11:55:04 | 10/6/2019
Theo nhận định của các chuyên gia BĐS, từ nay đến cuối năm 2019, thị trường BĐS Việt Nam sẽ có những chuyển biến tích cực theo hướng bền vững hơn. Tuy nhiên, việc siết chặt tín dụng đối với BĐS của hệ thống ngân hàng sẽ khiến cho các nhà đầu tư cũng trở nên thận trọng hơn. Theo đó, thị trường sẽ phát triển nhưng có chọn lọc.
Ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, điểm mạnh của thị trường BĐS trong giai đoạn này là sức cầu rất lớn, điều này khiến cho tính thanh khoản của thị trường ở đa số các phân khúc đều rất tốt. Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, những nước đang phát triển và người dân có thu nhập trung bình trên đầu người từ 1.000 – 10.000 USD có nhu cầu rất lớn về nhà ở và Việt Nam đang nằm trong khoảng này.
Theo ông Nam, về trung và dài hạn, thị trường BĐS Việt Nam còn rất tốt, tốc độ đô thị hóa vẫn còn độ mở lớn. Ước tính, mỗi năm có khoảng 1 triệu người chuyển từ khu vực nông thôn sang khu vực thành thị. Đa số người dân vẫn có tâm lý dành dụm tiền để mua nhà theo quan niệm “an cư lạc nghiệp”, vấn đề chỉ là khả năng cung ứng cho nhu cầu này một cách có chất lượng.
Tuy nhiên, hiện nay, nguồn cung trên thị trường đang có dấu hiệu sụt giảm. Theo thống kê, trên thị trường TP HCM, số lượng giấy phép xây dựng đã giảm tới 16%, trong đó có 150 dự án bị dừng để tiến hành kiểm tra, rà soát lại. Ông Nam lấy dẫn chứng, theo một báo cáo mới được tổng hợp của Hội môi giới BĐS, lượng chung cư, căn hộ biệt thự tại Hà Nội và Tp HCM đưa ra thị trường đã có sự sụt giảm rõ rệt chỉ còn khoảng 70% so với quý IV/2018.
Đánh giá về xu hướng đầu tư BĐS trong giai đoạn vừa qua, ông Nam cho rằng, từ đầu năm đến nay, phân khúc đất nền thu hút sự quan tâm rất lớn từ các nhà đầu tư. Các nhà đầu tư tập trung mua đất khiến giá đất ở nhiều khu vực như Mũi Né, Đà Nẵng Vân Đồn bị sốt nóng. Theo ông Nam, đầu tư vào BĐS một đồng sẽ kéo theo 2,5 đồng đầu tư vào vật liệu xây dựng và hàng nghìn mặt hàng khác. Như vậy, mua đất là “chôn tiền” vào đất. Do đó, phải hạn chế mua đất chứ không phải hạn chế mua nhà.
Nhận định về thị trường BĐS trong thời gian tới, ông Trần Kim Chung – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, sẽ có 3 kịch bản cho thị trường BĐS trong những tháng còn lại của năm 2019.
Kịch bản thứ nhất, thị trường sẽ tiếp tục diễn biến bình thường, không có những tác động lớn đến từ chính sách vĩ mô thì thị trường sẽ đi ngang với mức độ điều chỉnh xuống.
Kịch bản thứ hai, sẽ có 3 phân khúc nổi lên trong giai đoạn cuối năm là BĐS công nghiệp, BĐS cao cấp và siêu cao cấp, nhà cho thuê bình dân.
Kịch bản thứ ba, những biến động tiêu cực của nền kinh tế thế giới và những tác động của nó đến Việt Nam, điều này có thể sẽ khiến sự phát triển của nền kinh tế vĩ mô bị chững lại, khi đó, thị trường BĐS sẽ điều chỉnh theo hướng giảm.
“Tôi cho rằng, kinh tế Việt Nam trong năm nay sẽ tiếp tục phát triển ổn định, điều này sẽ giúp thị trường BĐS cũng ổn định hơn nhưng sẽ không có nhiều xung lực để phát triển mạnh”, ông Chung chia sẻ.
Diễn biến của thị trường BĐS có thể thấy, sau một thời gian nguồn cung khan hiếm vì các dự án chưa bung hàng thì thị trường BĐS đang có xu hướng xuất hiện một đợt bung hàng mới của các doanh nghiệp trong giai đoạn cuối năm, đặc biệt là trên thị trường Tp HCM.
Phía Đông Sài Gòn, hàng loạt các dự án đang được triển khai trong năm 2019 như Rome by Diamond Lotus do Phúc Khang làm chủ đầu tư, dự án nằm ở vị trí có mật độ giao thông lớn và là điểm kết nối với nhiều khu vực khác, trong tương lai, khu vực này sẽ có thêm một nhà ga của tuyến Metro thứ 2. Dự án do DKRA Vietnam tư vấn tiếp thị và phân phối với chính sách chỉ cần chi trả 10% trong đợt đầu và chỉ thanh toán tổng cộng 50% cho đến khi nhận nhà.
Ngoài dự án của Phúc Khang thì khu Nam Sài Gòn cũng ghi nhận sự xuất hiện của dự án Eco Green Saigon, với tổng diện tích 14,36ha, sở hữu một vị trí khá đắc địa ngay mặt đường Nguyễn Văn Linh, quận 7. Hiện dự án đã thực hiện bán hàng với mức giá từ 2,3 tỷ đồng/căn.
Phía Nam Sài Gòn cũng chuẩn bị khởi công một dự án có diện tích lên tới 350ha do Công ty TNHH Một thành viên phát triển GS Nhà Bè làm chủ đầu tư, đây là dự án đã bị “đắp chiếu” sau trong một thời gian khá dài. Dự án bao gồm nhiều loại hình nhà ở, biệt thự, khu căn hộ, chung cư thấp tầng, chung cư cao tầng và khu nhà ở phức hợp.
Trong thời gian tới, Tp HCM sẽ tiếp tục đón nhận thêm hàng loạt các dự án mới. Vừa qua, Tp HCM đã cấp phép lại cho 124 dự án BĐS trong tổng số 150 dự án bị thanh tra vì liên quan đến mua bán đất công. Bên cạnh đó, TP HCM cũng mới công bố cho phép 160 dự án BĐS mới bổ sung vào danh sách các dự án triển khai cho thị trường nhà ở thành phố giai đoạn 2016 – 2020. Đây được dự báo sẽ mang lại nguồn cung dồi dào cho thị trường BĐS trong những năm tiếp theo.
Lương Tuấn