Theo thống kê của Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2018 lượng tìm kiếm căn hộ ở phân khúc bình dân chiếm 46,55% tổng lượng tìm kiếm căn hộ chung cư.
Phát biểu tại Hội thảo “Thị trường căn hộ bình dân: Cầu nhiều – cung ít, vì sao?” mới được tổ chức tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội môi giới bất động sản (BĐS) Việt Nam cho biết, nhu cầu tìm kiếm về căn hộ ở phân khúc bình dân luôn cao nhất.
Ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội môi giới bất động sản Việt Nam
Theo ông Đính, việc đầu tư xây dựng nhà ở giá rẻ, bình dân sẽ đảm bảo việc an sinh xã hội cho người dân, đặc biệt là dân nghèo thành thị.
Là phân khúc có nhu cầu lớn nhất
Theo Hội môi giới BĐS Việt Nam, nhà giá rẻ và bình dân được xác định tùy vào khu vực của đô thị như gần trung tâm đô thị phải rẻ hơn 25 triệu/m2, xa trung tâm phải nhỏ hơn 15 triệu/m2. Nhà ở giá rẻ, bình dân không chỉ rẻ về giá mà còn phải đáp ứng được điều kiện về tổng giá trị không được quá lớn. Giá rẻ không có nghĩa là chất lượng công trình kém mà phải được xác định từ cơ cấu giá hợp lý.
Hiện nay, một số dự án điển hình về nhà ở giá rẻ và bình dân tại Hà Nội ở các khu vực Hà Đông, Gia Lâm, Long Biên, Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Trì…; TP Hồ Chí Minh nằm tại các địa bàn Tân Bình, Tân Phú, Q.8, Q.12, Bình Chánh,…
Ông Đính cho biết, theo số liệu thống kê, tổng lượt tìm kiếm về căn hộ chung cư tại Hà Nội và TP.HCM trong 6 tháng đầu năm 2018 là 13,08 triệu lượt. Trong đó, lượng tìm kiếm căn hộ ở phân khúc bình dân chiếm 46,55% tổng lượng tìm kiếm căn hộ chung cư.
Đánh giá về thực trạng nhà ở giá rẻ hiện nay, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội môi giới BĐS Việt Nam nhận định, chính sách Nhà nước về nhà ở hiện chưa có nhiều chính sách để hỗ trợ thúc đẩy các nhà phát triển tham gia đầu tư mạnh mẽ vào phân khúc này. Mới chỉ có một số chính sách dành cho phát triển nhà ở xã hội mà chưa có chính sách về tín dụng cho người có thu nhập thấp.
Tiếp theo, do giá đất và tiền sử dụng đất tại các khu vực gần trung tâm Thành phố giá rất cao nên gần như không có khả năng phát triển nhà ở giá rẻ, bình dân tại các khu vực này. Bởi vậy, chỉ có thể đầu tư xây dựng loại hình này ở các vùng xa trung tâm.
Mặt khác, các khu vực có thể phát triển nhà ở giá rẻ, bình dân thường thiếu nhiều điều kiện về kết nối giao thông với các khu vực khác và đặc biệt là với trung tâm thành phố. Thiếu và yếu về chất lượng đối với hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng dịch vụ. Những nơi có nhiều cơ quan, doanh nghiệp, các tổ chức phát sinh nhiều lao động làm việc lại là những nơi có rất ít dự án nhà ở giá rẻ, bình dân.
Cùng với đó, chủ đầu tư khi tham gia phát triển nhà ở giá rẻ, bình dân thường không có lợi nhuận cao từ việc kinh doanh bán sản phẩm đến khai thác sử dụng sau đầu tư.
Ngoài ra, thị trường hiện chưa có nhiều nhà ở giá rẻ, bình dân để cho người lao động nghèo không có khả năng mua có thể thuê sử dụng để ở ổn định. Nhà ở giá rẻ, bình dân vẫn chủ yếu là căn hộ có diện tích quá lớn về diện tích bình quân (70m²/căn) và gần như không có loại căn hộ nhỏ có diện tích 30-35m².
Đó là những nguyên nhân chính dẫn đến các dự án nhà ở giá rẻ, bình dân luôn thiếu và vẫn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của đông đảo người tiêu dùng.
5 kiến nghị cho nhà ở bình dân
Trước tình hình thực tế về thị trường nhà ở bình dân, ông Đính đưa ra 5 kiến nghị: Thứ nhất, phải thúc đẩy đầu tư phát triển hệ thống giao thông kết nối các khu vực ngoại thành với nhau và với trung tâm thành phố. Thúc đẩy phát triển hệ thống hạ tầng đô thị và dịch vụ tại các khu vực này để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân sống tại các dự án nhà ở xa trung tâm. Thứ hai, xây dựng và ban hành chính sách về nhà ở cho người thu nhập thấp. Trong đó cần có chính sách hỗ trợ tốt hơn nữa cho các doanh nghiệp phát triển nhà ở giá rẻ và bình dân.
Thứ ba, có chính sách cho người thu nhập thấp được vay tiền mua nhà ở với lãi xuất ưu đãi. Thứ tư, thí điểm mô hình Hợp tác xã nhà ở và quỹ đất phát triển nhà ở giá rẻ. Thứ năm, thúc đẩy phát triển nhà ở giá rẻ cho thuê.
H.H