08:18:49 | 9/7/2021
Trong vài năm trở lại đây, tình trạng “luật khung”, “luật ống” đã được hạn chế, các quy định tại văn bản cấp Nghị định trở lên cụ thể, rõ ràng hơn, nhưng thông tư vẫn phải ban hành để đảm bảo được tất cả các quy định trong luật, nghị định được thực thi trên thực tế. Đặc biệt tình trạng này diễn ra ở các văn bản pháp luật có diện tác động rộng, cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm. Ngay cả khi thông tư đã được ban hành để hướng dẫn, trong một số trường hợp, doanh nghiệp cũng phải dựa nhiều vào công văn của các cơ quan quản lý để hiểu hết được quy định của pháp luật.
Có thể nói, thông tư, công văn là hai dạng văn bản rất quen thuộc, quan trọng trong hoạt động áp dụng pháp luật của doanh nghiệp. Không quá khi cho rằng, chất lượng của các văn bản này sẽ tác động đáng kể đến môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam.
Những năm gần đây, Chính phủ đẩy mạnh hoạt động cải cách thể chế thông qua việc đặt ra các mục tiêu cải cách, cắt giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp (loạt Nghị quyết 02/NQ-CP hàng năm, trước đó là Nghị quyết 19/NQ-CP; Nghị quyết 35/NQ-CP năm 2016; Nghị quyết 68/NQ-CP năm 2020…). Các cơ quan hoạch định chính sách đã hiện thực hóa các chỉ đạo này bằng cách sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế những văn bản liên quan đến kinh doanh. Cộng đồng doanh nghiệp nhận thấy rõ mức độ cải cách ở các văn bản cấp nghị định trở lên.
Theo báo cáo từ VCCI, trong 2 nhiệm kỳ gần đây, số lượng thông tư, công văn được các bộ, ngành ban hành mới có xu hướng giảm. Cụ thể, giai đoạn 2016-2020, Quốc hội ban hành 112 luật, pháp lệnh và nghị quyết; Chính phủ ban hành 745 nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hàn 232 quyết định. Nhưng cũng trong khoảng thời gian ấy, các bộ, ngành đã ban hành 2.532 thông tư và thông tư liên tịch.
Tuy nhiên, khi rà soát ở các văn bản cấp thông tư, vẫn còn những quy định chưa thể hiện đúng tinh thần của các cải cách trên. Vẫn có hiện tượng quy định tại thông tư không thống nhất với các văn bản cấp trên, thông tư có các quy định thiếu minh bạch, chưa hợp lý, cản trở một cách bất hợp lý hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Thông tư vẫn quy định về điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính mà không được Luật, Pháp lệnh giao. Bên cạnh đó, một hiện tượng đáng quan ngại là một số nội dung của công văn có tính chất quy định hay chất lượng công văn thể hiện việc hiểu, áp dụng, thi hành pháp luật của các cơ quan nhà nước có vấn đề.
Ngoài ra, theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế - VCCI, vẫn còn tình trạng luật phải chờ thông tư; thông tư ban hành điều kiện kinh doanh dù luật không trao quyền này; thông tư quy định về thủ tục hành chính nhưng không được luật, pháp lệnh giao; thông tư chưa thống nhất với nghị định.
Các doanh nghiệp cho biết, cũng có nhiều công văn có tính chất như quy định, tạo áp lực lớn về pháp lý cho cơ quan thực thi và gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng băn khoăn liệu công văn trả lời của cơ quan nhà nước có phải là căn cứ để doanh nghiệp thực hiện hay không.
Về chất lượng công văn, ông Đậu Anh Tuấn cho biết thêm, nhiều văn bản địa phương, doanh nghiệp nhận được hầu như không có nội dung hoặc chỉ trích dẫn điều khoản Luật và đề nghị doanh nghiệp tự tìm hiểu.
Những vấn đề này đã làm suy giảm tính hiệu quả trong các “chiến dịch” cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh mà Chính phủ đang theo đuổi.
Từ thực tế doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, cần có chế tài cụ thể cho những văn bản kém chất lượng, gây ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.
"Chúng ta có hàng trăm chế tài xử lý vi phạm của công dân, nhưng chế tài cho cán bộ trong ban hành các văn bản quy phạm pháp luật kém chất lượng rất ít", ông Nam nêu.
Trên cơ sở nghiên cứu của VCCI, ông Tuấn đề xuất, cần nâng cao và phát huy vai trò của cơ quan “gác cửa” chất lượng thông tư. Theo đó, tăng cường tham vấn, cơ chế thực tế để doanh nghiệp tham gia, có tiếng nói thực chất hơn vào quá trình soạn thảo thông tư. Cần giám sát việc ban hành thông tư, đánh giá tác động chính sách từ thông tư, thu thập kịp thời thông tin về vướng mắc thực thi.
“Hiện đã có chế tài xử lý công dân, doanh nghiệp vi phạm hành chính, thì cũng cần có chế tài đối với công chức, viên chức soạn thảo những văn bản gây tác động xấu đến nhiều người. Vì thế, cần phải gắn trách nhiệm cá nhân cụ thể. Bên cạnh đó, bộ phận pháp chế của các bộ, ngành cũng cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn để ngăn chặn những văn bản chất lượng không tốt được ban hành”, ông Tuấn nói.
Về lâu dài, theo ông Tuấn, cần hết sức hạn chế ban hành thông tư. Thẩm quyền của thông tư chỉ ở một ngành trong khi lại tác động tới toàn dân, thiệt hại có thể lớn. Nghị định là của Chính phủ nên góc nhìn rộng hơn. Thông tư chỉ nên quy định mẫu biểu thôi.
Bà Nguyễn Thị Minh Thảo- Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) Nhiều bộ, ngành đã có cải cách tích cực trong ban hành các thông tư, song vẫn còn nhiều bất cập. Đơn cử như Thông tư 40/2021 của Bộ Tài chính có hiệu lực từ 1/8 tới, hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và quản lý thuế với hộ kinh doanh. Một trong những nội dung tại thông tư này, được các chuyên gia đánh giá là chưa nhất quán với các luật về thuế, là yêu cầu sàn thương mại điện tử phải kê khai, nộp thuế thay người kinh doanh. Trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, lẽ ra nên khuyến khích thương mại điện tử phát triển thì ngành thuế lại có xu hướng muốn “quản”, muốn thu nhiều hơn thay vì tạo sân chơi tốt hơn, hiệu quả hơn cho cả người dân và doanh nghiệp. Hoặc một số thông tư, công văn được ban hành dựa trên tình huống cụ thể, như Thông tư 02/2021/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu lắp camera để giám sát hành khách trên phương tiện vận tải. Thông tư thể hiện góc nhìn nhỏ của một bộ, ngành nhưng lại ảnh hưởng rất đến số đông nên việc xây dựng văn bản pháp luật nên dựa trên ý kiến của nhiều bên. Không nên ban hành thông tư rồi lại đình chỉ vì như vậy sẽ làm giảm hiệu lực của chính sách. Ông Nguyễn Hoài Nam- Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) Trong lĩnh vực sản xuất có những nội dung tại Thông tư "đá" Nghị định, Luật gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ví dụ như sản phẩm con tôm đông lạnh dùng cho người khi xuất đi khỏi Việt Nam thì Bộ NN&PTNT giao cho một đơn vị quản lý trên cơ sở Thông tư 48 (hướng dẫn Luật An toàn Thực phẩm) kiểm tra an toàn thực phẩm với sản phẩm xuất khẩu. Cũng sản phẩm này nhưng từ nước ngoài về Việt Nam, thì cơ quan khác lại quản lý và phải kiểm duyệt theo Luật Thú y. Việt Nam đã hội nhập, việc công nhận sản phẩm tương đương là cơ chế chung được áp dụng, thì sao với cùng một sản phẩm ở Việt Nam lại có cách quản lý khác nhau? Nhiều quy định tại các thông tư, công văn thiếu tính thực tiễn và khả thi. Tình trạng chậm ban hành công văn vẫn diễn ra, dù công văn không phải văn bản quy phạm pháp luật nhưng nếu không có thì các thủ tục sẽ dừng lại hết. Nhiều công văn ban hành khó hiểu hoặc “hiểu sao cũng được”... |
Quỳnh Chi (Vietnam Business Forum)
03/4/2025
Khách sạn New World (76 Lê Lai, Quận 1, TP.HCM)
26 - 29/3/2025
Khu 2 Trung tâm Triển lãm Nangang thành phố Đài Bắc