09:21:17 | 21/3/2022
Trong bối cảnh khó khăn, cộng đồng DN được tiếp thêm động lực từ sự kịp thời, thiết thực trong xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Bokwang Vina (Thái Nguyên) - Ảnh: TTXVN
Trong bối cảnh thích ứng linh hoạt với dịch bệnh, nhiều hiệp hội doanh nghiệp (DN) và địa phương đã nỗ lực kết nối tạo điều kiện để các DN vừa tăng cường liên kết lẫn nhau, vừa đồng hành với chính quyền trong phòng chống dịch, xây dựng phương án sản xuất an toàn.
Đặc biệt, nhiều DN đã chủ động cắt giảm chi phí, nghiên cứu nhận diện xu thế, định vị đối tác, thị trường, chuyển hướng thiết lập các chuỗi cung ứng nội địa. Sử dụng nguyên liệu trong nước để cắt giảm chi phí, thời gian vận chuyển và đảm bảo có nguyên liệu sản xuất liên tục. Bên cạnh đó, DN cũng tiếp tục đổi mới sản phẩm, thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, giảm tiêu hao nguyên phụ liệu để tiết kiệm chi phí…
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 2/2022, số DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt gần 11.400, cao gấp 1,7 lần so với số DN rút lui khỏi thị trường (6.600) và cao hơn mức bình quân chung của tháng 2 trong giai đoạn 2017-2021.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, cả nước có gần 20.300 DN đăng ký thành lập mới (tăng 11,9% về số DN); có 2.332 DN tăng vốn và có 22.300 DN quay trở lại hoạt động (tăng 102,5% so với cùng kỳ năm 2021).
Tổng số DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động là 42.600 DN, tăng 46,2% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn hẳn mức tăng 33,6% số DN rút lui khỏi thị trường.
Số DN quay trở lại hoạt động tăng ở tất cả các lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 170,6%; kinh doanh bất động sản tăng 132,6%; giáo dục và đào tạo tăng 132,1%; nghệ thuật, vui chơi và giải trí tăng 118,9%; bán buôn; bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy tăng 117,0%; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác tăng 111,2%).
Số tạm ngừng kinh doanh tập trung chủ yếu ở những DN có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng và có thời gian hoạt động ngắn (trong khoảng 5 năm).
Trong 2 tháng đầu năm 2022, Việt Nam có 21 dự án đầu tư ra nước ngoài cấp mới với tổng số vốn 51,7 triệu USD, gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2021. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 2 tháng đầu năm 2022 ước đạt 2,68 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước.
Những tín hiệu tích cực trên phản ánh sự chủ động và năng lực thích ứng của cộng đồng DN cũng như sự điều hành linh hoạt và quyết đoán của quản lý Nhà nước trong hoạt động kinh tế.
DN được tiếp thêm động lực từ sự kịp thời, thiết thực trong xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ về tài chính-tín dụng, mở cửa lại các đường bay quốc tế và kích thích cả tổng cung và tổng cầu; cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn giữ vững lòng tin thị trường cho DN theo tinh thần Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022 và Nghị quyết số 11/NQ-CP năm 2022 của Chính phủ trong triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình vừa được Quốc hội thông qua...
Có thể nói sự đông đảo, sức chống chịu và năng lực cạnh tranh của cộng đồng DN phản ánh hiệu quả thể chế môi trường đầu tư và sức mạnh quốc gia. Niềm tin đầu tư, niềm tin thị trường, những tín hiệu tích cực từ cộng đồng DN sẽ đậm nét và bền vững hơn trong thời gian tới cùng với kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ cắt giảm chi phí sản xuất-kinh doanh, bảo đảm quyền lợi đầu tư, ổn định vĩ mô và giảm rủi ro chính sách.
TS. Nguyễn Minh Phong
Nguồn: baochinhphu.vn
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI