16:19:59 | 30/3/2021
Thông tin từ Tổng cục Thống kê ngày 29/3 cho biết, khách quốc tế đến Việt Nam trong quý I/2021 ước tính đạt hơn 48.000 lượt người, giảm 98,7% so với cùng kỳ năm trước. Khách đến bằng đường hàng không, đường bộ và đường biển đều giảm trên 90%.
Trong quý I, khách đến từ châu Á chiếm 88,6% tổng số khách quốc tế, giảm 98,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách đến từ các thị trường chính đều giảm mạnh.
Nguyên nhân giảm là do Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, chưa mở cửa du lịch quốc tế. Do đó, lượng khách quốc tế đến chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam và lái xe vận chuyển hàng hóa tại các cửa khẩu đường bộ.
Tổng cục Du lịch đã làm việc với một số cơ quan liên quan về kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế vào Việt Nam. Dự kiến, Việt Nam sẽ thí điểm đón khách từ quý 3 tới, sau khi kết thúc cao điểm du lịch hè. Việc thí điểm sẽ áp dụng cho một số thị trường và điểm đến cụ thể.
Đây là nhiệm vụ nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về việc đề xuất mở cửa đón khách du lịch quốc tế, đảm bảo an toàn trong bối cảnh dịch COVID-19.
Tổng cục Du lịch cho rằng việc mở cửa lại thị trường du lịch quốc tế là vấn đề cần thiết, nên làm và phải làm nhưng cách mở, điều kiện mở, phương thức thực hiện và quy trình kích hoạt phải thận trọng để vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch hiệu quả, thúc đẩy kinh tế du lịch phát triển.
Kế hoạch đón khách quốc tế sẽ được thực hiện theo từng bước. Giai đoạn 1 là thí điểm, giai đoạn 2 vẫn là đón hạn chế, đến giai đoạn 3 mới đón khách trở lại bình thường.
Tổng cục Du lịch cho rằng việc mở cửa lại thị trường du lịch quốc tế là vấn đề cần thiết, nên làm và phải làm nhưng cách mở, điều kiện mở, phương thức thực hiện và quy trình kích hoạt phải thận trọng
Việc thí điểm đón khách quốc tế trở lại phải đảm bảo tạo nên hành lang an toàn cho cộng đồng, để du khách ít tiếp xúc với cộng đồng nhằm ngăn ngừa khả năng lây lan dịch bệnh và đảm bảo tâm lý an toàn cho người dân. Vì thế, có thể các sản phẩm như tour ngắn ngày sẽ không thể thực hiện trong giai đoạn thí điểm mà ưu tiên sản phẩm du lịch dài ngày và nghỉ dưỡng biển.
Phương thức thí điểm đón khách quốc tế cũng được đề cập. Cụ thể, với thị trường khách phải đảm bảo lựa chọn thị trường thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, có thỏa thuận song phương với Việt Nam trong việc chấp nhận kết quả của công tác phòng, chống dịch, có thể kể đến một số thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)…
Các chuyến bay cần bay thẳng, do các công ty du lịch thuê bao, không bay cùng các khách thương mại khác. Đón khách vào phải là doanh nghiệp có năng lực về đội ngũ nhân lực và tài chính, tự nguyện, đáp ứng đầy đủ các điều kiện do cơ quan nhà nước quy định.
Điểm đến của khách quốc tế cần đáp ứng đầy đủ điều kiện phòng, chống dịch bệnh; chính quyền địa phương cam kết và sẵn sàng đón khách; cần lựa chọn những điểm du lịch tốt, điểm nghỉ dưỡng trên biển hoặc trên núi, phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của du khách khi có nhu cầu đi du lịch trong điều kiện dịch bệnh…
Trước đó, như Diễn đàn Doanh nghiệp đã đưa tin, Hiệp hội tư vấn du lịch (TAB) đa gửi thư đến Thủ tướng đề xuất về việc mở cửa trở lại du lịch quốc tế. Theo TAB, với nhiều chương trình tiêm vắc xin đại trà đang diễn ra ở nhiều nước, một số đối thủ cạnh tranh của Việt Nam đã đưa ra rất nhiều chính sách tái mở cửa biên giới theo cách an toàn.
Nếu "chậm chân" Việt Nam sẽ khó có cơ hội để phục hồi thị trường quốc tế. Vì vậy TAB đề xuất Chính phủ, các cơ quan chức năng xem xét làm thế nào để Việt Nam tái mở cửa được biên giới một cách an toàn và bền vững. Cho phép từng bước mở cửa cho việc đi lại không phải cách ly. Tuy nhiên, bất kỳ sự mở cửa cho du lịch cần phải an toàn, có lộ trình.
Nguồn: DDDN
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI