Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung: Nhiều lợi thế nhưng “thiếu” Ban điều hành vùng

16:50:39 | 24/8/2010

Hiện nay, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (VKTTĐMT) đang là chủ đề mà các nhà hoạch định chiến lược, các chuyên gia và các nhà đầu tư bàn luận rất nhiều. Trong đó, những vấn đề nổi lên như làm thế nào để liên kết phát triển kinh tế vùng; xây dựng cơ chế phối hợp điều hành của 5 tỉnh, thành phố và mô hình tổ chức VKTTĐMT để đề xuất cơ chế cho phù hợp... Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt mà “họ” đưa ra là đã đến lúc cần thành lập một ban chỉ đạo vùng để phát huy những lợi thế so sánh đang có.

Tàu cập cảng Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi

“Tăng tốc” nhờ lợi thế

Sau gần hai năm thực hiện Quyết định số 1085/QĐ-TTg ngày 12/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ nhằm phát triển VKTTĐMT thành trung tâm trung chuyển, giao thương chế biến của vùng sông Mêkông và khu vực châu Á - Thái Bình Dương với các ngành kinh tế biển gắn với công nghiệp, du lịch, dịch vụ, hình thành chuỗi các khu kinh tế, khu công nghiệp, kho bãi quốc gia và quốc tế…, các tỉnh miền Trung đã bắt đầu có sức bật hết sức mạnh mẽ mạnh mẽ: Vốn đầu tư ngân sách khu vực Nhà nước tăng mạnh từ 65,68% lên 74,9%, trong đó vốn xây dựng cơ bản chiếm 80% tổng số vốn. Tính từ năm 1988 đến hết quý 1 năm 2010, toàn vùng đã thu hút được 377 dự án còn hiệu lực với tổng vốn FDI đăng ký đạt gần 14,4 tỷ USD, chiếm 74% về số dự án và 61% về tổng vốn đăng ký của cả khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

Đặc biệt từ năm 2007 trở lại đây, một làn sóng vốn FDI vào VKTTĐMT càng mạnh mẽ hơn. Nếu tính tổng số vốn FDI vào vùng chỉ trong vòng 2 năm (2007 - 2009) đã tăng hơn gấp 4 lần so với 19 năm trước đó cộng lại (1988- 2006). Điều này cho thấy, VKTTĐMT chính là nơi hội tụ nhiều lợi thế mang tính “tăng tốc”.

Thứ nhất, VKTTĐMT là trung điểm của đất nước và có vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nằm ngay trên các tuyến giao thông chính Bắc - Nam và là cửa ngõ ra biển của khu vực Tây Nguyên và các nước Tiểu vùng sông Mêkông trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) và điểm kết thúc là Cảng Tiên Sa. Sự phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, cảng biển, sân bay, hệ thống điện lực, viễn thông,… và sự tăng tốc trong đầu tư những năm gần đây cho thấy VKTTĐMT là nơi có sự kết nối thống nhất bởi một chuỗi đô thị lớn của đất nước như Huế, Đà Nẵng, Hội An - Tam Kỳ, Quảng Ngãi và Quy Nhơn.

Thứ hai, “không tự nhiên” mà người châu Âu, người Trung Quốc và đặc biệt là người Nhật Bản đã tìm đến vùng đất “xứ Quảng” (nơi hạt nhân của VKTTĐMN hiện nay) ngay từ những năm cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII. Một điều dễ nhận thấy rằng, ngoài vai trò vị trí chiến lược quan trọng, VKTTĐMT còn có nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, giàu tiềm năng để phát triển nhiều ngành kinh tế mũi nhọn hiện nay như kinh tế biển, du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng và nhiều dịch vụ di trú hữu ích khác. Trong khi đó, với lợi thế nằm trên “Con đường di sản” văn hóa thế giới như Cố đô Huế, phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn và hàng loạt bãi biển mang tầm cỡ quốc tế như biển Đà Nẵng (được Tạp chí Forber của Mỹ bình chọn là 1 trong 6 bãi biển đẹp nhất hành tinh),… nên VKTTĐMT đang được xem là “địa chỉ” hấp dẫn nhất của Việt Nam hiện nay. Bên cạnh đó, với việc đang “sở hữu” nhiều vịnh nước sâu kín gió như Chân Mây (Thừa Thiên Huế), Liên Chiểu, Tiên Sa (Đà Nẵng), Dung Quất (Quảng Ngãi), Quy Nhơn và Nhơn Hội (Bình Định) nên VKTTĐMT hứa hẹn trong việc nâng cấp, xây dựng nhiều hệ thống cảng biển tiện ích phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ ba, với việc “đang có trong tay” đến 4/13 Khu kinh tế trọng điểm của quốc gia được Chính phủ cho áp dụng nhiều cơ chế thông thoáng, môi trường kinh doanh theo thông lệ quốc tế và nhiều chính sách ưu đãi trong việc thu hút ngồn vốn FDI. Do đó, VKTTĐM được xem như là một trong những “khu nghỉ dưỡng” đầy hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ngoài ra, việc hội tụ của 22 khu công nghiệp với sự “đột phá” của thành phố Đà Nẵng - hạt nhân của VKTTĐMT về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) sẽ là động lực quan trọng cho sức hút đầu tư và sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong thế kỷ XXI.

Cần một ban điều hành vùng
“Lợi thế” thì nhiều, nhưng làm thế nào để tận dụng tối đa những lợi thế này? Đây chính là câu hỏi đang được nhiều chuyên gia và các lãnh đạo địa phương của VKTTĐMT. Trong đó, người ta cho rằng việc làm đầu tiên của vùng là cần có một “nhạc trưởng” đúng nghĩa – một Ban điều hành vùng (BĐHV). Và một khi có BĐHV thì việc tận dụng và phát huy những lợi thế đó sẽ có hiệu quả hơn rất nhiều.

Ông Đinh Văn Thu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã từng nêu lên quan điểm của mình rằng: “Hiện nay VKTTĐMT còn đang thiếu một cơ quan quản lý Nhà nước chuyên trách theo dõi, điều phối phát triển vùng một cách khoa học, khách quan và kịp thời gắn với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn rõ ràng, có tính thực tế cao”.

Từ thực tiễn ở VKTTĐMT cũng như nhiều Vùng kinh tế trọng điểm khác cho thấy, việc trực tiếp điều hành sẽ nhanh chóng xử lý kịp thời những “khúc mắc” và các vấn đề nảy sinh trong quá trình phát triển của vùng. Bởi ở Việt Nam hiện nay vẫn còn đang duy trì cơ chế kiêm nhiệm và tập trung quản lý, điều phối từ Trung ương đối với tất cả 4 Vùng kinh tế trọng điểm (VKTTĐ) trên cả nước. Kể từ ngày 28/9/2004, tất cả các VKTTĐ ở phía Bắc, miền Trung, phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long đều chịu sự quản lý và điều phối bởi VKTTĐ quốc gia. Mọi thủ tục, mọi cơ chế và quá trình thực hiện các dự án đều phải thông qua Ban chỉ đạo điều phối các VKTTĐ quốc gia. Nhìn chung, sự quản lý về mặt Nhà nước ở một cấp lớn nhất sẽ đảm bảo sự phát triển bền vững, đồng thời tránh được những tiêu cực cục bộ địa phương, tuy nhiên cũng không tránh khỏi việc “với không tới nơi” và quá trình điều phối cũng không được chặt chẽ, dĩ nhiên sẽ hạn chế tính thực tiễn.

Nói về vấn đề này, ông Đinh Văn Thu phân tích thêm: Chính cơ chế lỏng lẻo và hạn chế tính thực tiễn tại các địa phương này đã và đang dẫn đến tình trạng các địa phương trong mỗi vùng về cơ bản tự nghiên cứu thiết lập các quy hoạch phát triển không gian, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng các kế hoạch phát triển 5 năm, hàng năm mà thiếu đi vai trò, tiếng nói của một cơ quan quản lý chung. Việc hạn chế dàn trải, tập trung đầu tư hiện đại hóa các công trình trọng điểm sẽ dẫn đến thực tế khi triển khai thực hiện các dự án, công trình vẫn còn tâm lý nôn nóng đi trước và cục bộ địa phương một lần nữa lại đóng vai trò chi phối”.

Điều này cũng không tránh khỏi việc các địa phương sẽ tự giác đặt lợi ích của toàn vùng lên trên lợi ích của địa phương mình và rất có thể sự phát triển của VKTTĐMT sẽ không đạt được kết quả như mong đợi. Do vậy, nếu có một BĐHV nhanh chóng hơn thì việc giải quyết các cơ chế đặc thù và quá trình triển khai các dự án của vùng sẽ đạt khả thi hơn. Việc có một BĐHV ở đây không chỉ riêng đối với VKTTĐMT mà còn đối với nhiều VKTTĐ khác trên cả nước.

Ths. La Xuân Thành
Học viện Chính trị - Hành chính KV III