Bún Ba Khánh: Đổi mới để bắt nhịp cuộc sống

11:02:02 | 31/5/2022

Bắt nhịp những đổi thay cuộc sống, nghề làm bún truyền thống tại cơ sở Ba Khánh cũng dần chuyển từ làm thủ công nhỏ lẻ sang máy móc hiện đại. Bằng tâm huyết, sáng tạo và không ngừng đầu tư đổi mới công nghệ, bún Ba Khánh đã cho ra đời các dòng sản phẩm đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như tạo dựng thương hiệu có chỗ đứng trên thị trường, nhờ đó người tiêu dùng ngày càng tin, chuộng loại thực phẩm này.

Một nghề cho chín...

Làm bún là nghề của cha mẹ ông Ba Khánh truyền lại cho vợ chồng bà, nên dù trong thời điểm khó khăn nhất cũng quyết giữ nghề - Bà Lưu Kim Phụng, chủ cơ sở bún Ba Khánh chia sẻ: Năm 1986, sau gần 10 năm gắn bó trong quân ngũ, do điều kiện khó khăn, ông bà xin trở về phụ cha mẹ gánh vác, phát triển kinh tế gia đình. Để mưu sinh, ông bà quyết định tiếp nối nghề làm bún truyền thống gia đình với suy nghĩ đơn giản “ngày nào nổi lửa, ngày đó no bụng”.

Hồi đó, làm bún chủ yếu thủ công, dựa vào sức người, mỗi ngày chỉ 300 - 400kg, theo “đơn đặt hàng” của mối quen hoặc tiêu thụ nhỏ lẻ. Với nhiệt huyết, mong muốn đi lên từ nghề, ông bà Khánh - Phụng đã qua thành phố Cần Thơ hùn vốn, chung sức mở lò làm bún. Do thiếu kinh nghiệm quản lý, sản xuất,... sau mấy lần mở ra thất bại, ông bà lại trở về quê nhà Trà Ôn làm chung với cha mẹ.

Giá trị của thất bại là kinh nghiệm đúc rút cho tương lai nên ông bà không nản lòng, chùn bước. Được cha mẹ động viên, năm 1994, một lần nữa ông bà mua đất, mở xưởng tại khu vực cầu Cái Cam, TP.Vĩnh Long, đặt nền móng cho cơ sở bún Ba Khánh ngày nay. Quy mô ban đầu còn khiêm tốn, sản phẩm chủ yếu tiêu thụ tại chợ trung tâm TP.Vĩnh Long. Nhưng đúng “an cư” thì “lạc nghiệp”, từ đây, ông bà bắt đầu dồn sức xây dựng bước đi vững chắc cho nghề, định hình thương hiệu Ba Khánh. Bún Ba Khánh đã không ngừng cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, giảm thiểu sức người, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm như: sử dụng thùng nhồi, ép bột, chuyển bún từ bọc lá chuối sang bọc ni lông... Bằng sự tận tâm với nghề, sáng tạo theo xu hướng thị trường, cơ sở luôn tìm tòi, cho ra đời sản phẩm sạch, tốt đến người dùng. Cụ thể như việc thay đổi thói quen “bún bọc lá chuối” tưởng đơn giản nhưng cũng là một hành trình lâu dài.

Tâm sức dồn vào công việc lớn hơn, kinh nghiệm tích luỹ nhiều hơn thì việc kinh doanh cũng hiệu quả hơn. Đặc biệt từ năm 2010 - 2013, khi các phương tiện thông tin phản ánh việc một số cơ sở dùng chất Tinopal làm trắng bún, người tiêu dùng sau một thời gian “quay lưng” đã trở lại dùng sản phẩm bún có màu trắng đục (không dùng hoá chất) trong đó có bún Ba Khánh. Cũng từ đây, các bà, chị nội trợ ngày càng biết nhiều hơn đến bún Ba Khánh, nhất là từ sau năm 2015, bún Ba Khánh dần xuất hiện tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi.

Bà Lưu Kim Phụng cho biết: Với việc lựa chọn nguyên liệu kỹ lưỡng, sản xuất trên dây chuyền khép kín, bún Ba Khánh không chỉ đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn mà còn có bao bì đẹp, mã số mã vạch, đủ thông tin xuất xứ nên được thị trường chấp nhận. Đó là thành quả lớn lao khi sự tận tâm, trách nhiệm đã lan toả và khách hàng thêm tin yêu dòng thực phẩm với thương hiệu Ba Khánh.

Không ngừng đầu tư, đổi mới

Từ một nghề truyền thống, để có được thành công này trước hết cơ sở đã mạnh dạn đầu tư xưởng sản xuất bún khang trang, hiện đại. Nếu trước đây, người tiêu dùng thường lo ngại về vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở làm bún thì với cơ sở Ba Khánh là một sự an tâm tuyệt đối.

Không ngừng tìm tòi cải tiến máy móc, kỹ thuật, hàng năm, cơ sở Ba Khánh cũng tích cực đầu tư dây chuyền công nghệ, bình quân lên đến hàng tỷ đồng. Hiện cơ sở có 6 máy sản xuất bún, bánh phở với mức đầu tư 350 triệu đồng/máy, công suất 300 kg/giờ. Cơ sở đã chuyển đổi một số máy sản xuất bún sang công nghệ mới không qua rửa nước. Với hệ thống máy mới, bún thành phẩm thanh trùng được vi sinh, nấm mốc, thời gian bảo quản 36 - 48 tiếng (làm bằng máy cũ chỉ 24 tiếng); cọng bún lại dai, ngon, xốp hơn và lượng nước thải ra môi trường giảm 80% so với sản xuất bún truyền thống. Đặc biệt từ năm 2017, bún Ba Khánh đã áp dụng hệ thống quản lý ISO 22000:2005 và hoàn thiện nâng cấp lên ISO 22000:2018 từ năm 2019 nên năng suất cũng nâng cao hơn, sản lượng ổn định hơn. Hiện Ba Khánh xuất xưởng 12-13 tấn bún các loại/ngày.

Không chỉ quan tâm đến chất lượng sản phẩm, bún Ba Khánh còn chú trọng bao bì, nhãn mác mới. Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các sở, ban, ngành tỉnh, cơ sở cũng đã bố trí nhân sự chuyên trách marketing, nghiên cứu và phát triển sản phẩm với ngân sách đầu tư cho hoạt động này chiếm 5% doanh thu. Nhờ có trang bị, dây chuyền đóng gói hiện đại, đưa sản phẩm vào các kênh siêu thị đã giúp Ba Khánh gia tăng mức độ nhận diện thương hiệu cả về chiều rộng lẫn chiều sâu và tiếp cận thị trường rộng hơn.

Từ sự nỗ lực không ngừng nghỉ, bún Ba Khánh đã có mặt trong danh sách đề cử 20 thương hiệu mạnh doanh nghiệp Vĩnh Long 2019 - 2020, đạt chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao - Chuẩn hội nhập và đạt nhiều danh hiệu, giải thưởng của các cơ quan Trung ương và địa phương. Cùng với mạng lưới chuỗi siêu thị Co.op Mart, VinMart,… bún Ba Khánh đã từng bước chinh phục thị trường Đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam bộ, TP.Hồ Chí Minh và khu vực miền Trung,... trở thành niềm tự hào của tỉnh Vĩnh Long.

Bà Lưu Kim Phụng cho biết thêm: Thời gian tới, cơ sở Ba Khánh tiếp tục nỗ lực hơn để cho ra đời các sản phẩm sạch, ngon, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, tiện lợi và thân thiện với môi trường; qua đó không chỉ khẳng định tại thị trường trong nước mà còn hướng tới việc xuất khẩu trong tương lai.

Nguồn: Vietnam Business Forum