Phát biểu chỉ đạo Đại hội đại biểu toàn quốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nay với tên gọi mới là Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đại hội VCCI diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đã làm biến đổi sâu sắc các tiến trình kinh tế, chính trị, xã hội của toàn thế giới, đặt ra những thách thức vô cùng to lớn đối với sự phát triển của các quốc gia.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự và chỉ đạo Đại hội đại biểu toàn quốc VCCI lần thứ VII.

Đóng góp xây dựng vị thế, cơ đồ đất nước

Đối với Việt Nam, trong 2 năm vừa qua, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế-xã hội, sức khỏe, đời sống của nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

“Trong bối cảnh đó, cộng đồng doanh nghiệp đã nêu cao tinh thần vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực thích ứng để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, việc làm và thu nhập cho người lao động; phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau cùng vượt qua thách thức; thể hiện tinh thần trách nhiệm, nghĩa cử cao đẹp của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đối với đất nước”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao sự chung tay, chung sức, đồng lòng, chia sẻ khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân với Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và nhân dân cả nước, đóng góp thiết thực, hiệu quả, kịp thời về nhiều mặt trong công tác phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đồng thời, Chính phủ thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đang đối mặt. Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương đã quyết liệt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành với sự đồng tình, chia sẻ, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng động doanh nghiệp tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống đại dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Kịp thời chuyển đổi chiến lược phòng, chống dịch từ mục tiêu “không có COVID” sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19. Tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên cả nước.

“Kinh nghiệm và thành công giai đoạn vừa qua cho chúng ta vững tin vào định hướng phát triển mạnh mẽ thời gian tới: rất cần tiếp tục sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân; rất cần sự nỗ lực, quyết tâm khắc phục khó khăn, giữ vững niềm tin, lấy khó khăn, thách thức làm động lực vươn lên, không vì khó khăn mà bi quan, hoang mang, lo sợ; tình hình càng khó khăn, phức tạp, càng phải đoàn kết, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể. Chắc chắn chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch và nước ta sẽ nhanh chóng trở lại quỹ đạo phát triển mới”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Đảng, Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao sự chung tay, chung sức, đồng lòng, chia sẻ khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.

Cùng cộng đồng doanh nghiệp, vai trò, vị thế và uy tín của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ngày càng được khẳng định, đề cao. Thủ tướng nhấn mạnh: “Với tư cách tổ chức quốc gia tập hợp và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, người sử dụng lao động và các hiệp hội doanh nghiệp ở Việt Nam, VCCI đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, có nhiều đóng góp tích cực, có tính lan tỏa cao, đóng góp vào thành công chung của đất nước”.

Theo đó, Người đứng đầu Chính phủ nhận định, VCCI đã tập hợp được đông đảo các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và tăng cường vai trò đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

“VCCI đã có trên 200.000 doanh nghiệp hội viên, tăng 70,8% so với đầu nhiệm kỳ trước. Ban Chấp hành hoạt động hiệu quả với hơn 90 thành viên đại diện cho các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Vị thế và vai trò của VCCI ngày càng được nâng cao”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

VCCI cũng đã chủ động và tham gia tích cực vào việc xây dựng và hoàn thiện các chính sách quan trọng đối với doanh nghiệp như các nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, các nghị quyết của Bộ Chính trị liên quan đến doanh nghiệp, doanh nhân.

“Có nhiều đóng góp trong việc tham mưu, góp ý, tham gia xây dựng, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật - một trong ba đột phá chiến lược mà Đảng ta đã xác định, nhất là đối với các cơ chế, chính sách, quy định trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại. Chủ động rà soát, có nhiều kiến nghị trong việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm, tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, VCCI có những sáng kiến thúc đẩy quá trình thực thi chính sách, tích cực góp phần cải thiện môi trường kinh doanh như việc nghiên cứu và công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI.

“Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI trong 16 năm vừa qua tạo động lực và xung lực cho sự phát triển. Đây là việc làm đã được tổ chức lâu năm, có sự phối hợp với các tổ chức nước ngoài, đánh giá khách quan tạo ra sức cạnh tranh về sự minh bạch phục vụ doanh nghiệp của các tỉnh”, Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời cho biết VCCI đã nỗ lực thúc đẩy xu hướng phát triển bền vững của các doanh nghiệp như xây dựng và hướng dẫn doanh nghiệp áp dụng bộ Chỉ số Doanh nghiệp Phát triển bền vững (CSI) ở Việt Nam.

VCCI cũng tích cực dẫn dắt và thúc đẩy quá trình hội nhập của doanh nghiệp Việt Nam. Tổ chức nhiều diễn đàn kinh doanh quốc tế lớn như Diễn đàn Kinh doanh APEC, triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư có hiệu quả. VCCI cũng đã thiết lập được quan hệ hợp tác chặt chẽ với gần 200 tổ chức quốc tế để hỗ trợ các doanh nghiệp vươn ra thị trường toàn cầu…

Thủ tướng khẳng định Chính phủ thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đang đối mặt.

Thủ tướng đánh giá, đạt được những kết quả như vậy là nhờ VCCI đã bám sát tình hình, nắm vững, quán triệt sâu sắc và thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế, phát triển doanh nghiệp, xây dựng đội ngũ doanh nhân; phát huy truyền thống và tinh thần đoàn kết, đổi mới sáng tạo, nêu cao vai trò người đứng đầu; sự tín nhiệm, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân; sự hỗ trợ, giúp đỡ, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương.

“Qua 33 năm đổi mới, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, vị thế như hiện tại. Trong thành tích đó, có sự đóng góp quan trọng của VCCI, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam. Thay mặt Đảng, Nhà nước, tôi ghi nhận, biểu dương những nỗ lực và đóng góp tích cực của VCCI và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân vào sự nghiệp phát triển của đất nước, của dân tộc”, Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Tuy vậy, như Báo cáo đại hội và nhiều ý kiến phát biểu của các đại biểu, đứng trước những thách thức, yêu cầu đặt ra trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, Thủ tướng Chính phủ nhận định, còn nhiều điều VCCI có thể làm tốt hơn.

Như tiếp tục đổi mới tư duy, tầm nhìn, tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động của VCCI cần được cải thiện, nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả.

“Hoạt động tham gia xây dựng chính sách của VCCI đối với nhiều vấn đề quan trọng của nền kinh tế đất nước cần được đẩy mạnh hơn nữa. Sự liên kết giữa các doanh nghiệp và chất lượng hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp chưa cao”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, sự liên kết các hiệp hội doanh nghiệp cần được đề cao hơn. Cần quan tâm hơn nữa đến công tác đại diện cho người sử dụng lao động và hỗ trợ xây dựng quan hệ lao động hài hòa, thúc đẩy phát triển bền vững trong các doanh nghiệp…. Người đứng đầu Chính phủ tin rằng, với tập thể lãnh đạo mới, khí thế mới, quyết tâm mới, VCCI sớm xử lý, khắc phục được những tồn tại, hạn chế có đóng góp hơn nữa cho sự phát triển của đất nước, của dân tộc.

Năm nhiệm vụ trọng tâm

Đại hội Đảng lần thứ XIII đã khẳng định và nêu cao khát vọng về mục tiêu phát triển của đất nước: Đến năm 2025 là nước đang phát triển có nền công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Đây là mục tiêu lớn, vô cùng thử thách với đất nước ta, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, tác động sâu rộng và tiêu cực đối với các lĩnh vực kinh tế - xã hội và đời sống của người dân.

“Giai đoạn phát triển mới có những cơ hội, thuận lợi nhưng khó khăn, thách thức là nhiều hơn. Chúng ta phải nhận thức rõ hơn về điều này để chuẩn bị tâm thế, năng lượng, tinh thần để vượt qua”, Thủ tướng thẳng thắn.

Người đứng đầu Chính phủ nhận định điều này càng đặt trọng trách lớn hơn, nặng nề hơn tới toàn bộ hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp, nhất là đối với cộng đồng doanh nghiệp trong việc góp phần hiện thực hóa mục tiêu mà Đại hội Đảng đã đề ra.

Thủ tướng nhấn mạnh, công việc của VCCI sẽ nhiều hơn, nặng nề hơn, với những nhiệm vụ lớn, khó khăn phải làm và cần làm tốt hơn để đáp ứng yêu cầu cao của Đảng, Nhà nước và sự mong đợi, tin tưởng của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.

Khẳng định doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể của hoạt động sản xuất, kinh doanh, là nhân tố đóng góp quan trọng vào sự phát triển và thịnh vượng của nền kinh tế, tuy nhiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, để có được cộng đồng doanh nghiệp đoàn kết, lớn mạnh, chúng ta cần có vai trò của VCCI - tổ chức quốc gia tập hợp và đại diện của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, người sử dụng lao động.

“Việc tổ chức Đại hội toàn quốc VCCI lần thứ VII vào thời điểm này là hết sức thiết thực, phù hợp, là cơ hội để tổng kết, đánh giá, rút ra được những bài học quý, là dịp để hoàn thiện lại tổ chức, bộ máy, đội ngũ lãnh đạo, củng cố lại khối đại đoàn kết và đề ra những định hướng, giải pháp, biện pháp tổ chức thực thi”, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định.

Sau khi nghe báo cáo về kết quả hiệp thương và bầu cử của VCCI, Thủ tướng đánh giá cao sự đổi mới của VCCI với tên gọi mới, với trên 30% ủy viên Ban Chấp hành khóa VII là các thành viên mới, trong đó có đại diện của hầu hết các doanh nghiệp đầu ngành của Việt Nam hiện nay.

Đại hội đại biểu toàn quốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lần thứ VII.

Thủ tướng tin tưởng: “Ban Chấp hành mới của VCCI sẽ tiếp tục kế thừa những thành tựu của Ban Chấp hành khóa trước, đồng thời tạo luồng gió mới, sinh khí mới, đổi mới sáng tạo, kết nối các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp trên cả nước để góp phần giúp nền kinh tế Việt Nam đạt được những mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra”.

Về kế hoạch nhiệm kỳ tới, Thủ tướng cơ bản tán thành 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược mà văn kiện Đại hội của VCCI đã đề ra. “Đây là những nhiệm vụ trọng tâm, thiết thực và phù hợp với định hướng, mục tiêu phát triển của đất nước trong giai đoạn tới. Như lời Bác dạy: “Việc gì cũng cần phải thiết thực, nói được, làm được. Việc gì cũng phải từ nhỏ dần dần đến to, từ dễ dần đến khó, từ thấp dần đến cao”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Nói thêm về bối cảnh, tình hình kinh tế - xã hội hiện tại mà nhiệm kỳ mới của VCCI sẽ phải xác định, Thủ tướng cho biết chúng ta đang đối mặt với bối cảnh phức tạp của dịch bệnh, những hoàn cảnh mà chưa từng có tiền lệ, chúng ta buộc phải thực hiện giãn cách xã hội và các biện pháp hành chính, do đó, các hoạt động kinh tế quý III tăng trưởng âm.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho biết, chúng ta đã đúc rút ra nguyên lý về chống dịch và thực hiện nghiêm túc, thành quả này có sự đóng góp của toàn quân toàn dân chúng ta càng ngày càng thích ứng và an toàn với dịch Covid-19. Nhận định tình hình còn phức tạp, Thủ tướng yêu cầu không được lơ là chủ quan. Kiên quyết thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, điều tiết các chính sách tiền tệ phù hợp, giữ vững các cân đối lớn.

Từ những nhiệm vụ và mục tiêu trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị VCCI tập trung thực hiện một số nhiệm vụ.

Một là, không ngừng xây dựng, củng cố VCCI thực sự trở thành tổ chức quốc gia tập hợp và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, người sử dụng lao động và các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam. VCCI không chỉ đại diện cho 200.000 doanh nghiệp hội viên trực tiếp. VCCI phải xây dựng vị thế và xác lập uy tín xứng đáng là tổ chức quốc gia tập hợp và đại diện cho cả cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

“Chính vì vậy, Ban Chấp hành, Ban Thường trực VCCI nhiệm kỳ mới cần phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng trong việc xây dựng hình ảnh, vị thế và vai trò của mình. VCCI cần trở thành một tổ chức đại diện chuyên nghiệp, hiện đại, là cầu nối tin cậy, hiệu quả giữa Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và người sử dụng lao động”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Hai là, ưu tiên và tham gia tích cực, góp phần ngày càng quan trọng vào thúc đẩy cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh. Môi trường kinh doanh, khung khổ thể chế, pháp luật luôn là yếu tố tiên quyết cho sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế.

Có thể nói thể chế nào, doanh nghiệp đó. Do đó, hoàn thiện thể chế xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh của doanh nghiệp là yêu cầu tất yếu. Lấy thực tiễn là thước đo để xây dựng thể chế rồi từ đó lấy thể chế tạo điều kiện cho kinh doanh thuận lợi.

“Thời gian qua, VCCI đã nỗ lực nhưng thời gian tới VCCI cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa, góp phần cùng Chính phủ cải thiện thể chế, nâng cấp môi trường kinh doanh của nước ta lên nhóm các quốc gia đứng đầu khu vực”, Thủ tướng tin tưởng chúng ta làm được vì tinh thần, trí tuệ con người Việt Nam.

Để đạt được các mục tiêu phát triển nêu trên, Thủ tướng nhấn mạnh không chỉ sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp nước ta phải cạnh tranh được với sản phẩm, hàng hoá của các nước khác mà chất lượng pháp luật, thủ tục hành chính, sự chuyên nghiệp của bộ máy chính quyền các cấp của chúng ta cũng phải cạnh tranh ngang ngửa được với các quốc gia khác.

Để làm được điều này vai trò của VCCI và cộng đồng doanh nghiệp là rất quan trọng. Nội dung, phương thức, chất lượng tham gia góp ý xây dựng chính sách, pháp luật của VCCI cần được tăng cường; cần thu hút rộng rãi hơn doanh nghiệp quan tâm và tham gia góp ý. Hoạt động tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội chuyên ngành cũng cần tích cực và chuyên nghiệp hơn. Mục tiêu quan trọng nhất là làm sao các chính sách, pháp luật khi ban hành phải gần với cuộc sống nhất, khả thi nhất, hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển hiệu quả nhất, tôn trọng thực tiễn để đi vào thực tiễn. Để góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, VCCI cần tiếp tục nâng cao chất lượng và tính lan tỏa trong việc nghiên cứu, công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); tích cực tham gia cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh, hướng tới góp phần nhiều hơn vào quá trình cải thiện môi trường kinh doanh quốc gia.

Ba là, thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp phát triển ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn. Thủ tướng cơ bản tán thành với tầm nhìn của VCCI là “Doanh nghiệp vững mạnh - Quốc gia thịnh thượng”. Đề nghị VCCI thời gian tới triển khai có hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển vững mạnh, có năng lực cạnh tranh quốc tế, áp dụng các tiêu chuẩn quản trị hiện đại, tích cực chuyển đổi số, đổi mới sản xuất để nâng cao vị trí của doanh nghiệp, hàng hoá, dịch vụ Việt Nam trong chuỗi sản xuất toàn cầu. VCCI cần quan tâm hơn nữa đến phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, thúc đẩy sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, quan tâm đến doanh nghiệp nhỏ, thúc đẩy liên kết doanh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp do nữ làm chủ, xây dựng và củng cố quan hệ lao động bền vững, hài hoà…

“Chúng ta không hi sinh an sinh xã hội, không hi sinh môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần. Vì vậy, vai trò của doanh nghiệp doanh nhân có tính quyết định. Chúng ta quán triệt tinh thần này. Tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Bốn là, đẩy mạnh phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam với tinh thần đoàn kết, dân tộc, tự cường, tập trung giải quyết những vấn đề quan trọng của đất nước.

“Chúng ta còn thiếu nguồn lực, còn nhiều khó khăn, quy mô nền kinh tế còn nhỏ, công nghệ chưa theo kịp, do đó, cần tổng hoà nội lực và ngoại lực, tranh thủ được ngoại lực và vẫn phải dựa vào nội lực, nội lực mới là quyết định, lâu dài và có tính chiến lược của chúng ta”, Thủ tướng khẳng định.

VCCI cần đẩy mạnh phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam theo đúng tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 10 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về phát triển doanh nghiệp tư nhân và các nghị quyết, chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. VCCI phải tiên phong dẫn dắt các doanh nghiệp phát triển xanh, phát triển kinh tế số, phát triển bền vững…

Đồng thời, Thủ tướng tán thành với định hướng của VCCI là bắt tay ngay xây dựng văn hoá kinh doanh Việt Nam. Dẫn lời của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hoá toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII đã xác định rất rõ về tầm quan trọng của văn hoá, Thủ tướng khẳng định: “Với cộng đồng doanh nghiệp, xây dựng văn hoá kinh doanh phải xứng tầm phát triển của đất nước. Văn hoá kinh doanh gắn liền với xây dựng đất nước ta văn minh, phồn vinh, hạnh phúc”.

Việc lựa chọn xây dựng và xác lập văn hoá kinh doanh vừa là nhiệm vụ trọng tâm vừa là đột phá chiến lược là đúng đắn. Chúng ta phải triển khai thực hiện nhiệm vụ này thật tốt, góp phần tạo ra được một đội ngũ doanh nhân vững mạnh.

“Việt Nam chỉ giàu và mạnh khi các doanh nghiệp giàu và mạnh. Và Việt Nam cũng chỉ phát triển bền vững và văn minh khi doanh nghiệp Việt Nam hoạt động kinh doanh theo hướng bền vững và văn minh. Văn hoá kinh doanh tạo ra sức mạnh mềm của doanh nghiệp và cũng góp phần xây đắp hình ảnh, vị thế quốc gia dân tộc trên trường quốc tế”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động thiên tai, căng thẳng thương mại giữa các nước thì nền tảng văn hoá kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp chống chọi được với sức ép từ bên trong và các biến động lớn từ bên ngoài.

Năm là, dẫn dắt doanh nghiệp hội nhập thành công. Thời gian qua, Chính phủ đã rất tích cực ký kết các hiệp định thương mại tự do (15 Hiệp định), với hầu hết thị trường lớn, quan trọng nhất trong khu vực và trên thế giới, mở ra nhiều cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội.

“Chúng ta đã tham gia ký kết và đàm phán 17 hiệp định thương mại tự do với hơn 60 nước chúng ta mở cửa và phải tranh thủ cơ hội này”, Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ là chủ thể ký kết, nhưng doanh nghiệp mới chính là chủ thể thực hiện và hưởng lợi từ các hiệp định này.

Năm 2021, dù tình hình kinh tế hết sức khó khăn, nhưng tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam vẫn đạt được con số kỷ lục, cao nhất từ trước đến nay, gần 670 tỷ đô la Mỹ, tăng 22,6% so với 2020. Tương lai của kinh tế Việt Nam là hội nhập và thực tế Việt Nam đã là quốc gia hội nhập rất sâu rộng với thế giới. Do vậy, Thủ tướng đề nghị VCCI cần tăng cường các hoạt động tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp về thị trường, tìm kiếm bạn hàng, khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết, xử lý và hỗ trợ khi có các tranh chấp trong quá trình hoạt động. “Lớn mạnh nhưng phải vững mạnh, nhanh nhưng phải bền vững”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Đồng thời tin tưởng với bản lĩnh, trí tuệ, tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển của mình, VCCI và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam sẽ thích ứng, nỗ lực vươn cao, vươn xa và có nhiều đóng góp quan trọng trong việc đưa đất nước Việt Nam phát triển, thịnh vượng, sánh vai cùng cường quốc năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn. Mục tiêu lớn nhất là làm cho dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh, nhân dân ngày càng ấm no hạnh phúc.

Nhân dịp chuẩn bị bước sang năm mới 2022 và vui Xuân, đón Tết nguyên đán Nhâm Dần, Thủ tướng chúc toàn thể cộng đồng doanh nhân, tập thể lãnh đạo và người lao động VCCI sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Chúc cho VCCI và cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp năm 2022 phát triển vượt bậc so với năm 2021! 

Tiếp thu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công gửi lời cảm ơn tới Thủ tướng. “Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng đã chỉ rõ những vấn đề còn hạn chế của VCCI. Đồng thời, Thủ tướng cũng giao cho VCCI 5 nhiệm vụ lớn”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh.

Chủ tịch VCCI cho biết, VCCI sẽ đưa các nhiệm vụ Thủ tướng giao vào trong chương trình làm việc hàng năm và trong nhiệm kỳ. “VCCI sẽ nêu cao tinh thần sáng tạo để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng đề ra. Từ đó, góp phần thực hiện mục tiêu: “Doanh nghiệp vững mạnh, Quốc gia thịnh vượng”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Nguồn; DDDN