HÀ NỘI

Huyện Gia Lâm: Vững bước trên chặng đường lên quận

10:08:42 | 26/3/2024

Cùng với thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, huyện Gia Lâm chú trọng phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng và xây dựng văn minh đô thị. Qua đó, tạo tiền đề, nền tảng vững chắc để phát triển thành quận trong giai đoạn đến năm 2025.


Gia Lâm đang tập trung phát triển đô thị

Đẩy mạnh phát triển kinh tế

Gia Lâm nằm ở cửa ngõ phía Đông TP.Hà Nội. Trên địa bàn huyện có nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch kết nối các tỉnh, thành, trung tâm kinh tế lớn như: Quốc lộ 1A, quốc lộ 3 mới, quốc lộ 5B,…ngoài ra, còn có hệ thống đường sắt và đường thủy qua các con sông Hồng, sông Đuống.

Đến nay, hệ thống mạng lưới các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện ngày càng phát triển. Bên cạnh đó, Gia Lâm còn có nhiều làng nghề thủ công. Đây là những điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế và thu hút đầu tư.

Phát huy những tiềm năng, thế mạnh này, huyện tập trung phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng nhanh, bền vững. Giai đoạn 2020 - 2022, giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu do huyện quản lý tăng bình quân 8,68%; thu nhập bình quân đạt 71,7 triệu đồng/người/năm, tăng 9,2 triệu đồng/người so với năm đầu thực hiện Nghị quyết. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 3.981 tỷ đồng, bằng 124,4% kế hoạch. Riêng năm 2022, thu ngân sách cao gấp 1,6 lần năm trước đó, cũng là năm đầu tiên huyện tự bảo đảm cân đối thu - chi ngân sách, trong khi Nghị quyết đề ra đến năm 2025 đạt mục tiêu này.

Năm 2023, giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu ước tăng 10,2% so với năm 2022. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ lệ dịch vụ, công nghiệp - xây dựng; giảm tỷ lệ nông - lâm nghiệp - thủy sản.

Bà Đặng Thị Huyền, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết: Theo nhiệm vụ quy hoạch xây dựng vùng Gia Lâm đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, Gia Lâm sẽ là khu vực phát triển mới; cửa ngõ phía Đông Bắc của Hà Nội. Quận là trung tâm trung chuyển hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao phục vụ phát triển công nghiệp; có các trung tâm đào tạo dịch vụ y tế cấp vùng; trung tâm thương mại tài chính; hành lang xanh dọc hai bên bờ sông Hồng, sông Đuống.

Những năm tới, huyện sẽ tập trung phát triển các lĩnh vực mới như: Dịch vụ kho vận (logistics), chợ đầu mối, cảng cạn,... đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp, xây dựng. Huyện tập trung khai thác hiệu quả các cụm công nghiệp, cụm sản xuất làng nghề có lợi thế cạnh tranh. Gia Lâm cũng xác định mục tiêu đưa văn hóa trở thành nguồn lực phát triển mới theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đồng bộ, bền vững và hội nhập, nhất là du lịch văn hóa theo hướng sinh thái.

Hướng tới đô thị thông minh, hiện đại

Gia Lâm được xác định là đô thị nằm trong khu vực phát triển mở rộng nội đô về phía Đông của Thủ đô Hà Nội. Cùng với thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, huyện phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng theo định hướng phát triển công nghiệp gắn với đô thị và dịch vụ; gắn kết giữa quy hoạch xây dựng với cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp và phát triển không gian đô thị.

Thời gian qua, cùng với chủ trương quy hoạch của Thành phố, hàng loạt công trình hạ tầng, giao thông, khu đô thị được triển khai xây dựng và đi vào hoạt động đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo khu vực. Mạng lưới giao thông trên địa bàn huyện tương đối đồng bộ, hoàn chỉnh, các tuyến đường được chỉnh trang với hệ thống chiếu sáng đáp ứng công năng đô thị hiện đại.

Tại Kỳ họp thứ 13, HĐND TP.Hà Nội khóa XVI đã biểu quyết thông qua chủ trương thành lập quận Gia Lâm và 16 phường thuộc quận. 

Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục rà soát, lập quy hoạch phân khu sau khi Đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được duyệt. Đồng thời, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật khung và xây dựng nếp sống văn minh đô thị, môi trường xanh - sạch - đẹp.

Hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, Gia Lâm sẽ đẩy mạnh xây dựng chính quyền số; thúc đẩy kinh tế số; tập trung phát triển xã hội số và hạ tầng số, dữ liệu số, đặc biệt là nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ viễn thông. Trước mắt, thí điểm xây dựng mô hình đô thị thông minh tại Khu đô thị biển hồ Vinhomes Ocean Park - Gia Lâm.

Song song với đó, tăng cường công tác quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng đô thị, công trình công cộng, nhà ở,...bảo đảm định hướng phát triển đô thị đồng bộ, hiện đại và bền vững, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu thành lập quận.

Nguồn: Vietnam Business Forum