10:41:47 | 27/1/2022
Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 – 2030. Nhiệm vụ trọng tâm của đối ngoại Việt Nam năm 2021 là tổ chức triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng, làm sâu sắc quan hệ với các nước, bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, góp phần củng cố môi trường hòa bình, huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển, nâng cao vị thế đất nước.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự sự kiện về rừng và sử dụng đất trong khuôn khổ Hội nghị COP26 diễn ra tại Vương quốc Anh vào tháng 11/2021
Nhìn lại một năm 2021 vừa qua đi với nhiều biến động to lớn, chưa từng có, hoạt động đối ngoại Việt Nam 2021 đã vượt qua nhiều thách thức, khẳng định thế và lực mới. Khẳng định vai trò của đối ngoại, theo PGS.TS. Phạm Minh Sơn, Việt Nam đã tham gia và đóng góp tích cực ở hầu hết các tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng, đảm nhiệm thành công nhiều trọng trách. Hoạt động đối ngoại góp phần tạo lập những dấu ấn hết sức quan trọng, khẳng định vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời đem lại những nguồn lực, là cơ sở để nâng cao kinh nghiệm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong nước giai đoạn mới. Cùng với đó, đối ngoại đem lại cơ hội thúc đẩy mối quan hệ song phương của Việt Nam với các nước có vai trò chủ chốt trên thế giới cũng như trong khu vực, đóng góp vào hòa bình, phát triển chung của nhân loại.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, đối ngoại đã góp phần củng cố môi trường hòa bình, tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 30 nước, bao gồm 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, toàn bộ Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) và tất cả các thành viên ASEAN. Việt Nam đã thiết lập quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia, Quốc hội Việt Nam có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 nước. Các tổ chức hữu nghị nhân dân có quan hệ với 1.200 tổ chức nhân dân và phi chính phủ nước ngoài.
Vị thế quốc tế của Việt Nam không ngừng được nâng cao thông qua việc nâng tầm đối ngoại đa phương và đảm nhận thành công nhiều trọng trách quốc tế quan trọng. Đến nay, Việt Nam là thành viên của hơn 70 tổ chức, diễn đàn đa phương khu vực và toàn cầu. Việt Nam đã 2 lần làm Chủ tịch ASEAN (năm 2010, 2020); làm Chủ tịch Tổ chức Liên nghị viện ASEAN (AIPO, năm 2002), Chủ tịch Hội đồng Liên nghị viện ASEAN (năm 2010, 2020), 2 lần trúng cử với số phiếu ủng hộ rất cao để trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020-2021), 2 lần là chủ nhà APEC (năm 2006 và 2017); đăng cai thành công Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018; tổ chức tốt cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 (năm 2019). Việt Nam cũng tích cực tham gia các diễn đàn đa phương chính đảng như: Cuộc gặp quốc tế các đảng Cộng sản và công nhân (IMWCP), Ủy ban thường trực Hội nghị quốc tế các chính đảng châu Á (ICAPP); tích cực thúc đẩy hợp tác qua các kênh ngoại giao nghị viện như: Hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA), Liên minh Nghị viện thế giới (IPU); tham gia tích cực Diễn đàn Nhân dân ASEAN. Việt Nam cũng tích cực tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Đặc biệt, sau khi Đại hội Đảng lần thứ XIII thông qua đường lối đối ngoại giai đoạn mới, Việt Nam đã nhận được nhiều tin vui. Bên cạnh việc tiếp tục đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam đã trúng cử, chỉ định, tham gia rất nhiều cơ chế, diễn đàn của Liên hợp quốc. Điển hình là Việt Nam tái đắc cử vị trí thành viên Ủy ban Luật pháp Quốc tế của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2027, trúng cử vào Hội đồng chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025, được bầu vào Hội đồng Thống đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), trúng cử thành viên Hội đồng Khai thác Bưu chính của Liên minh Bưu chính thế giới.
Hội nhập kinh tế quốc tế có nhiều đột phá, qua đó đã mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút vốn nước ngoài, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Việt Nam đã có quan hệ thương mại với trên 220 đối tác; 71 nước đã công nhận quy chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam. Việt Nam đã tham gia và có quan hệ tốt đẹp với nhiều tổ chức, cơ chế hợp tác kinh tế - phát triển hàng đầu như: Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Diễn đàn APEC. Đặc biệt, Việt Nam đã tham gia 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA “thế hệ mới” như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Hội nghị đối ngoại toàn quốc lần đầu tiên diễn ra ngày 14/12/2021 và Hội nghị ngoại vụ toàn quốc 20 và Hội nghị Ngoại giao 31 (bế mạc ngày 18/12) đánh dấu mốc quan trọng trong cụ thể hóa việc triển khai đường lối đối ngoại Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Ngoại giao vaccine đạt nhiều kết quả ấn tượng, đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine cho người dân, góp phần vào việc thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ.
Quan hệ song phương với các đối tác quan trọng tiếp tục đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất. Các chuyến thăm song phương trực tiếp của lãnh đạo cấp cao tới Lào, Campuchia, Cuba, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Pháp, EU, Thụy Sỹ, Phần Lan đạt nhiều kết quả rất thiết thực, phục vụ các yêu cầu phát triển và đối ngoại của đất nước.
Ngoại giao văn hóa năm qua cũng đạt nhiều thành tựu. Chính phủ phê duyệt Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030. Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng UNESCO nhiệm kỳ 2021-2026. Tại phiên họp toàn thể kỳ họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 41 tại Paris, Pháp (23/11), UNESCO thông qua nghị quyết vinh danh và tham gia kỷ niệm 200 năm ngày sinh của danh nhân Nguyễn Đình Chiểu; 250 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Ngày 15/12, nghệ thuật Xòe Thái đã được UNESCO ghi danh Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.
Công tác biên giới lãnh thổ tiếp tục đạt kết quả tích cực; phối hợp với các nước láng giềng tăng cường quản lý biên giới lãnh thổ, phòng chống dịch bệnh Covid-19, thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới; đàm phán, trao đổi để giải quyết các vấn đề tồn đọng phát sinh; kiên quyết, kiên trì giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên biển Đông, góp phần duy trì hoà bình, ổn định ở khu vực.
Có thể thấy, công tác đối ngoại đã góp phần quan trọng trong thay đổi vị thế của đất nước. Trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 về lĩnh vực đối ngoại, Đảng ta khẳng định: “Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam.”
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI