14:41:50 | 31/5/2022
Tỉnh Vĩnh Long đang vào cuộc mạnh mẽ và thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh, đồng thời có nhiều nỗ lực đổi mới trong công tác xúc tiến, thu hút nhằm tạo xung lực mới cho việc thu hút nguồn lực đầu tư phát triển. Đó là chia sẻ của ông Võ Quốc Thanh - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Long.
Ông có đánh giá thế nào về kết quả thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp của tỉnh những năm qua, xin nhấn mạnh đến mặt “tích cực ” và “hạn chế” nổi bật?
Công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh Vĩnh Long đang ngày càng đổi mới theo hướng chủ động, tích cực và chuyên nghiệp. Trong giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh đã tiếp xúc và làm việc với 276 lượt nhà đầu tư; qua đó, đã cấp giấy chứng nhận chủ trương, đăng ký đầu tư 137 dự án với tổng số vốn 11.512 tỷ đồng và 503,5 triệu USD (44 dự án FDI). Tỉnh cũng đẩy mạnh giới thiệu danh mục dự án mời gọi đầu tư và đã thu hút 24 dự án trong 5 năm 2015-2020 với tổng vốn 19.865 tỷ đồng; hiện có 06 dự án đã đi vào hoạt động với tổng vốn 2.593 tỷ đồng và đang thực hiện các thủ tục có liên quan 12 dự án với tổng vốn đầu tư 13.530 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long vào tháng 4/2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị tỉnh cần tập trung thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Trung ương về phục hồi, phát triển sau đại dịch Covid-19
Về phát triển doanh nghiệp, tính đến cuối năm 2021, Vĩnh Long có 3.335 đang hoạt động với vốn đầu tư 39.053 tỷ đồng; 1.140 chi nhánh, văn phòng đại diện và 1.074 địa điểm kinh doanh của các doanh nghiệp, tạo 40.020 việc làm.
Về tổng thể, bên cạnh kết quả đạt được trên, việc thu hút đầu tư vào Vĩnh Long còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng; số dự án FDI chưa nhiều, chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư có uy tín, kinh nghiệm với dự án lớn và tính lan tỏa cao. Các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, thủy sản số lượng ít và quy mô vốn khiêm tốn nên chưa thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Nguyên nhân của tình trạng này do hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật của tỉnh còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là hạ tầng kỹ thuật đô thị, giao thông và hạ tầng kỹ thuật khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, công tác quản lý quy hoạch còn bất cập, thiếu đồng bộ và tính dự báo chưa cao. Trong khi tiến độ giải phóng mặt bằng, đầu tư các cụm, tuyến công nghiệp còn bị kéo dài nhưng việc kiểm tra, theo dõi tình hình triển khai thực hiện các dự án đầu tư chưa sát sao… Những hạn chế này đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp.
Để khắc phục hạn chế trên, tỉnh đang thực hiện những giải pháp nào trong giai đoạn 2021-2025, thưa ông?
Để khắc phục các hạn chế trong công tác thu hút đầu tư, các cấp, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh đang tập trung thực hiện tốt những nội dung, giải pháp:
(1) Tăng cường trách nhiệm, tính chủ động của các sở, ban, ngành và đơn vị được phân công chủ trì cải thiện chỉ số PCI và từng chỉ số thành phần.
(2) Đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.
(3) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong giải quyết khó khăn, hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp.
(4)Đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
(5) Tăng cường kiểm tra để thực hiện ngày càng tốt hơn tính minh bạch, giảm chi phí không chính thức, tạo cạnh tranh bình đẳng cho doanh nghiệp.
(6). Tăng cường gặp gỡ, đối thoại, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
Ngày 10/12/2021, Tỉnh ủy Vĩnh Long ban hành Chương trình số 11-CTr/TU thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI về thu hút vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021 - 2025, đề ra mục tiêu: Huy động vốn đầu tư thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 đạt 83.000 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư ngoài Nhà nước là 48.900 tỷ đồng... Để thực hiện thành công mục tiêu trên, Sở đang tham mưu, thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp nào?
Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 247/QĐ-UBND, ngày 11/02/2022 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình số 11-CTr/TU ngày 10/12/2021 của Tỉnh ủy, đồng thời đang tiếp tục tham mưu, thực hiện các nhiệm vụ giải pháp như:
(1) Triển khai lập Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, đáp ứng các quy định về thời gian, trình tự, thủ tục lập, thẩm định và trình phê duyệt theo quy định.
(2) Phối hợp nghiên cứu, rà soát các văn bản Trung ương để cập nhật, thay đổi hoặc bổ sung các chính sách thu hút và định hướng đầu tư trên từng lĩnh vực; tham mưu UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung các quy định về trình tự thủ tục đầu tư từ khâu chuẩn bị đầu tư đến thực hiện đầu tư…
(3) Xây dựng các tiêu chí về đầu tư để lựa chọn thu hút đầu tư phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển của từng ngành, lĩnh vực của địa phương. Tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…
Ông Lữ Quang Ngời - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long tiếp, làm việc với lãnh đạo Tập đoàn De Heus vào ngày 11/5/2022
(4) Tham mưu UBND tỉnh các giải pháp nhằm đa dạng hóa và phát huy có hiệu quả mô hình hợp tác công - tư (PPP) vào đầu tư cơ sở hạ tầng; quản lý chặt chẽ đầu tư, đặc biệt là đầu tư thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, hình thức mua lại và sáp nhập (M&A) đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
(5) Rà soát, nghiên cứu, góp ý Trung ương hoàn thiện thể chế, chính sách cho khu, cụm công nghiệp, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các mô hình tương tự khác theo hướng xác định rõ trọng tâm phát triển và cơ chế, chính sách vượt trội phù hợp với đặc thù.
Theo Quyết định số 1267/QĐ-UBND ngày 28/5/2021 của UBND tỉnh, Vĩnh Long đề ra mục tiêu giai đoạn 2021-2025 có thêm 400 doanh nghiệp thành lập mới/năm. |
(6) Kiểm soát hiện tượng “đầu tư chui”, “núp bóng”; khắc phục tình trạng “vốn mỏng”; quản lý chặt chẽ đầu tư nước ngoài, đặc biệt là đầu tư thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần.
(7) Tham mưu UBND tỉnh ưu tiên bố trí vốn để xây dựng cơ sở dữ liệu về đất thực hiện cơ chế tạo quỹ đất; nâng cao chất lượng thẩm định các dự án đầu tư khu dân cư, khu đô thị từ nguồn vốn ngoài ngân sách; yêu cầu nhà đầu tư ưu tiên dành quỹ đất đã đầu tư cơ sở hạ tầng theo dự án để phục vụ cho công tác tái định cư...
(8) Cân đối, ưu tiên bố trí vốn đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật; triển khai các giải pháp để nâng cao tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước....
(9) Tiếp tục xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và bình đẳng, tích cực thực hiện các giải pháp cải thiện mạnh mẽ Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), triển khai hiệu quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI); duy trì đối thoại thường xuyên giữa lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương với các nhà đầu tư để xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc của các dự án.
(10) Xây dựng danh mục các dự án trọng điểm mời gọi đầu tư giai đoạn 2021 - 2025. Tổ chức các đoàn xúc tiến đầu tư tại tỉnh và nước ngoài, tăng cường kết nối hợp tác xúc tiến, thu hút đầu tư với các cơ quan ngoại giao của các thành viên EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan...
Đánh giá của ông về Chỉ số thành phần Gia nhập thị trường của tỉnh thời gian qua. Hiện Sở đang thực hiện các giải pháp, hoạt động nào nhằm cải thiện điểm số, thứ hạng của chỉ số trên mạnh mẽ hơn trong thời gian tới?
Năm 2021, theo kết quả công bố PCI của VCCI, tỉnh Vĩnh Long xếp hạng 23/63 tỉnh, thành phố với 65,43 điểm và thuộc nhóm Khá.
Kết quả điểm số và thứ hạng của chỉ số Gia nhập thị trường thay đổi qua các năm, cụ thể như sau: Năm 2017 đạt 8,47 điểm, xếp hạng 6; năm 2018 đạt 6,91 điểm, xếp hạng 51; năm 2019 đạt 7,91 điểm, xếp hạng 12; năm 2020 đạt 8,10 điểm, xếp hạng 23; năm 2021 đạt 7,57 điểm, xếp hạng 6 (tăng 17 bậc so với năm 2020). So sánh kết quả từ năm 2019 đến năm 2021 cho thấy tỉnh đã có nhiều nỗ lực để nâng cao chỉ số này nhưng năm 2021, chỉ số gia nhập thị trường giảm điểm số, tuy vậy tăng về thứ hạng. Tỉnh Vĩnh Long cần nỗ lực hơn nữa trong hành trình cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh.
Sau thời gian “chững lại” do tác động của đại dịch Covid-19, Vĩnh Long đang đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư thông qua việc ban hành, thực hiện Chương trình Xúc tiến đầu tư năm 2022 (theo Quyết định số 3331/QĐ-UBND ngày 02/12/2021). Theo Chương trình Xúc tiến đầu tư năm 2022, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ; các hoạt động xúc tiến đầu tư chú trọng đảm bảo tính liên kết vùng, hình thành chuỗi cung ứng sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ trong vùng; tập trung vào trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, xúc tiến đầu tư các đối tác chiến lược, địa bàn trọng điểm, dự án có giá trị gia tăng lớn, thân thiện với môi trường và có tính lan tỏa lớn để thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, nhà đầu tư có tiềm năng và năng lực thực hiện. Thông qua Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2022, tỉnh Vĩnh Long xây dựng mục tiêu khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh nhằm nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế, góp phần tạo công ăn việc làm, phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy xuất nhập khẩu và liên kết phát triển các ngành công nghiệp sạch và xanh, đảm bảo an sinh xã hội… |
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Sở đã chỉ đạo Phòng Đăng ký kinh doanh tiếp tục cải thiện phương pháp làm việc, rút ngắn thời gian đăng ký doanh nghiệp, điều chỉnh đăng ký kinh doanh; hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện nhanh các thủ tục đăng ký mẫu dấu, bố cáo thành lập doanh nghiệp. Tăng cường công khai, minh bạch các thủ tục hành chính có liên quan đến đăng ký doanh nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng; nâng cao trình độ, tinh thần thái độ của cán bộ một cửa.
Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương rà soát, đề xuất điều chỉnh hoặc bãi bỏ các giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, hồ sơ, tài liệu không cần thiết theo tinh thần của Nghị quyết số 02 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Thực hiện cơ chế phối hợp liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Thực hiện tốt quy chế liên thông trong đăng ký thành lập doanh nghiệp; về quản lý lao động; đăng ký chữ ký số cho các doanh nghiệp; phối hợp quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Vietnam Business Forum
26 - 29/3/2025
Khu 2 Trung tâm Triển lãm Nangang thành phố Đài Bắc