08:35:42 | 2/3/2022
Kinh tế thế giới đang dần dịch chuyển từ mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống sang mô hình kinh tế tuần hoàn nhằm tạo ra tăng trưởng kinh tế mà không tổn hại đến môi trường và xã hội trong dài hạn. Kinh tế tuần hoàn không chỉ là nhu cầu mà đã trở thành xu hướng phát triển tất yếu nhằm giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng phục hồi của mỗi nền kinh tế. DN cần coi đây là một nguồn đầu tư lâu dài bài bản cho sự phát triển bền vững.
Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI, Phó Chủ tịch điều hành Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD) tại Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn do Đại học Ngoại thương tổ chức mới đây tại Hà Nội. Thu Huyền thực hiện.
Thưa ông, với DN xuất khẩu thì việc triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn thuận lợi hơn mô hình truyền thống như thế nào?
DN xuất khẩu triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn có nhiều lợi thế. Trong 15 Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) mà Việt Nam thực hiện đều có các chương nêu rõ những yêu cầu của DN thực hiện phát triền bền vững. Ví dụ trong Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam- EU có hẳn 1 chương về Trade and Sustainability Development (thương mại và phát triển bền vững), trong đó nêu rõ DN cần phải làm gì. Nếu đáp ứng các yêu cầu về phát triển bền vững thì doanh nghiệp sẽ có nhiều lợi thế về xuất khẩu, quảng bá, dịch vụ sản phẩm của mình ra nước ngoài. Hiệp định Thương mại Việt Nam-UK, RCEP cũng đưa ra những tiêu chuẩn rõ ràng.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, phát triển bền vững không còn là một sự lựa chọn nữa mà là bắt buộc nếu DN muốn đi xa hơn, phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị phần trong nước và nước ngoài vì đó chính là nhu cầu của xã hội. DN cần áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn tốt hơn để phục vụ xã hội tốt hơn, vì một thế giới tốt hơn. Đây chính là xu thế phát triển của DN trong bối cảnh mới vì nhu cầu của chính người tiêu dùng. Vì vậy phát triển bền vững được coi như là giấy thông hành của doanh nghiệp, nếu không triển khai thì DN sẽ bị bỏ lại phía sau.
Việt Nam vừa có một bộ luật mới về môi trường nhằm hướng dẫn DN hoạt động theo hướng kinh tế tuần hoàn, theo ông cần DN cần phải triển khai luật mới này như thế nào để kinh tế tuần hoàn thực sự đi vào cuộc sống DN?
Luật bảo vệ môi trường (Sửa đổi) mới đã chính thức có hiệu lực từ 01/01/2022, tạo nền tảng nhất định để phát triển kinh tế tuần hoàn, trong đó có đề cập rõ về vai trò của nhà sản xuất, cách thức DN sẽ phải đóng thuế về môi trường và xử lý chất thải cho các sản phẩm của DN. Triển khai luật mới này như thế nào đang là vấn đề quan tâm của các DN, đặc biệt là những DN sản xuất, sử dụng nhiều bao bì về nhựa, rác thải. Hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang sốt sắng để hướng dẫn DN triển khai luật mới này. DN cũng băn khoăn làm thế nào để triển khai kinh tế tuần hoàn một cách thuận lợi hơn.
Những điểm đã nêu trong luật rất đúng với xu thế của thế giới nhưng để DN thực hiện triển khai hiệu quả thì luật cần cụ thể hóa hơn nữa vì khi triển khai kinh tế tuần hoàn liên quan đến khoa học công nghệ, liên quan đến đầu tư, mô hình kinh doanh, v.v. Do đó, cần đưa ra những hướng dẫn và yêu cầu chuyên biệt trong việc thực hiện kinh tế tuần hoàn trong từng ngành như nông nghiệp công nghiệp…. Thêm vào đó, chúng ta cần phải có một khuôn khổ pháp lý rõ ràng hơn nữa, cụ thể hơn nữa, tổng thể và toàn diện hơn nữa để hỗ trợ tốt hơn cộng đồng DN triển khai tốt hơn.
Trong vòng 7 năm (từ năm 2016), Hội đồng Phát triển Bền Vững (VBCSD) đã phối hợp với các cơ quan bộ, ngành, các tổ chức trong nước và quốc tế tiến hành triển khai một số dự án về kinh tế tuần hoàn như: Sáng kiến Không xả thải ra thiên nhiên (Zero Waste to Nature); Thị trường nguyên vật liệu thứ cấp tại Việt Nam. Kinh tế tuần hoàn trở thành một trong những chủ đề rất quan trọng của VBCSD và đặc biệt đã được đưa vào văn kiện đại hội Đảng lần thứ 13 để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
Tuy nhiên, như vậy vẫn chưa đủ, nguyên lý về kinh tế tuần hoàn tiếp tục phải được các doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp thẩm thấu và áp dụng vào mô hình kinh doanh của họ. Qua đó, mang lại nhiều lợi ích cho kinh tế. Cần nhiều sự sáng tạo của các doanh nghiệp. Kinh tế tuần hoàn cần được lan toả. Việt Nam trong thời gian tới cũng cần có luật về kinh tế tuần hoàn. Trong thời gian tới, VCCI sẽ hợp tác với Bộ Tài nguyên Môi trường, là cầu nối giữa DN và các cơ quan liên quan để làm như thế nào có nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn sáng tạo hơn nữa.
Để triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn cũng như các hoạt động phát triển bền vững đòi hỏi phải có nguồn lực tài chính tương đối lớn, tuy nhiên đây lại là một vấn đề đối với phần lớn DN SMEs Việt Nam, ông có thể chia sẻ cách thức để DN có thể tiếp cận nguồn hỗ trợ triển khai mô hình này?
Bất cứ mô hình kinh tế tuần hoàn nào cũng đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn. Tuy nhiên, DN cần hiểu rằng mình đầu tư kinh tế tuần hoàn giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh và nên coi đó là nguồn đầu tư lâu dài của DN, chứ không phải là chi phí.
Để triển khai kinh tế tuần hoàn, DN rất cần sự đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ. Các DN Việt Nam, đặc biệt là DN vừa và nhỏ, yếu về công nghệ, kiến thức, nguồn lực tài chính rất cần sự hỗ trợ cụ thể từ phía Chính phủ. Chính vì vậy, một trong những kiến nghị của VBCSD là cần phải luật hóa về kinh tế tuần hoàn. Chúng ta cũng cần học hỏi kinh nghiệm về các thức triển khai, hỗ trợ DN... từ những nước đi trước như Thụy Điển, Phần Lan, Anh Quốc, từ đó có thể áp dụng ở Việt Nam.
Ở các nước, nhiều DN phát triển bền vững đã thực hiện thường xuyên báo cáo phát triển bền vững. Việt Nam cũng đã dần quen thuộc với khái niệm này. Là người tâm huyết theo đuổi mô hình phát triển bền vững, ông có thể cho biết sự cần thiết triển khai báo cáo phát triển bền vững với hoạt động của DN cũng như cách thức giúp DN có thể triển khai báo cáo này, thưa ông?
Báo cáo phát triển bền vững nhằm lượng hóa những hoạt động của DN về mặt xã hội, kinh tế, môi trường và đo lường những nguồn vốn cơ bản mà DN đang sử dụng: Tài chính, xã hội, tự nhiên. Đây là thông lệ tốt mà VBCSD hỗ trợ và vận động DN để thực hiện báo cáo này. Dù việc triển khai báo cáo này chưa phải là yếu tố bắt buộc của luật nhưng quan điểm của một số DN Việt Nam và các tập đoàn đa quốc gia là luôn luôn phải làm tốt hơn luật bởi đây ưu điểm của báo cáo phát triển bền vững là một công cụ để giao tiếp giữa cổ đông bên trong, giữa công ty và các cổ đông bên ngoài, báo cáo với Chính phủ và khách hàng đã triển khai, quản trị, cung cấp thông tin như thế nào trong quá trình hoạt động. Đồng thời, báo cáo phát triển bền vững cũng là một trong những công cụ quản lý rủi ro ý nghĩa của DN trước những thông tin bất lợi, không chính xác về DN.
Các DN trên thế giới đã quen thuộc với việc triển khai báo cáo phát triển bền vững. Tại Việt Nam, Vinamilk, Bảo Việt là những DN đi đầu trong hoạt động này. Trong đó Bảo Việt từng đạt giải nhất báo cáo phát triển bền vững ở cuộc thi Châu Á CSR Work mà VBCSD/VCCI cũng là một thành viên ban tổ chức.
VBCSD trong 10 năm vừa qua cũng đã liên kết với 69 hội đồng phát triển bền vững trên thế giới liên tục trao đổi, giao lưu học hỏi kinh nghiệm hoạt động phát triển bền vững để truyền thông, hướng dẫn, chia sẻ cách thức triển khai báo cáo với DN Việt Nam.
Bộ chỉ số Doanh nghiệp Bền vững (CSI) do VBCSD/VCCI triển khai từ năm 2015 đã nhận được sự đánh giá cao từ Chính phủ, Bộ ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế. Đây là Bộ Chỉ số doanh nghiệp bền vững đầu tiên tại Việt Nam được thiết kế dành riêng cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, sử dụng tiếng Việt và phù hợp với mọi loại hình, quy mô doanh nghiệp. Năm 2016, Chính phủ giao cho VBCSD/VCCI tổ chức Chương trình đánh giá, công bố doanh nghiệp bền vững Việt Nam lần đầu tiên và lấy CSI làm bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng doanh nghiệp. Kể từ đó đến nay, Bộ chỉ số CSI đã được cập nhật, bổ sung để phù hợp hơn với nhiều doanh nghiệp có quy mô khác nhau. Một lần nữa, chúng tôi muốn nhấn mạnh và truyền tải đi thông điệp phát triển bền vững không phải là chuyện xa vời, to lớn chỉ dành cho các doanh nghiệp lớn, mà rất thiết thực và có thể hữu hình hóa thông qua việc thực hiện tốt các quy định pháp luật. Phát triển bền vững hoàn toàn có thể được thực hiện ở tất cả các cấp độ doanh nghiệp. Trong thời gian tới, VBCSD sẽ cố gắng hết sức để hỗ trợ DN Việt Nam triển khai, nhân rộng hoạt động này.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Vietnam Business Forum