Ngay từ năm 2020 và năm 2021, rất nhiều chuyên gia kinh tế trong nước và nước ngoài đã đề cập đến mô hình phục hồi theo hình chữ V hay hình chữ U để mô tả khả năng một nền kinh tế có thể quay lại sau khi chịu tác động của dịch COVID-19. Và quả thực Việt Nam đã "đảo chiều" thành công kinh tế trong quý IV.

Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2022 dự báo sẽ khởi sắc và là động lực cho tăng trưởng.

“Đảo chiều” kinh tế

Tuy nhiên những diễn biến bất thường và phức tạp của đại dịch với những biến chủng mới nhanh chóng lây lan đã khiến những dự báo ngày càng bất định. Số liệu GDP theo quý của năm 2021, có thể thấy rằng diễn biến từ quý II, III và IV, mô hình phục hồi đúng là hình chữ V.

Kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy doanh nghiệp lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý I/2022 với 81,7% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn so với quý IV/2021.

“Chúng ta có thể thấy được mức giảm của quý III rất sâu, hơn -6% nhưng đến quý IV đã phục hồi trở lại hơn 5,22%. Mô hình phục hồi này cũng cho thấy sức bật của nền kinh tế nước ta rất khả quan, chỉ cần có điều kiện cụ thể để các hoạt động kinh tế quay trở lại là lập tức sẽ đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế”, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương nhận định.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, rà soát qua mấy động lực tăng trưởng kinh tế có thể thấy, thứ nhất trong lĩnh vực nông nghiệp: Trong năm 2020 và năm 2021, ngành nông nghiệp luôn là trụ đỡ. Thực tế trong cả quá trình chịu tác động của đại dịch COVID-19, lĩnh vực nông nghiệp luôn cố gắng duy trì ở mức hợp lý, tạo sự chống đỡ khá ổn định cho nền kinh tế.

Thứ hai là công nghiệp, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT đánh giá, công nghiệp là lĩnh vực chủ chốt, động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế. Trong đợt dịch đầu năm, dịch bệnh đã ảnh hưởng đến trung tâm công nghiệp phía bắc như tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương. Tuy nhiên đến đợt dịch thứ 4, khu vực trọng tâm nhất về công nghiệp đã bị COVID-19 xâm nhập, chủng Delta tàn phá ghê gớm khiến động lực tăng trưởng công nghiệp quý III giảm rất sâu.

Thứ ba là dịch vụ, đây là lĩnh vực gặp khó khăn, lĩnh vực chịu tác động lâu nhất và sâu nhất tới sự phát triển và tăng trưởng.

“Qua rà soát thấy rằng, cuối năm 2020 cũng như các tháng đầu năm 2021, tăng trưởng dịch vụ luôn luôn ở mức thấp, có quý âm. Lý do rất nhiều ngành dịch vụ chúng ta không triển khai được do ảnh hưởng của COVID-19. Nhưng sau khi áp dụng Nghị quyết 128, tăng trưởng của khu vực dịch vụ đã có sự khởi sắc và tăng trưởng khu vực này trong quý III đã đạt 5,42%”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương phân tích.

Đặc biệt, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT bày tỏ lạ quan năm 2022 nền kinh tế sẽ thực sự phục hồi nhanh, phục hồi hiệu quả, mạnh mẽ và nhanh chóng quay lại quỹ đạo phát triển bền vững.

“Trải qua năm 2020, 2021, chúng ta đã đúc rút được rất nhiều bài học kinh nghiệm, chúng ta sẽ có động lực mới, sức sống mới cho sự phát triển. Chúng ta vẫn giữ được những nền tảng cơ bản, nền tảng tốt để phục hồi kinh tế nhanh, phát triển bền vững trong bối cảnh ổn định kinh tế-xã hội, khống chế được lạm phát. Năng lực nội tại của nền kinh tế chúng ta vẫn còn duy trì được để quay lại quỹ đạo phát triển nhanh và bền vững trong năm 2022”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương lạc quan.

Cùng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cũng cho kinh tế 2022 có nhiều lạc quan về tăng trưởng.


Cần có 1 gói hỗ trợ tiếp tục miễn, giảm thuế, giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp là điều kiện để hiện thực mục tiêu tăng trưởng năm 2022.

Ba động lực bắt kịp xu thế

Phân tích về tình hình thế giới và khu vực, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ cho biết đang có ba xu hướng, có thể nói là không đảo ngược và đang tiến triển. Thứ nhất là phục hồi kinh tế và nhất là trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, các đối tác chiến lược toàn diện, các đối tác Việt Nam ký FTA đều đang trong quá trình phục hồi ở mức độ khác nhau.

“Tuy còn rủi ro, còn sự không đồng đều nhưng đều đang trong quá trình phục hồi kinh tế. Chúng ta cũng đang trong quá trình hồi phục hình chữ V. Tôi hy vọng chúng ta đang đúng xu thế, không bị lỡ nhịp”, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh.

Năm 2022, tăng trưởng kinh tế có thể đạt 6,5%, thậm chí 7,5%. Đối với chính sách tài khóa, tỷ lệ bội chi ngân sách năm 2022 vẫn đang được dự toán ở mức 4% GDP. Việt Nam cần có kế hoạch có thể dùng những nguồn lực ngoài ngân sách để có 1 gói hỗ trợ tăng chi cho ngành y tế, tiếp tục một số chính sách miễn, giảm thuế, giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp. Nếu trường hợp dịch Covid-19 được khống chế, ổn định vĩ mô, mục tiêu tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 đạt 6,5% trong tầm tay.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành - Thành viên Tổ Tư vấn của Thủ tướng Chính phủ

Xu hướng thứ hai là xu hướng sống chung với đại dịch COVID, cả với chủng mới Omicron rất phức tạp. Dù vậy, đại diện Bộ Ngoại giao cho biết nhận thấy sự quyết tâm và không nao núng của rất nhiều nước trong việc sống chung với đại dịch COVID này để bắt vào một giai đoạn bình thường mới trở lại.

Xu hướng thứ ba là với tác động của Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 và đại dịch COVID. “Các xu hướng nói đến lâu nay đang định hình dần, ví dụ như xu hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số mà chúng ta cũng đã tham gia rất tích cực vào xu hướng này trong các diễn đàn đa phương và đang trong quá trình nội tại hóa nhiều nội dung. Hy vọng rằng quá trình này mở ra cơ hội cho chúng ta, những vận hội mới trong thời gian tới”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết.

Từ ba xu hướng đang diễn ra như vậy, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ nhận định Việt Nam không bị lỡ nhịp, thậm chí đang bắt nhịp rất chính xác ba xu hướng này.

Đánh giá về động lực tăng trưởng kinh tế năm 2022, TS Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, động lực sẽ là xuất nhập khẩu, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đầu tư công.

“Về tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu, năm 2022, đà phục hồi kinh tế của thế giới có thể bị chậm lại, tuy nhiên cùng với động lực từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới Việt Nam đã tham gia, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2022 dự báo sẽ khởi sắc. Bên cạnh đó, FDI vẫn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam”, TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.

Tuy vậy, vị chuyên gia cho rằng, động lực tiềm năng nhất cho tăng trưởng là đầu tư công. Việc tập trung vào những công trình trọng điểm, công trình lớn, có sự lan tỏa, công trình cơ sở hạ tầng ở những vùng kinh tế trọng điểm, sẽ tạo đà cho răng trưởng kinh tế năm 2022.  

Trong khi đó, TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh cho rằng, để đạt được kỳ vọng, phải tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế, phấn đấu GDP tăng 6 - 6,5%, tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4%; bội chi ngân sách nhà nước khoảng 4% GDP... trong cả năm 2022.

Bên cạnh đó, cần kiểm soát lạm phát, hạn chế nợ xấu phát sinh, duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 3%; đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

“Các chính sách hỗ trợ phát triển cần chú ý tạo động lực kích thích cho cả tổng cung và tổng cầu, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô và thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế sâu rộng hơn, tạo thêm "sức bật" cho doanh nghiệp”, TS Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.

Nguồn: DDDN