Hướng đến các KCN xanh, thân thiện môi trường và phát triển bền vững

10:15:09 | 5/12/2017

Long An đã đi qua chặng đường 20 năm đầu tư và phát triển khu công nghiệp (KCN). Các KCN Long An đã góp phần chuyển đổi các vùng đất hoang hóa, vùng nông nghiệp năng suất thấp ở các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc thành các KCN có hiệu quả kinh tế cao, giải quyết công ăn việc làm, thu hút lượng lớn lực lượng lao động, đẩy nhanh quá trình đô thị hóa vùng nông thôn hẻo lánh, góp phần to lớn trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế tỉnh nhà. Cùng tìm hiểu sâu hơn sức hút của các KCN Long An thông qua nội dung trao đổi với Trưởng Ban quản lý KKT tỉnh - ông Trương Văn Triều. Hoàng Lâm thực hiện.

Xin ông cho biết cụ thể hơn về quá trình phát triển cũng như kết quả thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn tỉnh trong 20 năm qua?


Năm 1997, hai KCN đầu tiên của tỉnh là Đức Hòa 1 và Đức Hòa II (nay là KCN Xuyên Á) đã được thành lập. Đến nay, toàn tỉnh Long An có 28 KCN với tổng diện tích 10.557,84 ha; trong đó có 25 KCN đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với diện tích 8.371,65 ha, tổng vốn đầu tư 62,7 triệu USD và 36.735,49 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh Long An còn có 1 Khu Kinh tế cửa khẩu Long An (KKTCK) có tổng diện tích tự nhiên 13.080 ha đang từng bước được đầu tư phát triển. Hiện KCN Cửa khẩu Bình Hiệp trong KKTCK bước đầu đã có nhà đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh và là điểm đầu tư mới tiềm năng được nhiều nhà đầu tư trong cũng như ngoài nước quan tâm.



Tính đến thời điểm hiện tại, các KCN tỉnh Long An đã thu hút được 1.278 dự án, trong đó có 550 dự án FDI, tổng vốn đầu tư 3,28 tỷ USD và 728 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư đạt 62.711,36 tỉ đồng. Tình hình thu hút đầu tư vào các KCN tỉnh Long An trong những năm gần đây đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ qua từng năm cả về số lượng dự án lẫn vốn đầu tư.

Trong tổng số 1.278 dự án hiện hữu tại các KCN trên địa bàn tỉnh có 798 dự án đang hoạt động, tạo việc làm cho hơn 105.400 lao động. Tổng diện tích các KCN đang hoạt động mặc dù chiếm tỷ trọng chưa đến 0,3% so với tổng diện tích đất tự nhiên của toàn tỉnh, thu hút 8,1% tổng số lao động có việc làm của tỉnh song đóng góp gần 30% tổng thu ngân sách nhà nước. Riêng năm 2016 vừa qua, các doanh nghiệp hoạt động trong các KCN đóng góp gần 30% tổng thu ngân sách, trong đó khu vực FDI đạt 66 triệu USD, tăng 29% so với năm 2015; khu vực doanh nghiệp trong nước đạt 1.300 tỷ đồng, tăng 37%.

Về phát triển công nghiệp, so với sự phát triển lâu đời tại Bình Dương, Đồng Nai thì Long An chỉ mới bắt đầu nổi lên như một điểm đầu tư mới; tuy nhiên kết quả thu hút đầu tư cũng như sự phát triển của doanh nghiệp thời gian qua đã phần nào phản ánh sức hút đầu tư mạnh mẽ vào Long An. Bên cạnh một số thương hiệu lớn như: Sapporo, Vina Eco Board, Kyodo Sojitz, Songwol Vina… thì sự phát triển nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất công nghiệp hỗ trợ là một trong những thế mạnh của tỉnh. Với thế mạnh về nhà xưởng xây sẵn, thời gian qua các KCN đã thu hút số lượng lớn nhà đầu tư sản xuất công nghiệp hỗ trợ đến từ nhiều quốc gia, trong đó có những quốc gia có nền sản xuất kỹ thuật cao như Nhật Bản, Hàn Quốc…

Việc hình thành, phát triển các KCN được Long An xem là hạt nhân và là động lực phát triển KT - XH; chính vì vậy thời gian qua tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp phát triển các khu - CCN theo hướng xanh, thân thiện với môi trường và bền vững. Xin ông chia sẻ cụ thể hơn về định hướng phát triển này?

Đa số các KCN tại Long An được đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh bao gồm: hạ tầng giao thông, hệ thống cung cấp điện năng, nước sạch phục vụ cho sản xuất… Tỉnh luôn yêu cầu chủ đầu tư hạ tầng KCN phải có hệ thống xử lý nước thải đủ điều kiện vận hành trước khi doanh nghiệp hoạt động, đảm bảo nước thải phải được xử lý trước khi thải ra môi trường bên ngoài luôn đạt tiêu chuẩn quy định cột A theo quy chuẩn của Bộ Tài nguyên&Môi trường. Ngoài ra, có KCN tái sử dụng toàn bộ nước thải để phục vụ việc tưới cây trong KCN.

Hầu hết các chủ đầu tư hạ tầng KCN đều rất quan tâm đến việc bảo vệ môi trường và xem đây là thước đo uy tín trước nhà đầu tư thứ cấp. Thời gian qua, bên cạnh việc đảm bảo các thủ tục về môi trường được thực hiện đủ và đạt chất lượng thì khâu kiểm tra giám sát luôn được chính quyền và chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ. Việc xây dựng, phát triển các KCN để doanh nghiệp đầu tư sản xuất tập trung là một chủ trương đúng không chỉ tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế mà còn góp phần tăng cường kiểm soát môi trường thay cho việc đầu tư dự án nhỏ lẻ, manh mún bên ngoài các khu, CCN gây khó khăn trong việc kiểm soát về môi trường.

Đặc biệt thời gian qua Long An đã thực hiện tốt khâu xã hội hóa đầu tư nhằm phát triển KT - XH, toàn bộ 28 KCN trên địa bàn tỉnh đều do doanh nghiệp tư nhân đầu tư hạ tầng. Có thể nói sự năng động của doanh nghiệp là chìa khóa để đạt được những kết quả khả quan trong thu hút đầu tư thời gian qua. Bên cạnh đó, sự quan tâm hỗ trợ giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp của lãnh đạo tỉnh đã góp phần nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, việc cải cách thủ tục hành chính đã nâng cao sự hài lòng của doanh nghiệp, tạo động lực thu hút đầu tư.

Xác định phát triển hạ tầng là vấn đề cốt lõi giúp doanh nghiệp hoạt động, lưu thông hàng hóa, chính vì vậy các KCN trên địa bàn tỉnh đều có hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, được đầu tư đồng bộ với hệ thống cấp nước, xử lý nước thải, nguồn điện trước khi được phép đi vào hoạt động.

Xin ông chia sẻ thêm về định hướng thu hút đầu tư vào các KCN Long An trong giai đoạn 2016 -2020?

Định hướng của chúng tôi là phát triển công nghiệp phải gắn với bảo vệ môi trường, không phát triển công nghiệp bằng mọi giá để rồi hủy hoại môi trường; chính vì vậy chủ trương chung của tỉnh là thu hút các ngành nghề đầu tư ít có nguy cơ ô nhiễm. Ngoài ra trong công tác xúc tiến đầu tư, chúng tôi hoan nghênh và mời gọi các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài đến từ nhiều quốc gia để phát huy tiềm năng lợi thế của nền kinh tế tỉnh và phát thế mạnh về công nghệ của từng quốc gia. Đó cũng là lý do chúng tôi luôn tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp tiếp xúc được thông tin đầu tư vào các KCN tỉnh Long An bằng ngôn ngữ quốc tế hoặc chính ngôn ngữ bản xứ của họ.

Hiện Ban Quản lý đã xây dựng một website riêng phục vụ nhu cầu tra cứu tìm hiểu các KCN của các nhà đầu tư và chúng tôi cũng dịch tất cả thông tin về môi trường đầu tư sang 3 ngôn ngữ (Anh, Nhật, Hàn) để doanh nghiệp tra cứu thông tin được thuận lợi, nhanh chóng. Với đội ngũ công chức có trình độ ngoại ngữ tốt, Ban Quản lý luôn duy trì việc hỗ trợ cung cấp thông tin cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài được nhanh chóng qua email, điện thoại.

Đặc biệt vấn đề Ban Quản lý quan tâm nhất chính là công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ nhằm nâng cao sự hài lòng cho doanh nghiệp thông qua: cải cách thủ tục hành chính, quan tâm giải quyết các khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp… Hàng năm chúng tôi thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại với doanh nghiệp, ghi nhận, giải quyết ngay hoặc có những kiến nghị với cơ quan cấp trên để có hướng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó thông qua kênh tiếp xúc với các hiệp hội doanh nghiệp (Jetro, Kotra…), chúng tôi thường xuyên cung cấp thông tin giải đáp kịp thời những thắc mắc của doanh nghiệp.