Diễn đàn OCOP vùng ĐBSCL - Đồng Tháp 2022: Mở ra cơ hội lớn cho các sản phẩm vùng miền

08:10:42 | 5/5/2022

Ngày 3-5, Diễn đàn kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP vùng Đồng bằng sông Cửu Long khép lại, đồng thời mở ra nhiều cơ hội cho hơn 200 doanh nghiệp với 34 biên bản thương mại được ký kết, 1.270 sản phẩm được kết nối tiêu thụ.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” - (Chương trình OCOP) đã đạt được những thành công bước đầu và thể hiện sức lan tỏa trong cộng đồng. Nhiều tỉnh, thành phố trong vùng đã phê duyệt Đề án OCOP giai đoạn 2018 - 2020 cấp tỉnh, đồng thời xác định những sản phẩm thế mạnh, đặc thù. Nhiều sản phẩm chất lượng đã được sản xuất, tiêu thụ tốt trên thị trường cả trong nước và xuất khẩu...

Điểm nhấn chính tại diễn đàn lần này chính là các không gian triển lãm sản phẩm OCOP của 32 tỉnh, thành với 350 gian hàng. Hiện toàn vùng ĐBSCL có 1.276 sản phẩm đã được công nhận từ 3 sao trở lên, chiếm 17,1% tổng số sản phẩm của cả nước. Trong đó, 66,8% sản phẩm đạt 3 sao, 30,6% sản phẩm đạt 4 sao, 2,4% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 3 sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP cấp Quốc gia; có 643 chủ thể OCOP với 32,8% là doanh nghiệp, 17,2% là hợp tác xã và 48,4% là các cơ sở sản xuất, kinh doanh...

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan dự buổi tổng kết công tác tổ chức của diễn đàn và dành nhiều thời gian trao đổi với các chủ thể OCOP tham dự sự kiện lần này. "Rồi sao nữa?" là điều mà bộ trưởng muốn các chủ thể OCOP, nhất là chủ thể vừa đoạt giải tại diễn đàn phải suy ngẫm, không tự bằng lòng, để từ đó có thêm các ý tưởng mới cho sản phẩm của mình. Vì OCOP là tài nguyên bản địa kết hợp với văn hóa, lịch sử địa phương, cùng với sự đổi mới sáng tạo, kết hợp với công nghệ, cách thức bán hàng.

Ông Huỳnh Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, Trưởng Ban Tổ chức diễn đàn cho biết thêm: diễn đàn là chuỗi sự kiện nhằm tăng cường tính hợp tác và liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL với các địa phương trên cả nước, làm cơ sở để đẩy mạnh và phát huy tiềm năng về sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL. Qua diễn đàn lần này, các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội gặp gỡ, giao thương, liên kết, hợp tác kinh doanh, đầu tư, quảng bá thương hiệu, sản phẩm của mình đến người tiêu dùng trong và ngoài khu vực ĐBSCL...

Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định: “Sản phẩm OCOP đã từng bước khai thác và phát huy những giá trị đặc sản, văn hóa và giá trị truyền thống của địa phương. Mỗi sản phẩm OCOP đã mang trên mình vai trò như một “đại sứ” của từng vùng, miền và chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang nhiều tính nhân văn, trong đó có những sản phẩm từ sen - thể hiện giá trị sâu lắng về văn hóa, con người xứ sở Sen hồng Đồng Tháp”.

Qua Diễn đàn, các địa phương vùng ĐBSCL đã có hướng tiếp cận phù hợp khi tập trung, ưu tiên phát triển sản phẩm truyền thống, sản phẩm đặc trưng, gần với lợi thế của các vùng nguyên liệu tập trung như: trái cây, thủy sản, lúa gạo để phát triển các sản phẩm đặc sắc, mang sắc thái vùng…

Trong khuôn khổ diễn đàn còn có các hội thi, hội thảo, hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP. Đặc biệt, hội nghị xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long với các nhà phân phối trong và ngoài nước, ký kết 34 biên bản thỏa thuận về hợp tác thương mại. Hội thi sản phẩm OCOP tiêu biểu vùng đã chọn ra 23/51 sản phẩm OCOP 4 sao của 12 tỉnh, thành phố. Hội thi Món ngon từ xoài giới thiệu 24 món ăn từ 8 đội thi là các cơ sở kinh doanh ăn uống, dịch vụ nhà hàng, các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Trong đó 16 món lấy xoài làm nguyên liệu chính, giúp tăng thêm sự phong phú của ẩm thực trong vùng. 

Đây là hoạt động cuối cùng trong chuỗi các sự kiện nhằm tôn vinh giá trị văn hóa ẩm thực địa phương, làm phong phú sản phẩm du lịch và giới thiệu, quảng bá thương hiệu Xoài Cao Lãnh - một trong năm ngành hàng chủ lực của tỉnh Đồng Tháp.

Sau sự kiện thường niên Diễn đàn OCOP vùng ĐBSCL - tỉnh Đồng Tháp 2022, tỉnh Cà Mau là đơn vị đăng cai tổ chức diễn đàn năm 2023.

Minh Ngọc (Vietnam Business Forum)