Tiếp tục đổi mới hoạt động thanh, kiểm tra theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các vấn đề dư luận xã hội quan tâm; nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, đảm bảo chặt chẽ, khách quan, kịp thời và khả thi; hạn chế tối đa việc trùng lặp, chồng chéo;… là những nhiệm vụ cốt lõi được ngành Thanh tra tỉnh Bắc Giang triển khai góp phần xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh “minh bạch, thông thoáng, năng động, thân thiện”. Xung quanh nội dung này, phóng viên Vietnam Business Forum đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Hường - Phó Chánh Thanh tra tỉnh Bắc Giang.
Bà có thể cho biết kết quả hoạt động của ngành Thanh tra tỉnh Bắc Giang thời gian qua? Một số nhiệm vụ trọng tâm cũng như những điểm mới trong công tác thanh, kiểm tra của Thanh tra tỉnh trong thời gian tới?
Có thể nói, quá trình phát triển của ngành Thanh tra luôn gắn liền với sự nghiệp đổi mới của tỉnh Bắc Giang nói riêng và cả nước nói chung. Trong nhiều năm qua, Thanh tra tỉnh tích cực tham mưu UBND tỉnh triển khai các văn bản pháp luật và chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ về giải quyết khiếu nại tố cáo; giúp giải quyết kịp thời đơn thư khiếu nại tố cáo; duy trì tốt công tác tiếp công dân. Cùng với đó, chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng, gắn công tác thanh tra với việc phát hiện, làm rõ và kiến nghị xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật các hành vi tham nhũng,… Thông qua hoạt động thanh tra đã giúp xem xét, đánh giá việc thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật nhà nước của các cơ quan, tổ chức để phát huy các nhân tố tích cực; đồng thời kiến nghị bổ sung, sửa đổi, thay thế những cơ chế, chính sách còn sơ hở, bất cập, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực nói chung và trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh nói riêng.
Năm 2023, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 143 cuộc thanh tra hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước, quản lý kinh tế xã hội tại 331 đơn vị; 219 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với 1.124 tổ chức, cá nhân. Qua thanh tra, đã phát hiện sai phạm với tổng số tiền 54.012 triệu đồng, 189m2 đất; trong đó yêu cầu thu hồi về ngân sách nhà nước 20.194 triệu đồng, xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền xử lý bằng các biện pháp tài chính khác 33.818 triệu đồng và xử lý khác 189m2 đất; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hành chính đối với 29 tập thể, 409 cá nhân; xử phạt vi phạm hành chính số tiền 3.954 triệu đồng; chuyển cơ quan điều tra 03 vụ việc với 24 đối tượng.
Trong thời gian tới, Thanh tra tỉnh tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và định hướng về chuyên môn của Thanh tra Chính phủ để xây dựng kế hoạch thanh tra hằng năm có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, được dư luận quan tâm. Song song đó, chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện việc rà soát, xử lý chồng chéo; triển khai thực hiện 100% cuộc thanh tra đã được phê duyệt và đột xuất khi được giao. Phối hợp tốt với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong thực hiện các kết luận, quyết định xử lý sau thanh tra; gắn với trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị và giao nhiệm vụ cụ thể cho cá nhân trong việc tổ chức thực hiện kết luận, quyết định xử lý sau thanh tra,…
Bà có thể cho biết cụ thể hơn về công tác xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh, kiểm tra đối với DN, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Bắc Giang?
Việc xử lý chồng chéo trong xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra DN luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo. Hằng năm, trước khi cấp có thẩm quyền phê duyệt Kế hoạch thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành và thanh tra, kiểm tra đối với DN, Thanh tra tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện việc rà soát, xử lý chồng chéo nhằm đảm bảo không thanh tra, kiểm tra quá 01 lần/năm đối với DN.
Đồng thời, Thanh tra tỉnh cũng tăng cường tuyên truyền, quán triệt toàn ngành triển khai, thực hiện nghiêm túc Luật Thanh tra 2022, các văn bản hướng dẫn thi hành và chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh về công tác thanh tra. Chỉ đạo theo dõi chặt chẽ hoạt động thanh, kiểm tra DN trên địa bàn tỉnh gắn với triển khai thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho DN.
Mặt khác, duy trì thực hiện hiệu quả phần mềm quản lý hoạt động kiểm tra, giám sát, thanh tra trên địa bàn tỉnh giúp công tác thanh, kiểm tra thuận lợi, minh bạch. Thường xuyên kiểm điểm, đánh giá tiến độ, kết quả thực hiện nhiệm vụ; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm đối với tập thể, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc có vi phạm trong tổ chức thực hiện.
Thời gian qua, Chỉ số “Chi phí không chính thức” (là chỉ số thành phần PCI) của Bắc Giang đã có sự bứt phá rõ rệt. Bà có thể cho biết một số giải pháp của ngành Thanh tra tỉnh trong việc duy trì và cải thiện chỉ số thành phần này?
Xác định cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, tỉnh Bắc Giang đã có nhiều chủ trương, giải pháp chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện. Riêng đối với chỉ số thành phần “Chi phí không chính thức”, tỉnh Bắc Giang đã có nhiều cải thiện, bứt phá rõ rệt. Nếu như năm 2020, Chỉ số “Chi phí không chính thức” đạt 6,47 điểm, xếp thứ 38/63 tỉnh thành phố thì năm 2022 đạt 8,02 điểm, đứng thứ 01/63 tỉnh, thành phố. Đây là kết quả xứng đáng, ghi nhận những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, địa phương, góp phần xây dựng xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh “minh bạch, thông thoáng, năng động, thân thiện”.
Để duy trì thứ hạng, điểm số đối với chỉ số thành phần “Chi phí không chính thức”, với mục tiêu đạt từ 8,03 điểm trở lên (tăng 0,01 điểm so với năm 2022), Thanh tra tỉnh với vai trò là cơ quan đầu mối đã kịp thời tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 120/KH-UBND ngày 02/7/2023 về nâng cao Chỉ số PCI đối với chỉ số thành phần “Chi phí không chính thức” năm 2023. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì nâng điểm số các chỉ tiêu thành phần đảm bảo đúng tiến độ, mục tiêu đề ra; kịp thời báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh trong việc thực hiện chỉ số thành phần. Phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức tuyên truyền, lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng đến người dân và DN; qua đó giúp người dân và DN nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, tự bảo vệ quyền lợi của mình.
Ngoài ra, Thanh tra tỉnh căn cứ nhiệm vụ được giao, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát, xử lý dứt điểm chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra DN. Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết TTHC, tập trung vào đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC, nhất là trong lĩnh vực đất đai, lĩnh vực đấu thầu,… đối với DN, nhà đầu tư. Tích cực tham gia các cuộc đối thoại, tiếp xúc với DN, đưa ra những giải pháp nhằm hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho DN.
Trân trọng cảm ơn bà!
Trần Trang (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI