15:57:41 | 30/6/2021
Mục tiêu của Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội là đẩy mạnh thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng NTM theo hướng phát triển đô thị, quan điểm, mục tiêu tổng quát là xây dựng nông thôn mới hiệu quả và bền vững, gắn liền quá trình đô thị hóa. Để hoàn thành mục tiêu thì việc triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản theo hướng bền vững là hướng đi mang lại nhiều lợi ích.
Mô hình hiệu quả
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, TP đã xây dựng và duy trì 141 chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Điển hình như: Chuỗi thực phẩm A-Z, gà Mía Sơn Tây, trứng Tiên Viên, sữa Vinh Nga, bưởi Quế Dương, chuối Vân Nam, gạo thơm Bối Khê, chè Bắc Sơn... Các chuỗi với 1.379 sản phẩm được kiểm soát chặt chẽ và phân phối tại các siêu thị, cửa hàng. Mỗi ngày, các chuỗi cung cấp cho thị trường Hà Nội hơn 60 tấn thịt lợn, 2 tấn thịt bò, 36 tấn gia cầm, 300.000 quả trứng, 40 tấn thịt chế biến, 80 tấn sữa tươi và gần 100 tấn rau an toàn…
Cùng với việc xây dựng các chuỗi liên kết trên địa bàn, Hà Nội đã chủ động liên kết với 21 tỉnh, TP xây dựng và phát triển 786 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, trong đó có 253 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được xác nhận theo tiêu chí của Bộ NN&PTNT. Việc xây dựng và phát triển chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, không chỉ kiểm soát được chất lượng ở tất cả các khâu mà còn giúp các nhà sản xuất nâng cao ý thức sản xuất an toàn, có trách nhiệm đối với người tiêu dùng và qua đó gia tăng giá trị từ 15% - 20% so với sản phẩm chưa được sản xuất theo chuỗi.
Chủ tịch Hội Nông dân (HND) xã Thụy Hương Nguyễn Thị Hường chia sẻ, địa phương đã vận động được 30 nông dân tham gia thành lập HTX, thí điểm chuyển đổi sang trồng rau an toàn, phát triển thành chuỗi sản xuất - cung ứng rau quy mô lớn của TP. Đến nay, HTX có hơn 20ha rau được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó có 5.000m2 rau được trồng tập trung trong nhà lưới, nhà kính hiện đại, công nghệ cao, bảo đảm an toàn thực phẩm, thu nhập bình quân đạt 275 triệu đồng/ha/năm. Toàn bộ sản lượng rau của HTX đều được DN, trường học, cơ quan, siêu thị ký hợp đồng tiêu thụ nên nông dân yên tâm sản xuất, không lo đầu ra.
Ngoài cây rau, nông dân tại nhiều huyện đã triển khai thực hiện nhiều chuỗi sản xuất trái cây, lúa gạo chất lượng cao. Điển hình là chuỗi sản xuất lúa gạo Bối Khê tại xã Tam Hưng (huyện Thanh Oai). Với quy hoạch 584ha lúa hàng hóa chất lượng cao, trong đó khoảng 300ha trồng giống nếp cái hoa vàng và gần 30% diện tích trồng lúa theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện, chuỗi lúa gạo Tam Hưng cung ứng cho thị trường hơn 200 tấn gạo chất lượng cao mỗi năm. HTX Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Tam Hưng đã liên kết với DN xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm hàng hóa vào hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị... nhằm quảng bá sản phẩm gạo thơm Bối Khê đến người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Trọng Long - Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long cho biết: Hợp tác xã chăn nuôi Hoàng Long (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai) đang nuôi 4.000 con lợn theo hướng an toàn sinh học và vận hành cơ sở giết mổ công suất 150 con/ngày, bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. “Mỗi ngày, hợp tác xã cung ứng ra thị trường 2,2 tấn thịt lợn và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn mang thương hiệu “Chuỗi thực phẩm AZ”. Chuỗi khép kín từ con giống, thức ăn, chăn nuôi, giết mổ, chế biến, bảo quản, phân phối nên sản phẩm cung cấp ra thị trường có chất lượng cao, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng”
Hướng đến xuất khẩu
Hiện sản xuất nông sản tại Hà Nội đang được tổ chức khá bài bản. Ở nhiều địa phương, nông dân đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các chuỗi liên kết nông sản an toàn để nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, khâu tiêu thụ nông sản thông qua liên kết trên địa bàn TP vẫn còn một số hạn chế. Theo Sở NN&PTNT, toàn TP có khoảng 15% lượng nông sản an toàn được tiêu thụ thông qua liên kết, so với mức trung bình của cả nước tuy đạt cao hơn nhưng chưa như kỳ vọng. Một khó khăn nữa là việc tham gia sản xuất theo chuỗi còn vướng mắc trong tổ chức, liên kết các hộ nông dân thành những tổ, nhóm. Đáng nói, việc quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại, tạo mối liên kết với các đơn vị, giữa người sản xuất, nhà phân phối cũng chưa được các địa phương trên địa bàn TP quan tâm đúng mức.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, Hà Nội đã tổ chức các đoàn cán bộ quản lý và cơ sở sản xuất, DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đi các tỉnh, TP để liên kết đầu tư sản xuất, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và đưa nông sản về Hà Nội. TP cũng đã xây dựng “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông, lâm, thủy sản thực phẩm TP Hà Nội” với địa chỉ tên miền www.check.hanoi.gov.vn. Hệ thống truy xuất nguồn gốc này đã góp phần giúp các cơ quan quản lý kiểm soát được hoạt động của cơ sở sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an toàn thực phẩm khi tham gia hệ thống; đồng thời hỗ trợ xử lý truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý sản phẩm không bảo đảm an toàn.
Tuy vậy, việc phát triển các chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ở Hà Nội vẫn còn một số khó khăn. Nhiều sản phẩm nông nghiệp chưa có nhãn mác, thương hiệu, không tiêu thụ được ở các kênh phân phối lớn. Một số chuỗi liên kết trên địa bàn chưa hoàn chỉnh, quy mô nhỏ theo hình thức “thuận mua, vừa bán” nên dễ xảy ra tình trạng đứt gãy, phá vỡ hợp đồng đã ký.
Trong giai đoạn 2021-2025, Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng, phát triển 50 chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp đối với các sản phẩm chủ lực của TP; 100% chủ thể tham gia liên kết chuỗi được đào tạo, tập huấn kỹ thuật, nâng cao nghiệp vụ; 100% chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn ứng dụng công nghệ thông tin truy xuất nguồn gốc sử dụng mã QR.
Đáng chú ý, TP sẽ tiếp tục rà soát quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chuyên canh, tập trung; đồng thời đẩy mạnh việc đăng ký và quản lý mã số vùng sản xuất để bảo đảm tiêu chí xuất khẩu. Hà Nội cũng sẽ ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật, thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 trong sản xuất, sơ chế, đóng gói, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhằm tăng giá trị cho sản phẩm.
Bộ NN&PTNT đã chọn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng để triển khai xây dựng các chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn. Trong đó, Hà Nội phối hợp với Bộ NN&PTNT hiệu quả nhất, xây dựng được hàng trăm chuỗi liên kết cung ứng nông sản sạch cho Thủ đô và gia tăng giá trị sản phẩm cho người nông dân. Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản- Bộ NN&PTNT Nguyễn Như Tiệp |
Minh Ngọc (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI