HÀ NỘI

Tạo đà cho ngành thủ công mỹ nghệ phát triển

10:39:22 | 12/9/2024

Hà Nội sở hữu những giá trị tiêu biểu, trong đó có “tính độc đáo của muôn nghề”. Việc tập trung khơi dậy tinh hoa nghề thủ công mỹ nghệ cho thấy hướng đi đúng của Thủ đô trong việc đưa Nghị quyết về Phát triển công nghiệp văn hóa vào cuộc sống.

Trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016, thủ công mỹ nghệ được xác định là một trong số 12 ngành trọng tâm để phát triển công nghiệp văn hóa. Trong khi đó, tại Hà Nội, đây cũng là một trong 6 lĩnh vực giàu tiềm năng, lợi thế, được tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Một loạt giải pháp đã và đang được thành phố triển khai, thực hiện cho mục tiêu phát triển thủ công mỹ nghệ thành ngành công nghiệp văn hóa, như: Phát triển thị trường công nghiệp văn hóa, trong đó chú trọng khu vực có tiềm năng, lợi thế như làng nghề truyền thống để nâng cao năng lực sáng tạo, hướng đến thị trường quốc tế; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư... để khai thác, phát huy tiềm năng, giá trị văn hóa đặc sắc của từng địa phương…

Chưa phát huy hết tiềm năng

Hiện TP.Hà Nội có 1.350 làng nghề với khoảng 176.000 hộ làm nghề, chiếm 45% tổng số làng nghề trong cả nước. Trong đó, số lượng cơ cấu nhóm ngành nghề gồm các nhóm: Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; chế biến, bảo quản nông sản.

Các sản phẩm của làng nghề đa dạng nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt và có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, bao gồm sản phẩm may mặc; sản phẩm gốm sứ; sản phẩm dệt và thêu ren truyền thống; đồ gỗ phục vụ tiêu dùng và xây dựng; sản phẩm cơ khí; chế biến nông sản…, nhiều sản phẩm đã được xuất khẩu đi các thị trường chất lượng cao như: Nhật Bản, Mỹ, EU, Dubai, Nga và một số nước châu Á, Đông Nam Á.

Dù có những đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế Thủ đô nhưng sự phát triển của các làng nghề thủ công mỹ nghệ được đánh giá là chưa tương xứng với tiềm năng. Một trong những hạn chế lớn nhất là khâu mẫu mã sản phẩm. Hiện thành phố có tới gần 200 nghệ nhân, hàng nghìn thợ giỏi, hàng trăm chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước, cùng các sinh viên chuyên ngành, hằng năm sáng tác, thiết kế hàng nghìn mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Tuy nhiên, phần lớn các sản phẩm này mới chỉ dừng ở mức độ nghiên cứu, rất ít sản phẩm được thương mại hóa.

Bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội cho rằng, so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia... hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam yếu hơn về thiết kế, trong khi sự khác biệt về mẫu mã là một trong những yếu tố quyết định khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Ông Lê Đức Kế, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Du lịch dịch vụ thương mại Bát Tràng (huyện Gia Lâm) cho biết, nếu nhìn nhận gốm sứ Bát Tràng là làng nghề thủ công thuần túy thì không cần phải bàn thêm. Song, nếu dưới góc nhìn của một làng nghề thủ công mỹ nghệ thì những mặt hàng ở đây đang thiếu một nhà thiết kế mẫu hiện đại, có tầm nhìn và dự đoán chính xác về thị hiếu mẫu, hoa văn. Vì vậy, khi bước ra thị trường thế giới, sản phẩm gốm sứ của Bát Tràng có phần đuối sức so với mặt hàng cùng loại của nhiều nước.

Đẩy mạnh xuất khẩu

Trong những năm qua, mặt hàng thủ công mỹ nghệ luôn nằm trong nhóm mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn; đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, là ngành nghề thu hút nhiều lao động tham gia, góp phần xoá đói giảm nghèo ở nông thôn.

Ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng, nhiều năm trước, hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam được thị trường nước ngoài ưa chuộng bởi có mẫu mã mới lạ, giá thành hợp lý. Tuy nhiên, hiện nay sức hấp dẫn của các sản phẩm làng nghề truyền thống Việt Nam đang có dấu hiệu bị giảm đi đáng kể, bởi các làng nghề, các nghệ nhân không có sự thay đổi mẫu mã, không đáp ứng kịp nhu cầu của khách hằng ngày về kiểu dáng, mẫu mã.

Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Hà Nội là nơi các nghệ nhân làng nghề kể lại những câu chuyện thông qua sản phẩm, gìn giữ bản sắc văn hóa, truyền thống của từng nghề trong suốt chiều dài lịch sử. Không chỉ làm ra những sản phẩm chất lượng tốt, độc đáo, để nâng cao chuỗi giá trị, các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ làng nghề còn cần phải đầu tư cải tiến mẫu mã để đáp thị hiếu của người tiêu dùng. Ngoài việc cải tiến mẫu mã, nhiều doanh nghiệp cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm nhờ vào thương mại điện tử. Việc đưa hàng thủ công lên nền tảng Thương mại điện tử đem lại nhiều hiệu quả thiết thực như tăng doanh thu, giảm chi phí, quảng bá thương hiệu và tiếp cận đến nhiều khách hàng hơn, giúp sản phẩm làng nghề vươn xa ra thị trường thế giới.

Bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội cho rằng: “Các Hiệp định FTA mà Việt Nam ký kết với các nước là "cơ hội vàng" cho những doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó có những doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ. Tuy nhiên, khi tham gia FTA sẽ có những khó khăn nhất định về hàng rào kỹ thuật, buộc các nhà sản xuất của Việt Nam phải thay đổi, phải hoàn thiện. Chẳng hạn những quy định chặt chẽ về yếu tố môi trường, tiếng ồn, đời sống của cán bộ công nhân viên,…Tóm lại là phải có sản phẩm "sạch" để chúng ta mang ra thế giới”.

Theo ông Nguyễn Văn Chí - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, thành phố luôn có nhu cầu rất cao về nguồn nguyên liệu, chính vì vậy, hiện nay thành phố luôn quan tâm kết nối vùng nguyên liệu với các tỉnh, thành phố trong cả nước để triển khai sản xuất. Để gỡ khó cho việc cung ứng nguồn nguyên liệu phát triển làng nghề, Nhà nước cần phải hoàn thiện các chính sách về đất đai, vùng nguyên liệu. Đồng thời, hỗ trợ cơ chế hợp tác công tư để phát triển vùng nguyên liệu, chế biến và kinh doanh nguyên liệu phục vụ làng nghề. Hỗ trợ phát triển các nguồn nguyên liệu có chứng chỉ bền vững, phù hợp quy chuẩn quốc tế và nguồn nguyên liệu thích ứng, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Khuyến khích doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, đầu tư liên kết với nông dân xây dựng, phát triển các chuỗi sản xuất tập trung từ việc trồng, thu mua, bảo quản, chế biến, tiêu thụ; tăng cường đầu tư cho khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất, phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản.

Minh Ngọc (Vietnam Business Forum)

Trang thông tin có sự phối hợp của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội