12:01:14 | 29/10/2021
Trong bối cảnh nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, nguyên liệu phục vụ cho chế biến xuất khẩu phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài, Việt Nam phải nhanh chóng chuyển hướng sang phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp hiện đại, bền vững.
Theo thống kê, Việt Nam có trên 1 triệu km2 diện tích vùng biển đặc quyền kinh tế, trong khi diện tích nuôi biển của nước ta đến nay chưa đạt tới 300.000 ha, mới chỉ chiếm khoảng hơn 20% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản cả nước (1.140.000 ha theo số liệu của Tổng cục Thống kê). Như vậy, nuôi biển còn rất nhiều dư địa để phát triển, Nghị quyết số 1664/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên biển đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 đã mở ra cơ hội đầu tư phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên biển thành ngành sản xuất hàng hoá quy mô lớn nhằm tăng sản lượng, giá trị sản phẩm và chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong toàn bộ ngành thuỷ sản phù hợp với tiềm năng nuôi biển rất lớn của Việt Nam.
Mục tiêu trước mắt cần phát triển nuôi biển một cách an toàn, hiệu quả, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái và hướng tới tăng diện tích nuôi biển đạt 280.000 ha với sản lượng nuôi biển kỳ vọng đạt 850.000 tấn gồm cả nuôi biển gần bờ và xa bờ cũng như hướng tới giá trị kim ngạch xuất khẩu tới năm 2025 đạt 0,8 tới 1tỷ đôla Mỹ. Để đạt được mục tiêu trên, cần có sự tham gia của các cấp các ngành, các địa phương vùng ven biển cũng như các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
Hiệp hội nuôi biển (VAS) sau 5 năm hoạt động, đã làm được nhiều việc như thay đổi tuy duy nuôi biển hướng đến ngành công nghiệp nuôi biển, góp phần định hình ngành công nghiệp nuôi biển, thúc đẩy và phát triển xây dựng nghề cá tiến tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Với mục tiêu phát triển nuôi biển ứng dụng công nghệ cao, Hiệp hội đã tăng cường các hoạt động tư vấn, hỗ trợ hội viên tiếp cận các công nghệ mới xây dựng các mô hình nuôi biển công nghiệp tiên tiến cho các nhóm sản phẩm chủ lực như: cá biển, nhuyễn thể hai mảnh vỏ; giáp xác, rong tảo, vi tảo… Thời gian tới, Hiệp hội phối hợp với Tổng cục Thủy sản, tạo sinh lực cho ngành thủy sản phát triển, tập trung hỗ trợ cộng đồng hội viên giải quyết những khó khăn, tháo gỡ mướng mắc để huy động tối đa 6 nguồn lực cơ bản: chính sách; vốn và tín dụng; khoa học công nghệ; nguồn nhân lực chất lượng cao; liên kết toàn chuỗi giá trị nuôi biển; tích hợp với các ngành kinh tế khác và an ninh quốc phòng. Hiệp hội cũng đã tích cực chủ động tìm kiếm, phối hợp với các nguồn tín dụng phát triển nước ngoài để hỗ trợ hội viên triển khai dự án; phối hợp với các tổ chức quốc tế về áp dụng và đạt các tiêu chuẩn quốc tế nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường.
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, nuôi biển là trọng tâm đột phá phát triển thủy sản trong 10 năm tới. Đây chính là dư địa lớn nhất còn lại của thủy sản trong thời gian tới, nếu không phát triển lĩnh vực này, chắc chắn sẽ không có được sự đột phá trong ngành thủy sản, đồng thời cũng là cơ hội tái tạo lại nguồn lợi thuỷ sản, đa dạng sinh học biển.
Trong phát triển nuôi biển, cần áp dụng tối đa khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới vào thực tiễn nghề nuôi. Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả, nuôi biển cần kết hợp với các ngành kinh tế biển có liên quan như dầu khí, du lịch, điện gió, đóng tàu, tài nguyên và môi trường…để chia sẻ năng lực, hợp tác kỹ thuật, công nghệ để phát triển nuôi biển một cách hiệu quả và bền vững.
Liên Bùi (Vietnam Business Forum)
03 - 08/3/2025
18-19/02/2025
Vishakhapatnam, Andhra Pradesh, Ấn Độ