Đẩy mạnh phát triển du lịch Đồng Nai

09:49:52 | 15/8/2014

Theo báo cáo kết quả hoạt động du lịch tỉnh Đồng Nai, tổng lượt tham quan, lưu trú đến Đồng Nai năm 2013 là 2.800.830 lượt, tăng 11,7% so với cùng kỳ và tăng 2,3% so với kế hoạch, tổng doanh thu đạt 698 tỷ đồng, tăng 13,7% so với cùng kỳ và tăng 3,1% so với kế hoạch. Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh. Trong thời gian tới, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai sẽ từng bước hoạch định các chính sách phát triển các sản phẩm du lịch của địa phương để tạo bước đột phá trong phát triển bền vững.

Tăng cường hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư

Năm 2013, với sự nỗ lực của toàn ngành và sự đóng góp của hoạt động xúc tiến du lịch tỉnh, tuy tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng kết quả hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh vẫn phát triển ổn định, lượt khách và doanh thu tăng so với cùng kỳ.


Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả hoạt động trong thời gian tới, công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch được tỉnh chú trọng triển khai. Ngành du lịch tỉnh chủ động thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Xây dựng Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2013 – 2020, dự thảo Chỉ thị đẩy mạnh phát triển du lịch tỉnh Đồng Nai, phối hợp Viện nghiên cứu Kinh tế phát triển – Trường Đại học Kinh tế triển khai xây dựng Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, lập hồ sơ xin tái thành lập ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh,...

Công tác xúc tiến quảng bá du lịch được duy trì thường xuyên thông qua các phương tiện thông tin truyền thông, website, ấn phẩm du lịch,.... Phối hợp với Hiệp hội Du lịch tổ chức các chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa tỉnh Đồng Nai và các tỉnh phụ cận như Bình Dương, TP.HCM,... Đối với các hoạt động hội chợ - triển lãm, ngành du lịch tỉnh Đồng Nai cũng tích cực tham gia vào chương trình Ngày hội du lịch, Lễ hội Đất Phương Nam tại TP.HCM được tổ chức định kỳ mỗi năm nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác, quảng bá du lịch trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, công tác tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ và nhân viên đang công tác tại các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh cũng được quan tâm thực hiện. Tăng cường sự phối hợp giữa các ngành trong việc quản lý, hỗ trợ phát triển du lịch; tập trung chỉ đạo thực hiện và áp dụng một cách đồng bộ, hiệu quả công tác quản lý môi trường, đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch. Tổ chức khảo sát chất lượng và số lượng các cơ sở lưu trú du lịch; đánh giá hiện trạng, số lượng và chất lượng nhà nghỉ, khách sạn đạt tiêu chuẩn trong toàn tỉnh. Từ đó, xây dựng định hướng của ngành nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú, đáp ứng nhu cầu xã hội.

Bên cạnh đó, ngành du lịch tỉnh Đồng Nai cũng tiếp tục đôn đốc, thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án du lịch như: Dự án KDL và đô thị Sơn Tiên (Biên Hòa), dự án KDL sinh thái và nuôi thả động vật hoang dã (Trảng Bom), dự án điểm du lịch sinh thái tại xã Long Tân (Nhơn Trạch),.... Kiến nghị với UBND tỉnh về việc tạo điều kiện cho ngành du lịch tham gia các đoàn xúc tiến đầu tư của tỉnh tại các địa phương trong và ngoài nước để nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư, đặc biệt là mời gọi các nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch tham gia đầu tư vào những khu vực có tiềm năng phát triển du lịch, nhằm phát huy các lợi thế của tỉnh, góp phần nâng cao cơ cấu dịch vụ của tỉnh nhà.

Phát triển du lịch tiềm năng – du lịch đường sông

Đa dạng hóa các loại hình du lịch, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành du lịch tỉnh Đồng Nai. Trong đó, phát triển các loại hình du lịch tiềm năng, đặc biệt là du lịch đường sông được tỉnh quan tâm thực hiện. Vì Đồng Nai có hàng chục km tuyến sông với nhiều điểm tham quan thú vị nên được đánh giá là địa phương sở hữu nhiều tiềm năng phát triển du lịch đường sông – một loại hình du lịch thu hút rất đông du khách hiện nay.

Dọc sông Đồng Nai có rất nhiều điểm du lịch như: Vườn bưởi Tân Triều; KDL Bửu Long, làng cá bè Tân Mai (TP. Biên Hòa), chùa Ông, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, văn miếu Trấn Biên,… Hầu hết, các điểm du lịch này nằm ở trung tâm TP.Biên Hòa, có thể liên kết, kết nối tour với các điểm du lịch khác ở TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương. Thế nhưng, những điểm du lịch này chưa được quan tâm đầu tư đúng mức với hạ tầng cơ sở chưa hoàn thiện, các bến, trạm dừng chân còn hạn chế và chưa chuyên nghiệp nên thiếu sức hấp dẫn, khó thu hút được nhà đầu tư.

Để cải thiện tình trạng này và hướng đến một tuyến du lịch đường sông đi vào hoạt động ổn định và hiệu quả, Sở VHTT-DL sẽ phối hợp với Sở GTVT Đồng Nai tổ chức khảo sát các vị trí bến tàu phục vụ cho phát triển các tuyến du lịch đường sông. Theo dự kiến, các bến tàu phải được xây dựng đúng tiêu chí làm du lịch, đó là phải đẹp, an toàn, và phải có người đứng trạm tiếp đón có đủ trình độ chuyên môn để giới thiệu khách tham quan và chỉ sử dụng vào mục đích du lịch không xen vào các hoạt động khác.

Sau khi ổn định hạ tầng cơ sở, Sở cũng tìm kiếm các giải pháp liên kết phát triển tour, tuyến du lịch đường sông nối liền từ Đồng Nai đến các địa phương lân cận và ngược lại. Song song đó, Sở cũng cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, chủ đầu tư tham gia khai thác tuyến du lịch này.

Nếu được đầu tư đúng hướng và kịp thời, du lịch đường sông hứa hẹn sẽ đóng góp tích cực vào hiệu quả hoạt động của ngành du lịch Đồng Nai, phát triển ngành du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

Tường – Hạnh