Khẳng định giá trị gạo Việt

10:11:46 | 10/3/2021

Dù phải đối diện với nhiều khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn đạt kết quả tích cực. Đặc biệt, giá gạo xuất khẩu ở mức cao.

Giá gạo xuất khẩu tăng cao

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 6,25 triệu tấn, trị giá 3,12 tỷ USD, giảm 1,9% về lượng nhưng tăng 11,2% về trị giá; trong đó, giá xuất khẩu bình quân đạt khoảng 499 USD/tấn, tăng 13,3%, tương đương mức tăng 58 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức giá bình quân năm cao nhất trong những năm gần đây, mang lại lợi ích to lớn cho người dân trồng lúa.

Giá trị gạo xuất khẩu tiếp tục duy trì trong 2 tháng đầu năm 2021 khi ước đạt 336,18 triệu USD, khoảng 608.768 tấn. Giá xuất khẩu trung bình là 551,7 USD/tấn, tiếp tục là một mức giá cao, vượt qua kỷ lục của năm 2020.

Theo ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), thời gian qua, giá gạo Việt Nam tăng một phần theo mặt bằng chung của thế giới, một phần do chất lượng đã được cải thiện. Hiện cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu của Việt Nam đang dần chuyển dịch sang các loại gạo có giá trị gia tăng cao như: Gạo thơm (chiếm 26,3% trong tỷ trọng tổng lượng gạo xuất khẩu năm 2020), gạo japonica (chiếm 3,4%), gạo nếp (chiếm 8,8%), gạo lứt (1,7%), gạo trắng cao cấp (3,7%)…

Cùng với đó, các thương nhân xuất khẩu gạo Việt Nam đang ngày càng chú trọng đến công tác nâng cao chất lượng, truy xuất nguồn gốc và hướng tới đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường xuất khẩu như EU, Hàn Quốc, Hoa Kỳ… Đây là một trong các yếu tố đã giúp nâng cao sức cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam.


Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu gạo

Tận dụng hiệu quả các FTA

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên toàn cầu, nhu cầu tiêu thụ và dự trữ lương thực được kỳ vọng vẫn ở mức cao. Dự báo trong năm 2021, sản lượng gạo nhập khẩu toàn cầu ước đạt 44,79 triệu tấn, tăng 1% so với năm 2020; trong đó, các quốc gia được kỳ vọng sẽ tiếp tục gia tăng nhập khẩu gạo là Philippines tăng 13%, Bờ Biển Ngà tăng 9,1%, Ghana tăng 5,6% và EU tăng 2,1%. Đây là những thị trường xuất khẩu chính của gạo Việt Nam. Do đó, vẫn còn nhiều cơ hội để gia tăng lượng gạo xuất khẩu trong năm 2021.

Thời gian tới, để khai thác tối đa các lợi thế mà ta đã có được trong các các FTA như CPTPP, EVFTA, UKVFTA, VKFTA... nhằm nâng cao thị phần xuất khẩu gạo Việt Nam tại các thị trường này với mức giá cạnh tranh hơn, Bộ Công Thương đã, đang và sẽ chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam triển khai và hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện hiệu quả các FTA đã ký kết. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động xuất khẩu gạo về cơ chế chính sách, tháo gỡ rào cản kỹ thuật và thương mại, nội luật hóa các cam kết quốc tế, thủ tục hải quan, logistics, tín dụng...

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương tiếp tục chủ động phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp liên quan đến tái cơ cấu ngành lúa gạo, nâng cao giá trị và chất lượng gạo Việt Nam, xây dựng và phát triển thương hiệu gạo Việt Nam… nhằm tạo tiền đề cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo khai thác tốt thị trường.

Ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương): Số lượng các đơn hàng xuất khẩu gạo sang một số thị trường có yêu cầu cao về chất lượng đã cho thấy những tín hiệu tích cực về việc nâng cao chất lượng sản phẩm gạo của doanh nghiệp những năm gần đây.

Nguồn: congthuong.vn