Động lực tăng trưởng xuất nhập khẩu những tháng cuối năm

10:22:55 | 26/10/2021

Cán cân thương mại hàng tháng đã chuyển dần sang nhập siêu từ thời điểm đầu quý II. Tuy nhiên, mức nhập siêu đã giảm dần trong thời điểm giữa và cuối quý III.


Trong kỳ 1 tháng 10/2021, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 173 triệu USD

Tổng cục Hải quan vừa công bố số liệu mới nhất về tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong trong kỳ 1 tháng 10/2021 (từ ngày 01/10 đến ngày 15/10/2021).

Theo đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 10/2021 đạt 26,14 tỷ USD, giảm 10,1% (tương ứng giảm 2,93 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 9/2021. 

Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 10/2021 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/10/2021 đạt 510,46 tỷ USD, tăng 23,6%, tương ứng tăng 97,36 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 353,93 tỷ USD, tăng 26,5% (tương ứng tăng tới 74,18 tỷ USD); trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 156,53 tỷ USD, tăng 17,4% (tương ứng tăng 23,18 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020.

Trong kỳ 1 tháng 10/2021, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 173 triệu USD. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/10/2021, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 2,44 tỷ USD.

Báo cáo của Bộ Công Thương gửi Chính phủ chỉ rõ, tính đến hết quý III, cán cân thương mại cả nước ước nhập siêu 2,13 tỷ USD, bằng 0,9% kim ngạch xuất khẩu. Lý giải tình trạng nhập siêu thời gian qua có nguyên nhân do giá thế giới tăng nên giá nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao (giá xăng dầu nhập khẩu bình quân 9 tháng tăng 40,4%; chất dẻo nguyên liệu tăng 35,5%; quặng và khoáng sản tăng 71%…). Trong khi đó, nước ta còn phải nhập khẩu nhiều để phục vụ sản xuất.

Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp đã khiến cước phí vận tải quốc tế tăng mạnh. Trong khi giá trị nhập khẩu ghi nhận cả chi phí vận tải còn xuất khẩu thường ghi nhận giá FOB. Do vậy, cước phí vận tải tăng mạnh đã làm giá trị nhập khẩu tăng mạnh hơn.

Mặc dù cán cân thương mại hiện tại tuy còn tích cực, nhưng sẽ diễn biến phụ thuộc nhiều vào kết quả phòng chống dịch. Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu bền vững và vấn đề cán cân thương mại. Ngay trong cuối tháng 6, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 để các Bộ, ngành, địa phương cùng triển khai thực hiện.

Hiện nay, với những tín hiệu hết sức tích cực từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quốc gia khẳng định “Việt Nam đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên toàn quốc”. Ngày 11/10 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128 - Quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.


Trong những tháng cuối năm 2021, trước mắt, tận dụng sự phục hồi của thị trường Mỹ và châu Âu để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như dệt may.

Tất cả những điều kiện thuận lợi này, cùng với những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp những tháng cuối năm, với tín hiệu vui khi nền kinh tế đã có xuất siêu (từ tháng 9) thì nhiều chuyên gia nhận định về khả năng cân bằng cán cân thương mại, thậm chí có xuất siêu trong cả năm 2021.

Theo dự báo của Bộ Công Thương, với tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu như hiện nay, kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm có thể vượt 600 tỷ USD. 

Để đạt được mục tiêu này, trong những tháng cuối năm 2021, trước mắt, tận dụng sự phục hồi của thị trường Mỹ và châu Âu để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ, thủy sản… đặc biệt là phục vụ dịp mua sắm gia tăng cuối năm.

Cùng với việc duy trì xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, sẽ khai thác triệt để cơ hội xuất khẩu ngay sản phẩm nông nghiệp sang các thị trường Nam Á, Đông Á.

Đồng thời đẩy mạnh hoạt động đàm phán để phát triển các thị trường khu vực xa hơn, yêu cầu cao hơn như các thị trường thuộc châu Âu, châu Mỹ, châu Úc. Tăng cường cung cấp thông tin thị trường, các hoạt động xúc tiến thương mại đến các thị trường còn dư địa phát triển như các thị trường Đông Âu, Bắc Âu, Mỹ La tinh…

Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết “nếu như không có biến động nào lớn về kiểm soát dịch bệnh, chúng ta cũng hy vọng là 3 tháng cuối năm sẽ là thời điểm các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khu vực phía Nam lấy lại sự phục hồi và đà tăng trưởng, thì lúc đó hoàn toàn có thể tin tưởng là kết thúc năm 2021 cán cân thương mại có thể cân bằng, và tình hình lạc quan hơn, vẫn có thể xuất siêu một tỷ lệ nhất định”.

Nguồn: DDDN