Thực hiện đạt và vượt 21/22 chỉ tiêu phát triển KT - XH; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tính tăng 7,51% so với năm 2017; thu ngân sách 9.950 tỷ đồng, vượt 7,7% dự toán… là những "gam màu sáng" trong bức tranh KT - XH của tỉnh Kiên Giang năm 2018. Theo ghi nhận của Chủ tịch UBND tỉnh - ông Phạm Vũ Hồng, có được thành công này là nhờ sự nỗ lực cao của cả hệ thống chính trị, sự vượt khó của cộng đồng các DN và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Những thành quả khởi sắc đạt được sẽ góp phần tạo dựng nền tảng vững chắc và những tiền đề cần thiết để Kiên Giang chuyển sang giai đoạn phát triển mới, tăng trưởng kinh tế theo hướng chất lượng, hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh…. Công Luận thực hiện.
Xin ông chia sẻ cụ thể hơn về những thành tựu KT - XH nổi bật của tỉnh trong năm 2018 vừa qua cũng như định hướng phát triển trong năm 2019?
Nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL và là địa phương có nhiều lợi thế về sản xuất lúa gạo, du lịch, khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản.…, Kiên Giang có điều kiện phát triển kinh tế rất tốt và tỉnh đã khai thác rất hiệu quả mọi tiềm năng lợi thế sẵn có. Năm 2018, tỉnh thực hiện đạt và vượt KH 21/22 chỉ tiêu phát triển KT - XH. GRDP ước tính tăng 7,51% so với năm 2017. Tổng thu ngân sách 9.950 tỷ đồng, vượt 7,7% dự toán, tăng 6,78% so với năm 2017. Thu nhập bình quân đầu người 2.094 USD, đạt 106,29% KH.
Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản (theo giá so sánh 2010) ước đạt 59.546,21 tỷ đồng, đạt 101,84% KH, tăng 6,35% so với năm 2017. Nhờ đẩy mạnh việc xây dựng hơn 213 cánh đồng lớn giúp nông dân ứng dụng tốt KHKT vào sản xuất lúa, năm 2018 tỉnh đạt sản lượng lúa hơn 4,26 triệu tấn, đạt 100,24% KH, tăng 4,96% so với năm 2017; trong đó lúa chất lượng cao chiếm 76,54% tổng diện tích gieo trồng, năng suất gieo trồng ước đạt 5,85 tấn/ha. Khai thác và nuôi trồng thủy sản của tỉnh tiếp tục được phát huy với sản lượng thu về 815.423 tấn, đạt 104,01% KH, tăng 6,82% so với cùng kỳ.
Giá trị sản xuất công nghiệp 43.299 tỷ đồng, đạt 95,44% KH, tăng 10,63% so với cùng kỳ; tổng giá trị đầu tư vào các khu công nghiệp trong năm 2018 ước đạt 886,46 tỷ đồng. Thương mại và dịch vụ tiếp tục phát triển, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 96.106 tỷ đồng, đạt 100,63% KH và tăng 11,29% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu đạt 640 triệu USD, đạt 123,08% KH, tăng 35,11% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu 130 triệu USD, đạt 236,36% KH, tăng 115,16% so với cùng kỳ. Trong năm, du lịch tỉnh đón 7,62 triệu lượt, đạt 107,3% KH, tăng 25,53% so cùng kỳ.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 46.264,78 tỷ đồng, đạt 99,76% KH. Các dự án từ nguồn vốn các nhà đầu tư được tạo mọi điều kiện thuận lợi triển khai thực hiện; tăng cường kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư. Năm 2018 tỉnh thu hút được 19 dự án với vốn đăng ký 12.467,25 tỷ đồng; luỹ kế đến nay toàn tỉnh có 749 dự án, tổng vốn đầu tư 527.314 tỷ đồng, trong đó có 500 dự án đang hoạt động và hoàn thiện thủ tục hoạt động (Phú Quốc 46 có dự án, vốn đầu tư 13.472 tỷ đồng). Trong năm thành lập mới 1.650 DN (tăng 13,87% so cùng kỳ) với tổng vốn đăng ký 34.497 tỷ đồng, nâng tổng số DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh lên 8.770 với số vốn 91.752 tỷ đồng.
Cùng với kinh tế, Kiên Giang cũng dành sự quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội, xây dựng nguồn nhân lực và đạt được nhiều thành tựu mới. Lĩnh vực giáo dục và đào tạo tiếp tục được nâng lên chất lượng; hệ thống trường, lớp học tiếp tục được đầu tư, nâng cấp. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm, chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên; tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt 84% (đạt 100% KH), tăng 3,48% so với cùng kỳ. Các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Giải quyết việc làm được 38.527 lượt người, đạt 110,08% KH; đào tạo nghề cho 26.305 người, đạt 105,22% KH; đời sống nhân dân cơ bản ổn định và từng bước được nâng lên. Tình hình kinh tế - đời sống và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Phát huy kết quả đạt được, năm 2019 Kiên Giang sẽ tập trung thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược (nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải cách hành chính; tranh thủ mọi nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ; xây dựng, phát triển Phú Quốc theo mô hình đặc khu kinh tế); tiếp tục thực hiện đề án cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; cụ thể hóa các cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao; tăng cường xúc tiến đầu tư, đồng thời kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai… Quan điểm chung của tỉnh là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng chất lượng, hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh; phấn đấu đạt mức tăng trưởng kinh tế từ 7,8% trở lên.
Những năm qua, vùng ĐBSCL đã chịu tác động to lớn của biến đổi khí hậu, do đó để phát triển bền vững, các tỉnh thành trong vùng đều lựa chọn và kiên trì theo đuổi mô hình kinh tế biển xanh. Với Kiên Giang thì sao, thưa ông? Đâu là giải pháp toàn diện, lâu dài nhằm thúc đẩy sự phát triển của kinh tế biển xanh trên địa bàn tỉnh thời gian tới?
Kiên Giang là một trong số 28 tỉnh, thành cả nước có biển, ven biển có hệ sinh thái vùng ngập mặn ven bờ đa dạng. Vùng biển Kiên Giang rộng lớn với diện tích khoảng 63.290 km2, bờ biển dài khoảng 200km, với hơn 140 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó đảo lớn nhất là Phú Quốc. Nằm trong vùng vịnh Thái Lan, Kiên Giang còn có điều kiện giao thương với các nước trong khu vực Đông Nam Á. Kiên Giang có 15 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có 2 huyện đảo là Phú Quốc và Kiên Hải. Phần đất liền ven biển trải dài qua 7 đơn vị hành chính cấp huyện với 68/145 xã, phường, thị trấn có đảo hoặc có bờ biển. Với vị trí và điều kiện tự nhiên đã tạo cho Kiên Giang nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển KT - XH, đặc biệt là kinh tế biển.
Thời gian qua, kinh tế biển của Kiên Giang có bước phát triển khá toàn diện, chiếm 73,82% GRDP toàn tỉnh, góp phần quan trọng vào phát triển KT - XH của tỉnh nhà. Việc quy hoạch, quản lý tài nguyên, môi trường ven biển, hải đảo được tăng cường. Các ngành nghề khai thác tiềm năng biển, ven biển và hải đảo hàng năm đều tăng về sản lượng và giá trị; sản lượng khai thác hằng năm từ 500.000-600.000 tấn; sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt hơn 217.000 tấn/năm. Chế biến và xuất khẩu thủy sản đầu tư theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao năng lực chế biến. Các lĩnh vực du lịch, thương mại, vận tải,…kết cấu hạ tầng KT - XH vùng ven biển và hải đảo được tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp; trong đó đẩy mạnh phát triển du lịch biển, đảo trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế biển của tỉnh.
Phát huy kết quả đạt được, nhằm đáp ứng nhu cầu tình hình mới tỉnh Kiên Giang tập trung vào những giải pháp toàn diện, lâu dài nhằm thúc đẩy sự phát triển của kinh tế biển xanh trong thời gian tới. Theo đó tỉnh chú trọng tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của chính quyền các cấp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển bền vững biển. Tập trung rà soát, bổ sung và xây dựng mới các quy hoạch, KH liên quan đến biển đảo theo hướng quản lý tổng hợp, phù hợp với hệ sinh thái biển, bảo đảm sự gắn kết hài hòa, đồng bộ giữa bảo tồn và phát triển các vùng đất liền, vùng ven bờ, vùng biển và hải đảo của tỉnh và các tỉnh lân cận. Tập trung mọi nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế biển; khuyến khích, thu hút mạnh các DN tham gia vào lĩnh vực kinh tế biển. Song song đó tỉnh quan tâm phát triển văn hóa-xã hội vùng biển đảo và ven biển gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển; chủ động ứng phó với biển đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng, chống thiên tai; bảo đảm quốc phòng, an ninh và mở rộng hợp tác quốc tế.
Kiên Giang có tiềm năng phát triển kinh tế hết sức dồi dào và đa dạng. Trong tương lai, tỉnh sẽ làm gì để khai thác hiệu quả mọi tiềm năng lợi thế cho phát triển kinh tế?
Trong tương lai, ngoài việc tập trung tái cơ cấu kinh tế và hội nhập sâu rộng hơn, tỉnh sẽ tiếp tục tận dụng và khai thác hiệu quả mọi tiềm năng lợi thế cho phát triển kinh tế. Trong đó chú trọng triển khai thực hiện tốt Quyết định của Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch phát triển KT - XH tỉnh Kiên Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tranh thủ thêm cơ chế chính sách đặc thù của Chính phủ cho tỉnh. Tập trung chỉ đạo thúc đẩy phát triển mạnh Tp.Rạch Giá, Tp.Hà Tiên và huyện Phú Quốc để tạo động lực thúc đẩy các địa bàn khác trong tỉnh cùng phát triển. Đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng NTM, huy động các nguồn lực ưu tiên xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn, hạ tầng kỹ thuật - xã hội
Ngoài ra tỉnh coi trọng quản lý và bảo vệ tài nguyên môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên, khoáng sản. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết phát triển toàn diện KT - XH với các tỉnh trong vùng ĐBSCL, nhất là vùng kinh tế trọng điểm. Xúc tiến đầu tư, xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư; phát triển công nghiệp, các sản phẩm có lợi thế xuất khẩu và xây dựng thương hiệu, thị trường tiêu thụ; xây dựng các tuyến giao thông liên tỉnh, hình thành các tour du lịch... nhằm khai thác các lợi thế so sánh và đặc thù riêng của mỗi địa phương.
Xin cảm ơn ông!