10:02:03 | 17/1/2022
Cho dù bị ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 nhưng bất động sản du lịch vẫn là phân khúc nhiều tiềm năng, có vai trò to lớn trong việc giúp ngành du lịch trở thành một lĩnh vực quan trọng đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Dấu hiệu hồi phục sau đại dịch
Là một trong những phân khúc chịu ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề nhất từ yếu tố dịch bệnh, nhưng các sản phẩm bất động sản du lịch vẫn duy trì trạng thái hoạt động và thu hút đầu tư, bởi các nhà đầu tư vẫn đánh giá cao tiềm năng phát triển của kinh tế du lịch ở Việt Nam hiện nay.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, từ đầu năm 2021, rất nhiều dự án bất động sản du lịch đã phải hoãn lịch khai trương nhiều lần do dịch bệnh nhưng thị trường vẫn có điểm tích cực. Một số dự án khách sạn, biệt thự du lịch vẫn được khai trương trong quý II/2021 như: Trung tâm Phú Quốc United Center (Phú Quốc, Kiên Giang), khách sạn 4 sao Yes Hotel (Đà Nẵng). Công suất thuê phòng khách sạn toàn thị trường có xu hướng tăng khi nhu cầu tham quan, du lịch trong dịp nghỉ lễ tăng lên ở giai đoạn đầu quý II/2021.
Thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng cho thấy, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng trong những tháng đầu năm 2021 có sức mua thấp. Trừ một số dự án hoạt động theo hình thức du lịch - nghỉ dưỡng có tỷ lệ hấp thụ khoảng 30 - 40%. Khi giãn cách xã hội được nới lỏng cuối quý 3 đến nay, thị trường đã có nhiều tín hiệu khả quan hơn. Lượng chào bán sản phẩm bất động sản du lịch trên toàn quốc tăng tốc trong quý III/2021. Sản phẩm đang chào bán trên thị trường trong quý 3 đạt 7.206 sản phẩm, nâng tổng lượng sản phẩm chào bán trong năm vượt con số 10.000 sản phẩm, giao dịch đạt 2.280 sản phẩm. Một số địa phương có sản phẩm chào bán nhiều như: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Phú Quốc, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận …
Sau thời gian đóng băng do đại dịch Covid-19, hiện nay Chính phủ đã cho phép thí điểm đón khách quốc tế bắt đầu từ tháng 11/2021, cùng với việc khách du lịch trong nước đã tiêm đủ liều vaccine tại nhiều địa phương ngay từ đầu tháng 10/2021, thị trường bất động sản du lịch đã có những dấu hiệu phục hồi và đang có nhiều cơ hội tăng trưởng tốt.
Phân khúc hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại
Đóng góp của FDI vào phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam trong lĩnh vực bất động sản bao gồm cả bất động sản du lịch nghỉ dưỡng là rất lớn. Hiện tại, nguồn vốn FDI chiếm bình quân khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội hàng năm, tạo việc làm trực tiếp cho gần 5 triệu lao động và hàng vạn lao động gián tiếp khác, góp phần không nhỏ vào kết quả thực hiện mục tiệu “công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước”. Tính lũy kế đến 20/12/2021, tổng số vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản tiếp tục đứng vị trí thứ hai với gần 61,8 tỷ USD (chiếm 15,1% tổng vốn đầu tư)
Khi dòng khách tiếp tục hướng về châu Á thì thị trường bất động sản du lịch Việt Nam tiếp tục là một địa điểm hấp dẫn với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Các địa phương được các nhà đầu tư đánh giá cao tiềm năng phát triển kinh tế du lịch mạnh nhất cả nước là Quảng Ninh, Thanh Hóa, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quy Nhơn, Bình Thuận, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu và Phú Quốc. Do đó, thị trường bất động sản ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ của phân khúc bất động sản du lịch thông qua số lượng giao dịch không ngừng tăng lên.
Các dự án phát triển bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng, đặc biệt là các dự án có pháp lý đầy đủ, rõ ràng, đáp ứng được các điều kiện và tiêu chuẩn về môi trường du lịch, nghỉ dưỡng, được đầu tư tốt về hạ tầng, vị trí giao thông thuận lợi và được đầu tư bởi các chủ đầu tư có uy tín cao trên thị trường sẽ là những sản phẩm đủ điều kiện để thu hút FDI. Đến nay, nhiều khách sạn 5 sao có quy mô lớn, các khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế có vốn FDI đã mọc lên tại nhiều thành phố như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Nha Trang… góp phần thay đổi, nâng cấp cơ sở vật chất cũng như chất lượng dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng của Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành một trong những điểm đến yêu thích của khách du lịch quốc tế.
Khi du lịch ngày càng phát triển, các giao dịch về kinh doanh bất động sản du lịch ngày càng gia tăng nhưng cũng phát sinh những vướng mắc về pháp lý. Trên thực tế, nhiều địa phương còn lúng túng trong quá trình quản lý nhà nước do hệ thống chính sách, pháp luật về phân khúc này còn chưa đầy đủ, thống nhất, đồng bộ.
Theo ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), để bất động sản du lịch phát triển, Việt Nam cần khơi thông chính sách pháp luật về lĩnh vực này, hoàn thiện những vấn đề còn thiếu trong hành lang pháp lý để phát triển du lịch Việt Nam mạnh, bền vững.
Cùng quan điểm, Tiến sĩ Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch Việt Nam đánh giá, Việt Nam chưa có quy định pháp luật cụ thể nhằm tạo điều kiện cũng như lôi kéo các nhà đầu tư quốc tế đối với bất động sản du lịch, bởi vậy, rất cần có những chính sách, pháp lý phù hợp, tạo đà cho sự phát triển của thị trường bất động sản du lịch.
Theo đánh giá của các chuyên gia, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật cho bất động sản du lịch là điều vô cùng cấp thiết để giải quyết các khúc mắc trong công tác quản lý, đầu tư và sở hữu bất động sản du lịch. Bên cạnh đó, việc tạo dựng những yếu tố độc đáo, đa dạng hoá tiện ích, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch sẽ tạo đà phát triển bền vững cho thị trường bất động sản du lịch Việt Nam.
Nguyễn Mai (Vietnam Business Forum)