HÀ NỘI

huyện Đông Anh: Động lực phát triển kinh tế phía Bắc Thủ đô

14:21:07 | 26/3/2024

Bên cạnh đầu tư, chỉnh trang đô thị theo quy hoạch, huyện Đông Anh đang tập trung đẩy mạnh phát triển theo hướng công nghiệp hóa, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và thương mại dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, phấn đấu lên quận trong thời gian sớm nhất.


Cầu Nhật Tân là một trong 3 cây cầu quan trọng hiện nay kết nối phát triển đối với huyện Đông Anh và TP.Hà Nội

Đông Anh là cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô Hà Nội, nơi tập trung nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch. Trên địa bàn huyện có 02 khu công nghiệp lớn là Bắc Thăng Long và Đông Anh; 03 cụm công nghiệp: Nguyên Khê, Liên Hà, Vân Hà. Ngoài ra, còn có một số làng nghề truyền thống nổi tiếng như: Trạm khắc gỗ, đồ gỗ mỹ nghệ ở xã Vân Hà, Thụy Lâm, Liên Hà; nghề sản xuất thép và cơ khí ở xã Dục Tú,…

Tháng 7/2023, HĐND Thành phố Hà Nội đã thông qua đề án thành lập quận Đông Anh và các phường thuộc quận, trên cơ sở nguyên trạng 185,68km diện tích tự nhiên và quy mô dân số 437.308 người hiện có. Theo tờ trình của Thành phố, đến nay Đông Anh đã đạt 5/5 tiêu chí thành lập quận và 4/4 tiêu chí lập phường (hạ tầng xã hội; kỹ thuật đô thị; vệ sinh môi trường; kiến trúc cảnh quan).

Trong tương lai, Đông Anh sẽ là địa phương quy tụ nhiều đại dự án của cả nước. Nổi bật là dự án Thành phố thông minh Bắc Hà Nội vốn đầu tư 4,2 tỷ USD do liên doanh giữa Tập đoàn BRG (Việt Nam) và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) thực hiện.

Bên cạnh đó, tháng 11/2023, huyện Đông Anh tổ chức Hội nghị công bố, công khai Đồ án quy hoạch dự án đầu tư Xây dựng Trung tâm hành chính huyện Đông Anh tỷ lệ 1/500. Cùng với đó là các dự án như: Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia rộng 90ha, quy mô 7.336 tỷ đồng tại Xuân Hội, Xuân Canh; Vinhomes Cổ Loa; Tổ hợp Y tế và Chăm sóc sức khỏe công nghệ cao TH Medical; dự án công viên Kim Quy,… Các dự án hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ mang lại diện mạo mới cho huyện.

Năm 2023, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách nhưng kinh tế trên địa bàn huyện vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức cao, tăng 9,4%, cao hơn mức tăng trưởng bình quân của Hà Nội và cả nước. Trong đó: Công nghiệp - xây dựng ước tăng 8,9% (thấp hơn so với kế hoạch năm 2023 là 10%); thương mại - dịch vụ ước tăng 15,7% (vượt kế hoạch 15,5%); nông - lâm - thủy sản ước tăng 0,9% (vượt kế hoạch 0,8%). Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng với tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 88%, thương mại - dịch vụ chiếm 10,8% và nông nghiệp chiếm 1,2%.

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đông Anh sẽ trở thành đô thị, trung tâm kinh tế, tài chính hiện đại, trung tâm văn hóa, lịch sử của Thủ đô. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng xác định xây dựng Đông Anh thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ tài chính thương mại và giao dịch quốc tế phía Bắc sông Hồng, đóng vai trò là động lực phát triển ở phía Bắc của Thủ đô Hà Nội.


Phối cảnh Thành phố thông minh

Bám sát định hướng này, thời gian tới, huyện sẽ thực hiện tốt đề án đầu tư xây dựng Đông Anh trở thành quận; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và thương mại dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp một cách hợp lý.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, huyện ưu tiên thu hút các doanh nghiệp đầu tư theo quy hoạch và doanh nghiệp công nghiệp có hàm lượng chất xám cao; phát huy tối đa tiềm năng các làng nghề, duy trì, khôi phục và phát triển một số làng, ngành nghề truyền thống. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ hoàn thành cũng như kêu gọi, thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp mới theo hướng công nghiệp sạch, công nghệ cao, thân thiện môi trường,...

Đồng hành cùng các doanh nghiệp, huyện sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để ổn định sản xuất kinh doanh; chủ động đối thoại, cung cấp thông tin cho doanh nghiệp để định hướng và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt, luôn chú trọng đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng tạo nền tảng phát triển đô thị thông minh, xanh và bền vững.

Qua đó, không chỉ phát triển kinh tế - xã hội địa phương nói riêng mà còn góp phần cụ thể hóa, đẩy nhanh thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nói chung.

Hà Thành (Vietnam Business Forum)