tuyển dụng lao động, thông tin các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách, điều kiện việc làm và phúc lợi xã hội đang được doanh nghiệp triển khai.
Với mục tiêu làm cầu nối để lao động đến làm việc lâu dài, ổn định tại các doanh nghiệp trong KCN trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Lao động -Thương binh và Xã hội tỉnh trển khai các chương trình kết nối cung – cầu lao động trong và ngoài tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho lao động tiếp cận, gặp gỡ trực tiếp các doanh nghiệp để tìm kiếm cơ hội việc làm; đồng thời, kết nối hợp tác giữa doanh nghiệp với các Trường đào tạo nghề để đào tạo, cung ứng lao động theo nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.
Nguyệt Thắm (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI