15:44:32 | 14/3/2014
Toàn bộ nền kinh tế sẽ có những chuyển biến lớn, tổng cầu tăng, thoát đáy, cộng đồng doanh nghiệp sẽ bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới… - Đó là nhận định chung của nhiều chuyên gia kinh tế tại Hội thảo “Triển vọng kinh tế và tầm nhìn chính sách năm 2014” do Đại học (ĐH) Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Đây được xem là sự kiện được tổ chức thường niên, nhằm tạo một diễn đàn để các chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách vĩ mô cùng ngồi lại với nhau thảo luận, chia sẻ quan điểm về chính sách kinh tế 2013 cũng như triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2014. Và đây cũng là một bước tạo đà để hướng tới việc công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2014.
Nhiều dấu hiệu khả quan
Chia sẻ những sức bật mới của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2014, TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá, Việt Nam nằm trong số ít nước đang sở hữu những lợi thế cạnh tranh khá lớn, nằm trong những ngành có thế mạnh của nước nhà. Dẫn chứng như trong ngành nông nghiệp và công nghệ thông tin (CNTT). Theo đó, nếu mức chi phí ngày công lao động ở hai cường quốc IT của thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ đều có chiều hướng gia tăng thì Việt Nam lại được biết đến với mức nhân công ở “giá bèo”, đây chính điểm lợi thế cạnh tranh đầu tiên thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tìm đến với chúng ta. Ông Thành dẫn chứng, theo đánh giá của hang tư vấn AT Kearney, dự báo trong tương lai không xa Việt Nam có thể trở thành trung tâm gia công tiếp theo của ngành công nghiệp lập trình thế giới. Còn theo hãng tư vấn Meo IT, chi phí nhân lực trong ngành CNTT ở Việt Nam thấp hơn 40% so với Trung Quốc và Ấn Độ.
Về xuất khẩu, Việt Nam cũng đặc biết có thể mạnh ở các mặt hàng xuất khẩu chủ lực là điện tử - máy tính – linh kiện và dệt may giày dép (chiếm tổng tỷ trọng gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu), hầu hết các doanh nghiệp dệt may, giày dép đã nhận được đơn hàng quý I và quý II/2014. Ngoài ra, ở một số nhóm ngành hàng, nông nghiệp như: lúa gạo, thủy hải sản,… Việt Nam cũng đã từng giữ vị trí quán quân khi xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Đồng tình với quan điểm này, TS. Lê Quốc Phương, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin và Công nghệ và Thương mại (Bộ Công thương) nhìn nhận, kinh tế thế giới đã chạm đáy vào năm 2013, và các cường quốc kinh tế thế giới không muốn nhìn tình trạng xấu này lâu hơn. Do đó năm 2014 được dự đoán là sẽ có nhiều tín hiệu phục hồi trở lại đặc biệt trong các hoạt động xuất nhập khẩu.
Nhìn vào các động thái chính sách cũng như sức khỏe nền kinh tế trong nước, TS Nguyễn Minh Phong nhận định, Chính phủ và các nhà làm “luật” đã rất nhanh chóng thích nghi với bài toán đổi mới. Nên ngay từ đầu năm 2014 chúng ta đã ghi nhận hàng loạt các chính sách cải cách môi trường đầu tư mới của Việt Nam, nhằm đón đầu các dòng vốn đầu tư của nước ngoài. Các chính sách điều hành vĩ mô nền kinh tế trong nước cũng thông thoáng hơn mở ra nhiều lựa chọn cho cộng động doanh nghiệp kinh doanh như việc giảm lãi suất, tiếp tục các chính sách nới lỏng tài chính tín dụng.
Vẫn phải “quản” chặt các chính sách kinh tế
Đó là nhận định của TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội, bởi nếu đặt trong dài hạn nền kinh tế Việt Nam chỉ bước đầu có mức phục hồi nhẹ trong ngắn hạn và khá mong manh, do đó các chính sách kinh tế cần rất thận trọng chứ không nên nới lỏng quá nhanh. Theo quan điểm này, TS. Thành phân tích, từ năm 2005 đến nay, chúng ta vẫn chưa có mức tăng trưởng thật sự nổi bật. Cho đến 2013, mức độ tăng trưởng mới có dấu hiệu nhích lên đôi chút so với 2012 và có ý kiến cho là nền kinh tế đã chạm đáy theo chu kỳ. Tuy nhiên, mọi chuyện không đơn giản như vậy, vì các dấu hiệu phục hồi kinh tế hiện nay nằm ở chu kỳ ngắn còn chu kỳ dài của cả nền kinh tế thì vẫn đang chờ ở phía trước. Cụ thể, ở số liệu phần “cung” tình hình sản xuất nông lâm ngư nghiệp có dấu hiệu chững lại; sản xuất công nghiệp từ 2011 cũng liên tục nằm dưới đường 10% đến nay chưa có dấu hiệu bứt phá. Chỉ số PMI ngành sản xuất tại Việt Nam theo khảo sát của HSBC cũng cho thấy, từ quý 2/2011 đến quý 3/2013, các DN liên tục thu hẹp sản xuất. Chỉ bắt đầu từ đầu quý 4/2013, sản xuất mới bắt đầu có dấu hiệu phục hồi rất nhẹ. Còn ở phía cầu, tỷ trọng đầu tư ở khu vực vốn nhà nước giảm chỉ đến năm 2013 mới tăng trở lại. Cầu tiêu dùng cũng giảm mạnh từ năm 2009 đến nay, và mới chỉ được nhen nhóm vào năm 2013, thể hiện doanh thu bán hàng tăng lên nhưng không cao. Về vĩ mô nền kinh tế vẫn phải chụi nhiều rủi ro, cân đối ngân sách không đảm bảo bởi chi thường xuyên tăng quá nhanh, khiến chi đầu tư toàn nền kinh tế giảm. Điều này, nếu kéo dài sẽ gây hậu quả trong trung hạn và Việt Nam sẽ rơi vào vòng xoáy nợ nần tạo sức ép lên thị trường tài chính – tiền tệ. Nhìn vào những hạn chế này, TS. Thành khuyến nghị chúng ta cần đề ra các chính sách linh hoạt, uyển chuyển đề phù hợp với mục tiêu phục hồi tăng trưởng. Cốt yếu là làm sao giữ vững được đà tăng trưởng, từ đó vực dậy toàn bộ sức khỏe nền kinh tế. Sự tăng trưởng trước mắt là điều đáng mừng nhưng xét về dài hạn ở chu kỳ 5 – 10 năm thì đòi hỏi toàn bộ nền kinh tế, phải có sự đổi mới mạnh mẽ. Cụ thể, ở khu vực DNNN, tái cơ cấu nông nghiệp, tài chính ngân hàng, đầu tư xây dựng cơ bản, TS. Thành nói.
Đồng tình với quan điểm trên, TS. Lưu Bích Hồ nguyên Viện trưởng Chiến lược Phát triển (Bộ KH&ĐT) cho rằng: Để nền kinh tế “vượt cạn” thành công trong thời gian tới, cần có sự đánh giá chính xác số liệu cơ bản về kinh tế vĩ mô như chỉ số GDP, nợ xấu, nợ công, thực trạng kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước. Mặt khác, cần quyết liệt đẩy mạnh các cải cách thủ tục hành chính, đầu tư, tài chính, hải quan đất đai, biên chế, tiết kiệm chi thường xuyên…
Anh Phương
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI