Sóc Sơn được đánh giá là huyện có tiềm năng và dư địa để phát triển đa dạng các lĩnh vực. Những năm qua, huyện đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, dịch vụ y tế, giáo dục, du lịch sinh thái và bám sát định hướng cùng với hai huyện Mê Linh và Đông Anh trở thành thành phố phía Bắc của Thủ đô Hà Nội.
Huyện Sóc Sơn là đầu mối và là cửa ngõ giao thông quan trọng của TP.Hà Nội, trong đó có Cảng hàng không quốc tế Nội Bài
Cực tăng trưởng phía Bắc Thủ đô
Nằm ở phía Bắc TP.Hà Nội, tiếp giáp với 4 tỉnh gồm: Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Sóc Sơn là đầu mối giao thông quan trọng nối các tỉnh trên với Thủ đô. Trên địa bàn huyện có cao tốc Hà Nội - Lào Cai, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, quốc lộ 2, quốc lộ 3, quốc lộ 18 Hà Nội - Quảng Ninh, đường Võ Nguyên Giáp và nhiều tuyến đường giao thông liên tỉnh khác.
Ngoài ra, huyện còn có tuyến đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên, hệ thống giao thông thủy với cảng đường thủy nội địa ở xã Trung Giã,… đặc biệt là sân bay Quốc tế Nội Bài - cảng hàng không lớn nhất miền Bắc.
Sóc Sơn có sự đa dạng về địa hình với hệ thống đồi, núi, hồ, rừng rộng lớn, nằm xen kẽ nhau tạo thành cảnh quan thiên nhiên phong phú và hệ thống các di tích văn hóa, thắng cảnh, lễ hội nổi tiếng. Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế và thu hút đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp, du lịch - dịch vụ.
Phát huy những tiềm năng, thế mạnh này, Sóc Sơn đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành dịch vụ và giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp và công nghiệp - xây dựng. Trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn theo hướng hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Giai đoạn 2025 - 2030, huyện chú trọng phát triển không gian văn hóa du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Năm 2023, vượt qua nhiều khó khăn, kinh tế Sóc Sơn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ấn tượng. Tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế đạt 22.035 tỷ đồng, tăng 8,66% so với cùng kỳ năm trước. 3/3 nhóm lĩnh vực kinh tế chính đều tăng trưởng dương; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Trong đó, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng hiện chiếm 50,68%; ngành dịch vụ chiếm 42,95%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 6,37%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 1.631,34 tỷ đồng, bằng 125% so với dự toán giao và 128% so với cùng kỳ năm trước.
Trên địa bàn huyện hiện có 2.741 doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Trong đó có 47 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thu hút, tạo việc làm ổn định cho trên 16.558 lao động; 2.694 doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước, thu hút và tạo việc làm cho trên 31.756 lao động. Các ngành hoạt động chủ yếu gồm: Thương mại (1.578 doanh nghiệp, chiếm 58,57%); dịch vụ (152 doanh nghiệp, chiếm 5,64%); nông nghiệp (135 doanh nghiệp, chiếm 5,01%); công nghiệp (593 doanh nghiệp, chiếm 22,02%), xây dựng (236 doanh nghiệp, chiếm 8,76%). Năm 2023, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 57,4% so với năm 2022.
Những kết quả đạt được là vô cùng ấn tượng, không chỉ khẳng định vị thế cực tăng trưởng phía Bắc Thủ đô mà còn góp phần tạo dựng thế và lực mới cho sự phát triển trong tương lai.
Sản xuất tại Nhà máy Yamaha Motor Việt Nam (KCN Nội Bài, xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn)
Thu hút đầu tư mang tính trọng điểm
Theo Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Sóc Sơn được định hướng cùng với Đông Anh, Mê Linh trở thành thành phố phía Bắc của Thủ đô. Định hướng này đang được cụ thể hóa lộ trình thực hiện tại các đồ án Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến 2045, tầm nhìn đến 2065.
Trong đó, huyện Sóc Sơn được quy hoạch thành trung tâm kết nối vùng, liên vùng và quốc tế của Thủ đô, là động lực phía Bắc thúc đẩy phát triển Thủ đô. Xây dựng đô thị Sóc Sơn trở thành đô thị phát triển về dịch vụ, công nghiệp, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, hướng tới mục tiêu thu hút dân cư, giảm áp lực cho đô thị trung tâm, đảm bảo sự cân đối, hài hòa vì mục tiêu phát triển bền vững của Thủ đô.
Để từng bước cụ thể hóa các mục tiêu theo quy hoạch, bên cạnh huy động nguồn lực ngân sách nhà nước để đầu tư kết cấu hạ tầng, huyện xác định đẩy mạnh thu hút đầu tư. Từ nay đến năm 2030, huyện sẽ tập trung phát triển và khuyến khích thu hút đầu tư vào những lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ logistics, dịch vụ vui chơi giải trí, thể thao, du lịch nghỉ dưỡng, dịch vụ đào tạo, y tế,…
Cụ thể, phát triển các khu, cụm công nghiệp (khu công nghiệp sạch Tân Dân - Minh Trí, các cụm công nghiệp CN2, Cụm công nghiệp vừa và nhỏ Sóc Sơn), các dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng sân golf Phù Linh, Khu nghỉ ngơi cuối tuần, các trung tâm điều dưỡng người cao tuổi),.... Xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề; triển khai dự án Mở rộng quốc lộ 3 theo quy hoạch.
Ngoài ra, tiếp tục đề xuất, chuẩn bị đầu tư Dự án Xây dựng đường nối quốc lộ 3 - Trường đua ngựa - Đức Hòa (đường biên phía Đông Khu đô thị vệ tinh Sóc Sơn); Dự án Xây dựng đường nối quốc lộ 3 đến đường vành đai phía Đông Khu đô thị vệ tinh Sóc Sơn; Xây dựng tuyến đường liên vùng nối Đại Lải đi sân bay Nội Bài;…
Trước mắt, hoàn thành lựa chọn chủ đầu tư Cụm Công nghiệp vừa và nhỏ Sóc Sơn; tiếp tục kêu gọi đầu tư các cụm công nghiệp Lai Sơn 1, Lai Sơn 2, Cụm công nghiệp Thanh Xuân - Tân Dân, trung tâm mua sắm outlet, trung tâm logistics, các dự án khu đô thị, khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, bệnh viện Lão khoa,…
Đồng hành cùng các doanh nghiệp và nhà đầu tư, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi, nhất là về thuế, tín dụng, đất đai, nhân lực để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; khuyến khích ứng dụng công nghệ cao, phát triển công nghiệp hỗ trợ, sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm. Tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất cây trồng, vật nuôi; xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng liên kết chặt chẽ kinh tế hộ với doanh nghiệp, thị trường; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp,...
Bà Bùi Kim Thoa, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Sóc Sơn cho biết: Năm 2024, hàng loạt các quy hoạch lớn dự kiến được phê duyệt, như: Quy hoạch Thủ đô, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, quy hoạch vùng huyện, các quy hoạch phân khu đô thị Sóc Sơn,… là cơ sở để triển khai các dự án đầu tư xây dựng. Ngay từ đầu năm, Phòng đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo các đơn vị rà soát, đề xuất danh mục các dự án thu hút đầu tư phù hợp với ngành, lĩnh vực được giao quản lý để tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố quan tâm, xem xét đầu tư và kêu gọi đầu tư theo quy định. Đây là nhiệm vụ quan trọng, được xác định là một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 và các năm tiếp theo, góp phần sớm cụ thể hóa các đồ án quy hoạch được phê duyệt, đưa Sóc Sơn sớm trở thành đô thị, thành phố phía Bắc của Thủ đô. |
Thành Long (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI