Nhiều động lực cho tăng trưởng kinh tế

15:06:45 | 15/2/2022

Việt Nam đang nằm trong số các quốc gia có độ phủ vaccine cao nhất thế giới, cùng với chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Đây được coi là những nền tảng quan trọng để kinh tế phục hồi nhanh, đáp ứng mục tiêu đặt ra là phấn đấu mức tăng trưởng GDP đạt mức 6-6,5%; GDP bình quân đầu người đạt 3.900USD; giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công...

Trong thời gian qua, nhiều tổ chức trong và ngoài nước như: WB, IMF, ADB và HSBC đã đưa ra các dự báo khá lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022. Điều đáng lưu ý, tất cả các dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 đều đặt ra một điều kiện để thực hiện, đó là kiểm soát tốt đại dịch Covid-19.

Theo đánh giá cuả các tổ chức nước ngoài, nền kinh tế của VN trong năm 2022 sẽ có nhiều khởi sắc. Theo Ngân hàng thế giới tại VN, năm 2022, kinh tế sẽ khởi sắc hơn, tăng trưởng GDP được dự báo ở mức 5,5% và nếu đại dịch cơ bản được kiểm soát thì kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi một phần nhờ vào việc nới lỏng hơn chính sách tài khóa ít nhất là trong nửa đầu năm 2022. Về trung hạn, WB cũng dự báo nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ chỉ bắt đầu quay về lộ trình tăng trưởng vào năm 2023, khi nhu cầu trong nước phục hồi đầy đủ và không có các cú sốc mới.

Đối với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), dự báo mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022 ở mức 6,5%. Ngân hàng này cho rằng hoạt động xuất khẩu sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng với việc tận dụng hiệu quả các hiệp định thương tự do.

Trong khi đó, Ngân hàng HSBC nhận định, kinh tế Việt Nam có thể lấy lại nhịp tăng trưởng GDP ở mức 6,8% trong năm 2022 chủ yếu nhờ đầu tư nước ngoài mạnh mẽ trở lại, tập trung nhiều vào lĩnh vực sản xuất và phát triển xanh.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, năm 2022, nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi nhanh, hiệu quả và mạnh mẽ, đồng thời quay trở lại quỹ đạo phát triển bền vững. Việt Nam đã đúc rút được rất nhiều bài học kinh nghiệm trong phòng, chống dịch; nền kinh tế vĩ mô ổn định; thu ngân sách vượt mục tiêu đề ra; xuất, nhập khẩu cao, thu hút đầu tư vẫn hấp dẫn. Thêm vào đó, VN có quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, các gói giải pháp phục hồi và sự sẵn sàng hoạt động của các thành phần kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.

Những số liệu được công bố trong tháng đầu năm 2022 đã cho thấy những dự báo trên hoàn toàn có cơ sở. Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, chỉ sau hơn 2 tháng thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021, tình hình kinh tế-xã hội dần được khôi phục, từng bước tạo nên sự khởi sắc rõ nét của bức tranh DN trong những tháng đầu năm 2022.

Cụ thể, về tình hình đăng ký DN mới trong tháng 1/2022 đã tăng cả về số lượng và vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021. Số DN quay trở lại hoạt động cũng tăng khá cao ở tất cả các lĩnh vực hoạt động- đây là tín hiệu khả quan cho phát triển DN trong năm 2022. Cũng trong tháng 1/2022, cả nước có 13.000 DN thành lập mới, với số vốn đăng ký hơn 192.300 tỷ đồng và gần 77.100 lao động, tăng 15,9% về số DN, tăng 22,6% về vốn đăng ký và tăng 10,5% về số lao động so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, tăng 28,9% về số DN, tăng 24% về số vốn đăng ký và giảm 33,5% về số lao động. Bên cạnh đó, còn có 19.100 DN quay trở lại hoạt động, tăng 352,8% so với tháng 12/2021 và tăng 194% so với tháng 1/2021, nâng tổng số DN thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động trong tháng 1 năm nay lên 32.100 DN, tăng 93,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong tháng đầu năm 2022 đạt khoảng 58,5 tỷ USD, giảm 11,7% so với tháng 12/2021; trong đó xuất khẩu đạt 29 tỷ USD và nhập khẩu đạt 29,5 tỷ USD. Như vậy, so với cùng kỳ năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 6,3%, trong đó xuất khẩu tăng 1,6% và nhập khẩu tăng 11,5%...

Đây là những tín hiệu rất lạc quan cho quá trình phục hồi của Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo đánh giá, đề thực hiện những chỉ tiêu trên, VN cần tiếp tục triển khai và thực hiện có hiệu quả chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh Covid-19; tăng cường chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa và đầu tư công; phát triển du lịch thông minh…

Tuy vậy, tình hình kinh tế trên thế giới lại không có nhiều dấu hiệu khả quan. Theo dự báo của WB, tăng trưởng toàn cầu được dự báo ​​sẽ giảm sâu từ 5,5% năm 2021 xuống 4,1% năm 2022 và 3,2% vào năm 2023 khi các nhu cầu trước đây bị dồn nén giảm đi và các chính sách hỗ trợ tài khóa và tiền tệ sẽ thu hẹp lại trên thế giới.

WB đánh giá, tốc độ lây lan nhanh của biến thể Omicron cho thấy đại dịch có khả năng sẽ tiếp tục làm gián đoạn hoạt động kinh tế trong thời gian tới. Bên cạnh đó, tăng trưởng ở các nền kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc cũng giảm tốc đáng kể, ảnh hưởng đến cầu bên ngoài của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Đến thời điểm chính phủ các nước đang phát triển không còn dư địa chính sách để hỗ trợ kinh tế nếu cần, thì các làn sóng dịch COVID-19 mới, những điểm nghẽn cố hữu trong chuỗi cung ứng, áp lực lạm phát, và tình trạng bất ổn về tài chính leo thang ở nhiều khu vực trên thế giới có thể làm gia tăng nguy cơ “hạ cánh cứng”.

Anh Mai