Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng Công trình giao thông tỉnh Đồng Tháp:
Đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả công trình đầu tư công

11:03:10 | 5/10/2018

Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng Công trình giao thông tỉnh Đồng Tháp (gọi tắt Ban quản lý) được UBND tỉnh thành lập tại Quyết định số 181/QĐ-UBDN- TL ngày 28/12/2016 trên cơ sở tổ chức lại Ban quản lý xây dựng công trình giao thông trực thuộc Sở GTVT. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Ban quản lý luôn hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được UBND tỉnh tin tưởng giao phó; góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng Nông thôn mới, qua đó mang lại một diện mạo mới cho quê hương Sen Hồng. Cùng tìm hiểu thêm về hoạt động của Ban quản lý qua cuộc trò chuyện ngắn với Giám đốc Nguyễn  Hồng Thế Trung.


Ông nhận định thế nào về tình hình triển khai đầu tư xây dựng các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp?

Những năm gần đây, UBND tỉnh Đồng Tháp luôn ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình giao thông trên địa bàn; nguồn vốn được giao hàng năm để thực hiện các dự án giao thông luôn đạt mức cao. Đặc biệt giai đoạn 2016-2020 tỉnh triển khai thực hiện đồng loạt nhiều dự án giao thông quan trọng (bao gồm 21 dự án đường tỉnh và 3 dự án Quốc lộ). Tuy nhiên các dự án Quốc lộ do Bộ GTVT quyết định đầu tư gặp khó khăn chậm bố trí vốn, dẫn đến phải ứng trước vốn ngân sách tỉnh và có dự án phải đình giãn tiến độ do thiếu vốn đầu tư.



Với vai trò cơ quan tham mưu UBND tỉnh trong đầu tư xây dựng cũng như quản lý điều hành các dự án, công trình giao thông trên địa bàn, thời gian qua hoạt động của Ban quản lý đã đạt được những kết quả nổi bật nào?

Được giao thực hiện chức năng quản lý dự án đầu tư xây dựng, tư vấn giám sát thi công xây dựng đối với các dự án giao thông do Sở GTVT làm chủ đầu tư và làm chủ đầu tư các dự án do UBND Tỉnh giao, Ban quản lý đã tổ chức thực hiện các dự án giao thông trên địa bàn tỉnh hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng, an toàn và đạt hiệu quả đầu tư. Có được thành công này là do Ban quản lý đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao công tác quản lý chất lượng công trình và các công đoạn của dự án như: chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà thầu; việc quản lý chất lượng trong quá trình thi công được nghiên cứu thực hiện theo đúng quy định, chuyển biến theo hướng chuyên môn hóa và chú trọng bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình.

Đến nay các tuyến đường hoàn thành đã tạo sự liên kết huyết mạch và trực tiếp từ các vùng đến trung tâm tỉnh, đáp ứng được nhu cầu vận tải, rút ngắn được thời gian di chuyển, giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông. Từ đó mang lại hiệu quả cho các hoạt động về kinh tế - xã hội - giao thông; đồng thời có ý nghĩa chiến lược với an ninh quốc phòng và việc đảm bảo an ninh trong khu vực.
Phát huy kết quả đạt được, trong thời gian tới Ban quản lý sẽ tập trung đốc thúc các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ các dự án còn chậm; tăng cường cải cách hành chính trong đầu tư xây dựng. Đồng thời chú trọng công tác quản lý, giám sát chặt chẽ các giai đoạn khảo sát, thiết kế, thi công, nghiệm thu, bảo hành… để bảo đảm chất lượng công trình, góp phần phát huy hiệu quả kinh tế, đáp ứng được mục tiêu đầu tư của tỉnh.

Trong quá trình hoạt động, Ban có những thuận lợi cũng như vấp phải những khó khăn gì?

Thuận lợi thì nhiều nhưng khó khăn cũng không ít. Theo quy định mới thì tất cả các dự án giao thông do UBND tỉnh quyết định đầu tư đều giao cho Ban quản lý làm chủ đầu tư, đồng thời các dự án Sở GTVT làm chủ đầu tư đều ký hợp đồng ủy thác cho Ban thực hiện quản lý dự án  nên đảm bảo công việc lâu dài, từ đó góp phần cho hoạt động theo cơ chế tự chủ về tài chính, tự đảm bảo chi thường xuyên đạt yêu cầu. Đối với các dự án chuyển tiếp thì Sở GTVT vẫn làm chủ đầu tư: Các vướng mắc về GPMB, thực hiện dự án đều được lãnh đạo Sở GTVT quan tâm hỗ trợ trong việc làm việc với các Sở Ngành, UBND các huyện. Tuy nhiên đối với các dự án do Ban quản lý làm chủ đầu tư thì các vướng mắc về GPMB, thực hiện dự án sẽ do Ban trực tiếp giải quyết (trước đây là Sở GTVT) nên bước đầu tiến độ giải quyết còn chậm.
Một khó khăn nữa là khi Ban quản lý trở thành tổ chức sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh, hoạt động theo cơ chế tự chủ về tài chính, tự đảm bảo chi thường xuyên nên vấn đề đảm bảo tài chính thu chi hàng năm cũng gây khó khăn bước đầu cho Ban Giám đốc.

Cải cách thủ tục hành chính trong quản lý và đầu tư xây dựng các dự án là nhiệm vụ rất quan trọng. Vậy Ban quan tâm triển khai công tác này như thế nào?
- Thực hiện theo yêu cầu chung của Tỉnh, Ban quản lý đã sử dụng phần mềm eoffice trong việc quản lý điều hành dự án. Tất cả các văn bản đều được lưu trữ trên phần mềm, đồng thời các ý kiến chỉ đạo, trao đổi giải quyết công việc đều được thể hiện trên phần mềm. Từ đó đẩy nhanh tiến độ, phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa các bộ phận trong việc giải quyết các vướng mắc, đồng thời việc tìm kiếm văn bản được thuận lợi, dễ dàng hơn.

Về ứng dụng công nghệ vào việc lựa chọn nhà thầu, bước đầu chúng tôi đã thực hiện thành công đấu thầu qua mạng được 1 gói thầu. Tiếp theo sẽ thực hiện đối với các  gói thầu qui mô nhỏ theo đúng qui định, góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính trong đấu thầu.

Trong thời gian tới Ban quản lý sẽ tiếp tục thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đơn giản hoá thủ tục hành chính, rà soát, đổi mới và hoàn thiện các quy trình, thuận tiện, rút ngắn giảm thiểu, đơn giản hóa các thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và tổ chức, doanh nghiệp.

Xin cảm ơn ông!

Công Luận (thực hiện)