Xuất nhập khẩu "vượt bão" COVID-19

13:34:06 | 23/11/2021

Bộ Công Thương dự báo, năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam sẽ đạt từ 640 - 645 tỷ USD và cán cân thương mại duy trì ở mức xuất siêu nhẹ.

Xuất nhập khẩu năm 2021 có thể cán mốc 645 tỷ USD.

Theo Bộ Công Thương, từ nay đến cuối năm, doanh nghiệp trong các ngành có thể lấy lại được tốc độ tăng trưởng như trước khi có dịch. Đây là những nỗ lực của doanh nghiệp sau quá trình vượt qua những khó khăn từ tác động của dịch COVID-19 để duy trì và phục hồi sản xuất.

Bộ Công Thương nhận định, sau 3 năm thực hiện Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và hơn 1 năm thực hiện Hiệp định thương mại Việt Nam - EU (EVFTA), tác động từ những hiệp định này đối với hoạt động xuất khẩu hàng hóa rất rõ, nhất là với thị trường Việt Nam chưa từng ký FTA. Đơn cử như nhờ CPTPP, xuất khẩu hàng hóa sang Canada, Mexico và Peru đều có mức tăng trưởng từ 25 - 30%/năm.

Riêng với thị trường EU, Việt Nam đã được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) nhưng Hiệp định EVFTA đang mở rộng những cơ chế ưu đãi mang tính chất bền vững, bởi GSP là cơ chế mang tính đơn phương và sẽ bị rút lại theo thời gian, khi nền kinh tế phát triển hơn.

Tuy nhiên với Hiệp định EVFTA, đây là cam kết song phương và những ưu đãi có giá trị tồn tại lâu dài, cả hai bên cùng thực hiện. Vì vậy về lâu dài, giá trị Hiệp định EVFTA mang lại rất lớn.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay, trước tiên, là vấn đề lao động. Đặc biệt, tại khu vực phía Nam, việc kêu gọi lao động trở lại làm việc gặp nhiều khó khăn và doanh nghiệp chưa thể phục hồi 100% công suất. Bên cạnh đó, do tác động của dịch COVID-19 nên thị trường nguyên liệu của thế giới và dịch vụ logistics đều đang gia tăng chi phí. Những yếu tố này sẽ đẩy áp lực về chi phí cho doanh nghiệp.

Việt Nam đã đưa ra quan điểm thích ứng để sống chung, an toàn cùng dịch bệnh. Nhưng, dịch COVID-19 chưa hết hẳn nên các địa phương vẫn phải áp dụng những biện pháp chống dịch. Nếu như các địa phương không tuân thủ triệt để Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” cũng như có biện pháp chống dịch vượt quá phạm vi, quá mức độ cần thiết sẽ gây tâm lý ảnh hưởng cho doanh nghiệp cũng như niềm tin của nhà đầu tư.

Bộ Công Thương hy vọng, với Nghị quyết 128/NQ-CP và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các biện pháp chống dịch của địa phương có thể vừa đảm bảo an toàn về sức khỏe và tính mạng cho người dân, vừa không gây tác động quá lớn hoạt động sản xuất là những vấn đề các doanh nghiệp quan tâm nhất để duy trì sản xuất, xuất nhập khẩu trong thời gian tới.

Trong cùng diễn biến, xuất khẩu điện thoại và linh kiện điện thoại cũng thu được những tín hiệu tích cực khi đạt hơn 46 tỷ USD. 

Những ngành hàng vốn có thế mạnh xuất khẩu như điện thoại, điện tử, máy móc, linh kiện… dự báo có thể tăng trưởng xuất khẩu từ 15 - 25% trong năm nay.

Xuất khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện trong tháng 10 giảm 2,3% so với tháng trước với trị giá 5,56 tỷ USD, thế nhưng theo Tổng cục Hải quan, 10 tháng qua, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa mặt hàng này vẫn ghi nhận mức tăng trưởng đáng chú ý.

Số liệu xuất khẩu ghi nhận xuất khẩu mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện đạt 46,57 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2020. Đặc biệt, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và Mỹ tăng mạnh đạt lần lượt hơn 11 tỷ USD và 7 tỷ USD.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, lý do là cùng kỳ năm ngoái Trung Quốc đang áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nên nhu cầu mặt hàng này có xu hướng giảm, tuy nhiên hiện nay nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi trở lại nên nhu cầu lớn. Cũng cần phân biệt rõ là chúng ta xuất khẩu sang Trung Quốc phần lớn là xuất khẩu linh kiện, xuất khẩu sang châu Âu và Hoa Kỳ phần lớn là xuất khẩu điện thoại nguyên chiếc. 

Tuy nhiên, đại diện Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cũng chỉ ra là chiếm đa số thị phần xuất khẩu điện thoại và linh kiện hiện nay đa phần đến từ các doanh nghiệp FDI, tập đoàn đa quốc gia như Foxconn, Luxshare. 

Bên cạnh tin vui từ xuất khẩu, mặc dù do ảnh hưởng của COVID-19 nên tăng trưởng cả năm sẽ trên dưới 2%, thấp nhất trong cả quá trình đổi mới của Việt Nam. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam được đánh giá có nhiều dư địa để phục hồi.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho biết, hiện Việt Nam có nhiều lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh tốt thông qua số liệu xuất khẩu như điện tử, da giầy, dệt may, nông sản, đồ gỗ… Do đó, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi, nhưng mạnh mẽ đến đâu sẽ còn phụ thuộc vào sự phục hồi của kinh tế thế giới, khả năng ứng phó với dịch bệnh và các chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với doanh nghiệp.

Theo thống kế, chỉ số sản xuất công nghiệp đã tăng trở lại, thu hẹp khoảng cách với mức đạt được ở cùng kỳ năm ngoái. Tháng 10, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng gần 7% so với tháng 9, chỉ thấp hơn 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự phục hồi này phần lớn nhờ hoạt động sản xuất tại TP Hồ Chí Minh và các trung tâm công nghiệp lân cận được khôi phục, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng.

Tờ Nikkei Asian Review hay DW đều cho rằng, trong cuộc chạy đua nhằm khôi phục hoàn toàn chuỗi cung ứng thì Việt Nam đang là một điểm sáng tại Đông nam Á với sự thích ứng nhanh chóng trong điều kiện bình thường mới.

Bên cạnh những tín hiệu tích cực, theo nhiều phân tích, lạm phát là vấn đề cần được theo dõi sát sao trong thời gian tới. Một số chuyên gia kinh tế đã phân tích, các gói hỗ trợ, hồi phục kinh tế thông qua tăng cung tiền trong thời gian tới là rất cần thiết song phải tính toán liều lượng hợp lý để tránh hệ quả xấu. 

Nguồn: DDDN