Xây dựng những miền quê đáng sống, nơi mong muốn trở về

09:55:15 | 30/11/2021

Mục tiêu cao nhất của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021- 2025 (Chương trình) là xây dựng nông thôn thành những miền quê đáng sống, để đời sống người dân thực sự được nâng lên.

Tạo giá trị bền vững

Xây dựng nông thôn mới là một trong những nội dung quan trọng trong tờ trình Bộ trưởng Bộ NN-PTNT gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp - nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo tờ trình, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có sức lan tỏa mạnh mẽ, trở thành phong trào sâu rộng với sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ trung ương tới cơ sở và người dân, kế hoạch đến năm 2020 đạt mục tiêu sớm hơn 1,5 năm.

Với quan điểm "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh", Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan  đã yêu cầu Văn phòng Điều phối NTM Trung ương cùng các đơn vị chuyên môn của Bộ NN&PTNT phát triển những mô hình, giúp người dân tạo ra giá trị bền vững. Cần cụ thể hóa tư duy kinh tế số trong nông nghiệp trở thành một tiêu chí xây dựng NTM bên cạnh Bộ 19 tiêu chí có sẵn; cần xây dựng những văn bản hướng dẫn cụ thể, không thể chung chung, giáo điều.

Ông Nguyễn Minh Tiến - Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - cho biết, hiện, Chính phủ, các bộ, ngành đang khẩn trương triển khai các nội dung của Nghị quyết. Bộ NN&PTNT đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 25; Báo cáo khả thi của Chương trình; Bộ tiêu chí quốc gia về NTM các cấp (tỉnh, huyện, xã) theo các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu), đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng miền; đồng thời, khẩn trương hoàn thiện 6 chương trình chuyên đề để triển khai thực hiện, dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong quý IV/2021.

Theo số liệu Bộ NN-PTNT mới công bố cho thấy, cả nước có 5.3385/8.233 xã (64,84%) đạt chuẩn nông thôn mới; 396 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 43 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, bình quân 16,68 tiêu chí/xã, 196/664 đơn vị cấp huyện thuộc 52 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư được công nhận hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn nông thôn mới. 12 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và 4 tỉnh được công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Xây dựng nông thôn mới phù hợp theo vùng miền

Trong dự thảo chiến lược, Bộ NN-PTNT nêu rõ: Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả xây dựng nông thôn mới, gắn với phát triển nông nghiệp và công nghiệp. Định hướng chương trình xây dựng nông thôn mới gắn chặt với quá trình cơ cấu lại nông nghiệp và phát triển công nghiệp trong nông thôn phù hợp với lợi thế vùng miền và phát huy tính đa dạng của địa phương.

Dự thảo chiến lược xác định xây dựng nông thôn mới theo 3 vùng. Trong đó, vùng 1, với các xã khu vực ven đô, kinh tế phi nông nghiệp chiếm đa số, dịch vụ, thương mại và có cơ sở hạ tầng tốt thì hướng tới đô thị hóa. Vùng 2, với những xã thuộc các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn thì hướng tới liên kết, hình thành các vùng chuyên canh. Vùng 3, với các xã nông thôn truyền thống thì tập trung phát triển sản phẩm đặc sản địa phương, làng nghề, hoạt động du lịch gắn với văn hóa bản địa. Bảo tồn và phát huy văn hóa địa phương, phát triển các sản phẩm đặc sản địa phương, hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm địa phương, kết nối với thị trường trong nước và quốc tế; phát triển du lịch nông thôn. Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là đối với vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số.

Cũng theo Bộ NN&PTNT, dự kiến, tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 khoảng 2,45 triệu tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách Trung ương khoảng 39.632 tỷ đồng (chiếm 1,6%), vốn ngân sách địa phương khoảng 156.700 tỷ đồng (chiếm 6,4%), vốn lồng ghép từ 2 Chương trình Mục tiêu quốc gia còn lại và các chương trình, dự án khác khoảng 224.000 tỷ đồng (chiếm 9%), vốn huy động ngoài ngân sách dự kiến hơn 2 triệu tỷ đồng (chiếm hơn 83%).

Dự thảo Chiến lược phát triển nông nghiệp - nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, cả nước có ít nhất 90% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có trên 70% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới (35% số đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao).

Minh Ngọc (Vietnam Business Forum)