HÀ NỘI

Huyện Ứng Hòa: Điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới

14:30:03 | 26/3/2024

Với việc hoàn thành 16/16 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội Thành phố giao, 18/18 chỉ tiêu HĐND huyện giao, trong đó tổng giá trị sản xuất năm 2023 ước đạt 15.055 tỷ đồng, tăng 7,48% so với cùng kỳ năm trước, Ứng Hòa được đánh giá là “điểm sáng” trong phát triển kinh tế - xã hội ngoại thành Thủ đô. Huyện cũng đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới (NTM), tạo nền tảng vững chắc cho tiến trình phát triển bền vững của địa phương.


Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cùng các đại biểu cắt băng khánh thành Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Ứng Hòa

Quyết tâm tạo đột phá từ cải cách hành chính

Năm 2023, Ứng Hòa đã hoàn thành 24/24 chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm theo Kế hoạch cải cách hành chính (CCHC), đạt 100% nội dung Kế hoạch. Tổng số hồ sơ tiếp nhận cấp huyện là 3.464, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 67,1% (tăng trên 200% so với năm 2022), cấp xã bình quân đạt 53% đảm bảo vượt chỉ tiêu tối thiểu trên 50% theo kế hoạch.

Ông Nguyễn Tiến Thiết, Chủ tịch UBND huyện Ứng Hoà cho biết: Có được kết quả trên, một trong những giải pháp của huyện là đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị rà soát xây dựng quy trình, quy chế làm việc, quy chế phối hợp trên nguyên tắc “5 rõ” đối với các quy trình liên quan từ 2 đơn vị trở lên huyện là cơ quan ban hành. Huyện cũng thực hiện nghiêm túc Quy định số 07-QĐ/TU ngày 17/11/2021 của Thành ủy Hà Nội về luân chuyển, điều động công chức lãnh đạo quản lý để đảm bảo và nâng cao hiệu quả công việc. Gắn trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức trong thực hiện CCHC; tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra công vụ, kiểm tra CCHC định kỳ, đột xuất; tổ chức tái kiểm tra công vụ, kiểm tra CCHC tại các cơ quan, đơn vị.

Đặc biệt, ngay từ đầu năm 2023, Ứng Hoà đã có những sáng kiến CCHC như: Mô hình “5 TTHC không chờ” của xã Hòa Phú; “Thêm 30 phút vì dân” của xã Minh Đức; “Tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC tại nhà không thu phí thông qua dịch vụ bưu chính công” của xã Kim Đường; “Thành lập tổ trợ giúp, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thông tin đường dây nóng, phát tờ rơi tuyên truyền” của xã Phương Tú,... UBND huyện đã chỉ đạo áp dụng nhân rộng, phát triển thêm các mô hình sáng kiến tại 25 xã, thị trấn còn lại. Đến nay, 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều thực hiện mô hình, sáng kiến CCHC.

Những nỗ lực này không chỉ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, phục vụ tốt hơn người dân và mà còn thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Năm 2023, tổng giá trị sản xuất của huyện ước đạt 15.055 tỷ đồng, so cùng kỳ năm trước tăng 7,48%. Huyện hoàn thành 16/16 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội thành phố giao, 18/18 chỉ tiêu HĐND huyện giao; thu nhập bình quân đạt 68,2 triệu đồng/người/năm (tăng 6,7 triệu đồng so với năm 2022). Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến, công tác bảo đảm an sinh xã hội được thực hiện tốt; an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.


Huyện Ứng Hòa đón nhận danh hiệu huyện Nông thôn mới và Huân chương Lao động hạng Nhì

Vững bước trên hành trình xây dựng NTM

Là huyện ngoại thành thuần nông có xuất phát điểm thấp, Ứng Hòa xác định xây dựng NTM là chương trình lớn để xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Đến nay, toàn huyện đã có 28/28 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM, trong đó, 6/28 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao (đạt 20,14%), không có tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM. Trong đó, thị trấn Vân Đình đã được công nhận đạt chuẩn văn minh đô thị. Ngày 24/10/2023, huyện đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1224/QĐ-TTg về việc công nhận huyện Ứng Hòa đạt chuẩn NTM năm 2022.

Trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp như vùng chuyên canh tập trung, với trên 8.000ha lúa, trong đó có trên 60% lúa chất lượng cao, trên 2 triệu gia cầm, trên 4.000ha thủy sản (lớn nhất Thành phố) và hàng trăm ha rau củ quả các loại. Toàn huyện có 70 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó có 13 sản phẩm đạt 4 sao, 57 sản phẩm đạt 3 sao; trọng tâm là các sản phẩm từ nông nghiệp có giá trị cao trên thị trường.

Với quyết tâm về đích NTM và không còn hộ nghèo, cùng với những giải pháp hỗ trợ của Nhà nước,Ứng Hòa cũng có những chính sách đặc thù, giải pháp hỗ trợ người dân thoát nghèo bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện năm 2023 chỉ còn 0,003%.

Ông Nguyễn Tiến Thiết, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Theo định hướng Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Hà Nội sẽ có 02 thành phố trực thuộc và 5 trục phát triển, trong đó, Ứng Hòa nằm trong quy hoạch trục không gian phát triển phía Nam kết nối không gian sinh thái với cụm du lịch tâm linh huyện Mỹ Đức và tỉnh Hà Nam. Đây là định hướng quan trọng để Ứng Hòa đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp thông minh gắn với phát triển du lịch, dịch vụ. Tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật nông thôn trên địa bàn.

Thời gian tới, huyện sẽ tập trung vào quy hoạch chi tiết vùng huyện và chú trọng thêm các vùng chuyên canh sản xuất lúa. Huyện cũng quy hoạch quỹ đất nông nghiệp để kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng các chợ nông sản, có thêm những sàn giao dịch thương mại để tổ chức sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm,…

Bên cạnh đó, phát huy thế mạnh làng nghề, xây dựng thêm các cụm công nghiệp làng nghề, khu công nghiệp, khu du lịch sinh thái,… Phấn đấu đến năm 2025, huyện có 15 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 8 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 5.448 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 80 triệu đồng trở lên.

Nguồn: Vietnam Business Forum