Công ty cổ phần Vận tải ô tô Vĩnh Phúc: Nỗ lực đáp ứng nhu cầu phục vụ nhân dân

14:34:29 | 5/3/2019


Nhờ phương thức quản lý, giám sát chặt chẽ cùng việc tuyển chọn và liên tục được truy rèn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đối với tất cả cán bộ, công nhân viên, nhất là đội ngũ trực tiếp phục vụ (lái xe, nhân viên soát vé) của Công ty cổ phần Vận tải ô tô Vĩnh Phúc đã góp phần đem lại sự hài lòng cho hành khách sử dụng phương tiện vận tải công cộng trên địa bàn toàn tỉnh.

Theo đánh giá của ông Lê Văn Kiên - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Vĩnh Phúc, hiện nay, hệ thống xe buýt được mở rộng và có mặt tại 100% huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh với 8 tuyến và 73 đầu xe do 3 đơn vị quản lý, khai thác (Công ty cổ phần Vận tải ô tô Vĩnh Phúc, Công ty Liên doanh Vận tải hành khách và Công ty TNHH và Thương mại Việt Dương Bus); trong đó Công ty cổ phần Vận tải ô tô Vĩnh Phúc đang giữ vai trò chủ đạo.

Với sự nỗ lực phấn đấu của các đơn vị đã góp phần đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân, học sinh, sinh viên, công nhân làm việc ở các khu - cụm công nghiệp, trường đại học, cao đẳng... và các loại hình du lịch, dịch vụ đang phát triển trong tỉnh. Đơn cử như tuyến 01 Bồ Sao - Khu công nghiệp Quang Minh được kéo dài từ bến xe Vĩnh Yên lên Bồ Sao với 90 chuyến/ngày (tăng 30 chuyến/ngày); tuyến 03 bến xe Vĩnh Yên - bến xe Sông Lô tăng từ 44 chuyến/ngày lên 60 chuyến/ngày; tuyến 06 bến xe Vĩnh Yên - Quang Yên thực hiện kéo dài từ xã Bắc Bình về xã Quang Sơn được điều chỉnh tăng từ 44 chuyến/ngày lên 52 chuyến/ngày…

Cùng đi trên tuyến xe 01, qua trao đổi, anh Nguyễn Đức Quang ở thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường cho biết: Giờ đây, chúng tôi đi lại bằng phương tiện công cộng thuận lợi hơn rất nhiều so với trước đây. Bởi, các tuyến xe buýt hoạt động rộng khắp tới các huyện và nhiều xã miền núi, khó khăn của tỉnh. “Tôi đi làm ở khu công nghiệp Quang Minh nên thường xuyên di chuyển bằng xe buýt vừa an toàn, văn minh mà giá cả lại rẻ…”, anh Quang chia sẻ.

Nhằm hoạt động hiệu quả và nâng cao chất lượng phục vụ, những năm gần đây Vĩnh Phúc hỗ trợ chi phí hoạt động mạng lưới xe buýt từ 30 đến 35 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, hàng loạt các nhà chờ, bến bãi được xây dựng rộng khắp, có hướng dẫn cụ thể cho hành khách…

Để tiếp tục phục vụ hành khách sử dụng phương tiện vận tải công cộng trên địa bàn tỉnh ngày càng tốt hơn, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc công ty Nguyễn Văn Thắng rất mong Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh và các cấp, các ngành liên quan quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa, nhất là các cơ quan truyền thông cùng chung tay đẩy mạnh tuyên truyền cho mọi người tích cực sử dụng phương tiện giao thông công cộng, giảm dần phương tiện cá nhân, góp phần đưa Vĩnh Phúc trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra.

Là doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa năm 2000, đến nay, Công ty cổ phần Vận tải ô tô Vĩnh Phúc có 270 cán bộ công nhân viên với 53 đầu xe phục vụ trên 5 tuyến, tần suất trung bình khoảng trên 300 chuyến/ngày. Đặc biệt, hằng năm, mức thu nhập bình quân tăng từ 5-7%, doanh thu từ bán vé xe buýt tăng từ 10-15%, cụ thể năm 2018 đạt 120 tỷ đồng.


Hà Thành