THỪA THIÊN - HUẾ

Cục Quản lý thị trường: Góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh

16:27:27 | 23/2/2024

Từ đầu năm tới nay, với tinh thần quyết liệt, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, góp phần đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.


Với sự ra quân quyết liệt của toàn lực lượng QLTT trên địa bàn tỉnh, vấn nạn buôn lậu, gian lận thương mại,... đã được đẩy lùi

Năm 2023, với sự quyết tâm, đổi mới, sáng tạo, đoàn kết trong chỉ đạo, điều hành cùng tinh thần chủ động, vượt khó, phát huy nội lực, Cục QLTT tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo niềm tin cho người tiêu dùng và các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Toàn lực lượng đã kiểm tra 803 vụ với tổng giá trị thực hiện gần 5,2 tỷ đồng, tổng số tiền thu nộp ngân sách là hơn 3 tỷ đồng. Trong đó, tiền xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) là 1.486,250 triệu đồng và tiền bán tài sản là tang vật bị tịch thu là 1.542,570 triệu đồng, trị giá tang vật chờ bán là 548,826 triệu đồng, trị giá tang vật VPHC tiêu hủy và buộc tiêu hủy là 1.568,765 triệu đồng. So với năm 2022, tổng số thu nộp ngân sách tăng 15,4%. So với chỉ tiêu được giao năm 2023 (3 tỷ đồng), Cục QLTT tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện đạt 101%.

Với sự ra quân quyết liệt của toàn lực lượng QLTT trên địa bàn tỉnh, vấn nạn buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm đã được đẩy lùi. Toàn tỉnh chưa phát hiện vụ việc lớn về vận chuyển, tàng trữ, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, thực phẩm giả, hàng hóa kém chất lượng; công tác bảo đảm về an toàn thực phẩm được duy trì. Đặc biệt, Cục xác định tập trung kiểm tra các địa bàn trọng tâm, các mặt hàng trọng điểm; tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng tại địa phương để đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi vi phạm về hàng giả, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc xuất xứ và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ,…Tăng cường công tác giám sát, quản lý theo địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, tổ chức nắm bắt tình hình thực hiện của các tổ chức, cá nhân kinh doanh để xây dựng kế hoạch, phương án kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm vi phạm đảm bảo tính răn đe, hiệu quả. Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông để dư luận rõ về thủ đoạn, nguyên nhân, hình thức xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong chấp hành pháp luật về giá, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân.



Tập trung kiểm tra các mặt hàng trọng điểm và tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng để đấu tranh, ngăn chặn hàng giả, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm,...

Tất cả các giải pháp kể trên đã giúp Cục QLTT Thừa Thiên Huế đạt được những kết quả tích cực trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các doanh nghiệp kinh doanh chân chính và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh thương mại cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh được đẩy mạnh, thường xuyên, liên tục và thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Cụ thể như: Triển khai việc đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành liên quan trực tiếp đến tổ chức và hoạt động của lực lượng QLTT lên trang thông tin điện tử Cục (http://thuathienhue.dms.gov.vn). Tích cực, chủ động thường xuyên viết tin, bài về các vụ việc đã kiểm tra, xử lý vi phạm đăng trên website Cục và website của Tổng cục QLTT. Ngoài ra, phối hợp với Báo Thừa Thiên Huế, Báo Công Thương, Đài Phát thanh - Truyền hình Thừa Thiên Huế, VTV8 thực hiện nhiều chuyên đề, phóng sự về công tác chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo vệ người tiêu dùng.

Đồng thời, thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, Ban quản lý các chợ,... tuyên truyền rộng rãi các quy định của pháp luật cho đối tượng kinh doanh và người dân trên địa bàn toàn tỉnh. Kết hợp công tác kiểm tra, xử lý vi phạm với việc tổ chức các đợt tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân thực hiện ký cam kết không kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, không lợi dụng dịch bệnh để tăng giá, định giá bán bất hợp lý, không găm hàng, đầu cơ, nghỉ kinh doanh không có lý do. Cung cấp đường dây nóng của Cục và các Đội QLTT để kịp thời tiếp nhận phản ánh, xử lý các hành vi vi phạm.

Cụ thể, trong năm 2023, Cục đã tổ chức 04 hội nghị tuyên truyền tập trung đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh mặt hàng điện thoại di động, mỹ phẩm, áo quần, giày dép, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG). Đồng thời treo 50 băng rôn, 22 áp phích tại các chợ, tuyến đường trọng điểm trên địa bàn tỉnh nhằm tuyên truyền các tổ chức, cá nhân không kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Phối hợp với Công ty AJINOMOTO Việt Nam trực tiếp tuyên truyền, vận động, phổ biến pháp luật và cho ký cam kết đến các hộ kinh doanh thực phẩm (bột ngọt) trên địa bàn các chợ thực hiện đúng và không vi phạm quy định pháp luật về kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm. Phối hợp với Công ty Honda Việt Nam, Công ty TNHH Phạm và Liên Danh là đại diện pháp lý của Công ty Honda Motor và Công ty TNHH Sở hữu trí tuệ S&O tổ chức 02 hội nghị tập huấn phân biệt hàng thật, hàng giả cho toàn thể công chức thuộc Cục nhằm nâng cao kiến thức để triển khai áp dụng hiệu quả vào quá trình thực thi công vụ.

Để góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Cục QLTT tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã ban hành Kế hoạch số 36/KH-QLTTTTH ngày 30/6/2023 về cải thiện vị thứ xếp hạng chỉ số thành phần góp phần nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023. Tiếp tục bám sát chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT, UBND tỉnh, BCĐ 389/TTH, thường xuyên chỉ đạo các Phòng, Đội trực thuộc căn cứ chức năng nhiệm vụ chủ động tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, bám sát tình hình thị trường, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm xảy ra góp phần ổn định thị trường, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, văn minh. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao chất lượng hoạt động công vụ của công chức, nhất là thực hiện nghiêm túc bản cam kết đối với trách nhiệm người đứng đầu, của công chức và người lao động trong thực thi công vụ. Tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT. Tăng cường công tác quản lý địa bàn, giám sát, nắm tình hình để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và gian lận thương mại, nhất là trong hoạt động thương mại điện tử và kinh doanh trên nền tảng số. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiểm tra, xử lý VPHC gắn với việc hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong phát triển sản xuất kinh doanh.

Nguồn: Vietnam Business Forum