10:01:52 | 16/11/2021
Khủng hoảng kinh tế do Covid-19 gây ra đòi hỏi những gói hỗ trợ khôi phục và kích hoạt nền kinh tế đủ lớn và khác biệt so với giai đoạn trước khi những yếu tố khách quan và chủ quan đã thay đổi.
Gói hỗ trợ không thể dừng lại ở tính cấp cứu, “bơm sữa”, tiếp tế từng ngày mà còn phải tính đến đưa Việt Nam quay lại “đường đua” phát triển đất nước.
Trong đó đáng lưu ý, cần xác định không chỉ là gói hỗ trợ cho khôi phục mà còn là nắm bắt chớp thời cơ để bứt tốc. Nói như PGS.TS Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng “Gói hỗ trợ không thể dừng lại ở tính cấp cứu, “bơm sữa”, tiếp tế từng ngày mà còn phải tính đến đưa Việt Nam quay lại “đường đua” phát triển đất nước”.
Theo đó, chuyên gia cho rằng cần có một chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, chứ không phải chỉ gói gọn trong mỗi vấn đề ứng cứu như những gói hỗ trợ trước đây. Vì là một chương trình tổng thể nên sẽ diễn ra trong dài hạn, phục hồi để tạo lập những nền tảng.
Đồng thời, chương trình này cũng sẽ trợ lực sức mạnh để nền kinh tế bắt đầu đứng dậy và phát triển ở một tư thế khác, mà chúng ta hay nói là "bình thường mới".
"Hiệu lực của gói hỗ trợ là quá nhỏ so với thiệt hại của doanh nghiệp hay so với chuẩn quốc tế. Do đó, chúng ta cần phải tính tới các gói hỗ trợ có quy mô đủ lớn, đủ dài để có thể vực dậy cho nền kinh tế trong tương lai". TS Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) |
Cũng theo PGS.TS Trần Đình Thiên, cần phải tính toán cẩn thận và chi tiết các gói hỗ trợ giúp giảm áp lực tài chính lên doanh nghiệp. “Phải có những gói liên quan đến việc tài trợ các khía cạnh tài khoá, như thuế, phí, rồi giãn, hoãn nợ… mà những chi phí này vô cùng nhiều, như thuế đất, thuế doanh nghiệp. Chưa kể các loại phí mà tới đây chúng ra còn có thể phải chịu là xăng dầu, các loại giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng lên”, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng phân tích.
Gói tiếp theo là gói hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp để họ đứng dậy. Đặc biệt, gói này sẽ liên quan đến việc làm sao để doanh nghiệp có thể tiếp cận đến nguồn vay. Ông Thiên cho rằng, lúc này, Nhà nước cần phải có một quỹ bảo lãnh vay cho doanh nghiệp, và quỹ hỗ trợ lãi suất để cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng. Quỹ này sẽ bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn ngân hàng.
“Tuy nhiên, tôi muốn lưu ý, có nhiều hạng mục ưu tiên vay, những chương trình, toạ độ ưu tiên vay. Ngành nào cần ưu tiên, rồi trong ngành đấy, doanh nghiệp nào cần ưu tiên để nền kinh tế có thể trỗi dậy, để những doanh nghiệp đó kéo nền kinh tế đứng lên, lan toả phát triển ra cả ngành, hoặc là một vùng”, ông Thiên lưu ý.
Vị chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh, bây giờ là lúc cần thiết đạt được 2 yêu cầu. Đầu tiên là phục hồi nền kinh tế. Thứ hai là chớp thời cơ để nền kinh tế có thể đứng dậy sớm được.
Nguồn: DDDN
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI