08:04:59 | 5/1/2022
Việc hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã tạo ra những xung lực mới, mở ra các cơ hội hợp tác rộng lớn, góp phần đẩy mạnh hoạt động giao thương, kết nối đầu tư cho cộng đồng doanh nghiệp.
Doanh nghiệp đã tận dụng hiệu quả các FTA
Việt Nam là một trong số ít các nước chỉ sau 15 năm gia nhập WTO đã đàm phán, ký kết được 15 FTA. Trong đó, với tư cách là một bên độc lập, Việt Nam đã ký 6 FTA với các đối tác Nhật Bản, Chile, Hàn Quốc, Liên minh Kinh tế Á - Âu, EU và các đối tác trong CPTPP. Đặc biệt, trong 2 FTA thế hệ mới là EVFTA và CPTPP, Việt Nam đã cam kết mở cửa thị trường sâu rộng trên các lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, mua sắm Chính phủ và cả những lĩnh vực nhạy cảm như lao động, môi trường…
Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, nhờ có Hiệp định EVFTA, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU đã tăng trưởng theo hướng bền vững hơn, cả về chất và lượng, với cả xuất, nhập khẩu đều đạt kết quả tích cực.
Trong 11 tháng năm 2021, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU vẫn ghi nhận sự tăng trưởng khả quan, kể cả so với thời kỳ trước đại dịch Covid-19, với kim ngạch đạt 51,3 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong số đó, xuất khẩu đạt 35,96 tỷ USD, tăng 12,6% và nhập khẩu đạt 15,34 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2020. Việt Nam xuất siêu sang EU 20,6 tỷ USD, tăng 9,8% so với mức xuất siêu của cùng kỳ năm ngoái.
Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, những kết quả tích cực sau hơn một năm triển khai EVFTA đã đáp ứng được kỳ vọng về kim ngạch thương mại đề ra. Sau một năm thực thi, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU sử dụng mẫu chứng nhận xuất xứ cho thị trường EU đạt tỷ lệ khá cao ở mức gần 8 tỷ USD, cho thấy nhiều doanh nghiệp đã chú ý và tận dụng tốt các ưu đãi cắt giảm thuế quan trong hiệp định.
Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, so với các Hiệp định FTA đã có hiệu lực, mức độ hiểu biết và kỳ vọng của doanh nghiệp đối với Hiệp định EVFTA là tương đối cao (30,19% doanh nghiệp được khảo sát hiểu và nắm rõ các thông tin về các cam kết trong EVFTA so với mức trung bình 22,95% ở các FTA khác).
Đối với CPTPP, theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận xét, 3 năm thực hiện CPTPP đã có những tác động rất tích cực đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, nhất là từ những thị trường mà Việt Nam chưa từng ký FTA. Xuất khẩu hàng hóa sang Canada, Peru đều có mức tăng trưởng từ 25%-30%/năm. Giai đoạn 2018-2020, tăng trưởng XK sang Mexico luôn đạt 2 con số, bình quân 18,8%/năm. Các mặt hàng chủ lực có trị giá XK tăng là điện thoại, phương tiện vận tải, phụ tùng, giày dép…
Theo thống kê từ Bộ Công Thương, nông sản, dệt may, thủy sản là những ngành hàng đã tận dụng tốt các cơ hội từ các FTA. Đối với ngành thủy sản, với kim ngạch 2,2-2,3 tỷ USD/năm, vị thế của khối CPTPP tăng khá cao, tỷ trọng của khối này trong tổng kim ngạch XK thuỷ sản của Việt Nam tăng từ 25% năm 2018 lên gần 28% năm 2021.
Một FTA khác là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ai Len (UKVFTA) được thực thi từ đầu năm 2021 cũng giúp quan hệ thương mại song phương Việt Nam - Vương quốc Anh không bị đứt gãy trong bối cảnh Anh rời khỏi EU. Sau gần 1 năm thực thi, tính đến hết tháng 10-2021, thương mại 2 chiều đạt gần 5,5 tỉ USD, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Anh đạt 4,735 tỉ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2020; nhập khẩu từ Anh đạt 706 triệu USD, tăng 25,3%.
Bên cạnh những tác động tích cực trong việc thúc đẩy xuất nhập khẩu, các FTA thế hệ mới với những cam kết chặt chẽ được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam đi xa hơn trong quá trình đổi mới thể chế kinh tế, minh bạch hóa thủ tục hành chính, từ đó xây dựng môi trường đầu tư - thương mại ngày càng thuận lợi, góp phần vào tăng trưởng và phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Tận dụng cơ hội từ các FTA
Theo PGS. TS. Nguyễn Anh Thu - Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), sau một năm kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, hệ thống pháp luật Việt Nam đang từng bước chuyển biến tích cực nhằm đáp ứng những yêu cầu của Hiệp định này. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý vấn đề thực thi pháp luật, nhất là trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, quyền lợi của người lao động và vấn đề bảo vệ môi trường.
Bà Thu khuyến nghị, vấn đề cải cách để đáp ứng đòi hỏi của Hiệp định EVFTA sẽ ngày càng khó và chậm hơn, trong khi đó, lợi thế tương đối của Hiệp định này cho Việt Nam đối với các nước trong khu vực sẽ ngày càng giảm đi nhanh hơn. Vì vậy, cần khẩn trương rà soát, sửa đổi và bổ sung các văn bản pháp luật sao cho phù hợp với các cam kết trong Hiệp định.
Đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp xuất khẩu, bà Thu nhấn mạnh đến vấn đề chủ động cải thiện năng lực, chất lượng sản phẩm để có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. “Dù có hay không có FTA thì xu hướng sản xuất và giao thương theo chuỗi giá trị đã và đang diễn ra rất tích cực, chiếm một phần không nhỏ trong trị giá xuất nhập khẩu toàn cầu”, bà Thu nhận định.
Một trong những rào cản khiến các doanh nghiệp chưa tận dụng hết các lợi thế từ FTA trong năm 2021 bắt nguồn từ những thách thức trong việc quản trị chi phí phát sinh. Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may (Vitas) đánh giá, mặc dù Việt Nam đã ký kết được nhiều FTA quan trọng như EVFTA, CPTPP… mang lại nhiều đơn hàng và lợi thế xuất khẩu đến các thị trường, tuy nhiên, chi phí logistics lại trở thành rào cản khiến cho doanh nghiệp không thể tận dụng được các FTA trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát.
Cụ thể, các doanh nghiệp dệt may liên tục giao hàng chậm vì các cảng biển, sân bay hạn chế ra vào do dịch bệnh, dẫn tới việc thông thương hàng hóa khó khăn. Nhiều doanh nghiệp phải chuyển sang xuất hàng bằng đường hàng không khiến cho chi phí đội lên đáng kể. Hơn nữa, việc thiếu container rỗng vẫn tiếp diễn, cước vận tải vì thế “tăng phi mã”, khiến nhiều doanh nghiệp lao đao vì chi không đủ thu.
Trước thực trạng này, Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai khuyến cáo doanh nghiệp cần lên kế hoạch sử dụng nhà chung cấp đa nhiệm, vận hành tinh gọn và chỉ sử dụng một nền tảng quản lý và xem xét các dịch vụ thuê ngoài. Đồng thời, luôn có phương án dự phòng cho các tình huống bất khả kháng.
Các chuyên gia cũng quan ngại, rào cản lớn đối với doanh nghiệp xuất khẩu sang khu vực EVFTA, CPTPP liên quan đến các biện pháp phòng vệ thương mại như quy định dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm trái cây, rau củ, quy định kiểm dịch và quy định về an toàn thực phẩm… Vì vậy, Việt Nam cần tăng năng lực điều hành cũng như giám sát đối với các biện pháp kiểm dịch động, thực vật (SPS), nhằm hạn chế vi phạm các qui định tại các nước nhập khẩu.
Ông Sebastian Paust - Tham tán thứ nhất Đại sứ quán Đức tại Việt Nam khuyến nghị cơ quan hoạch định chính sách cần đẩy mạnh hơn nữa việc công bố và chia sẻ thông tin với cộng đồng, nhất là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ để giúp họ có thể khai thác được tối đa lợi thế từ các hiệp định. Các doanh nghiệp Việt cần gia tăng nâng cao khả năng cạnh tranh, cải thiện chất lượng về nguồn lực, tập trung phát triển trình độ học thuật và kỹ năng làm kinh tế, ngoại ngữ để thúc đẩy tăng cường hợp tác và xuất khẩu.
Hương Giang (Vietnam Business Forum)
10/12/2024
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI