VCCI và sáu định hướng triển khai trong 2022

09:17:05 | 1/8/2022

Trong 6 tháng đầu năm 2022, mặc dù có rất nhiều khó khăn nhưng VCCI đã hoàn thành được một khối lượng công việc lớn.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công khẳng định tại Hội nghị Ban Chấp hành VCCI khoá VII, lần thứ 4, chiều 30/7.


Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công. Ảnh: Quốc Tuấn

Đặc biệt, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đánh giá VCCI đã có nhiều đổi mới từ nội dung đến phương thức hoạt động. Về nội dung có những hoạt động hoàn toàn mới, như kết nối các địa phương, cách thức tổ chức bình xét danh hiệu Doanh nhân tiêu biểu đã có những đổi mới rất cơ bản mang tính đột phá để trở thành một giải thưởng có quy trình chặt chẽ nhất, khách quan nhất, dân chủ nhất, minh bạch nhất.

Đối với phưog thức hoạt động, trong nội bộ hệ thống cơ quan VCCI cũng có rất nhiều đổi mới. Từ cách thức chia sẻ thông tin, đến phối hợp công tác giữa các đơn vị có sự chặt chẽ, sinh hoạt dân chủ, tập thể Ban Thường trực đoàn kết gắn bó, các ban, đơn vị tương trợ nhau.

“Đây là những lý do đã giúp chúng ta hoàn thành được một khối lượng công việc lớn trong 6 tháng đầu năm 2022. Kết quả này cũng là thành tựu, nỗ lực chung của tập thể Ban Chấp hành, trong đó có sự đóng góp hết sức quan trọng của từng ủy viên Ban Chấp hành”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nói.

Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đánh giá 6 tháng cuối năm 2022 vẫn còn nhiều thách thức với cộng đồng doanh nghiệp, quốc gia và Ban Chấp hành. Đó là, lạm phát cao, nguy cơ suy thoái toàn cầu, ảnh hưởng từ cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine. Tất cả những thách thức đó sẽ đe doạ đến sự tăng trưởng, phục hồi kinh tế của Việt Nam. Đây là nguy cơ rất rõ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng đang theo dõi chặt chẽ để có những giải pháp tình thế và biện pháp chiến lược.

“Với bối cảnh như vậy, VCCI cần phải đoàn kết hơn, gắn bó hơn, nỗ lực hơn. Tôi mong rằng sẽ nhận được sự quan tâm, vào cuộc đóng góp mạnh mẽ hơn của tất cả ủy viên Ban Chấp hành. Chúng ta phải là một tập thể đoàn kết với 94 con người sẽ như một để thực hiện được các chương trình nội dung công việc, đồng thời vượt qua thách thức”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công bày tỏ.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đánh giá, VCCI đã có nhiều đổi mới từ nội dung đến phương thức hoạt động. Ảnh: Quốc Tuấn

Do đó, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đề nghị từng ủy viên Ban Chấp hành phải nỗ lực nhiều hơn nữa, để không chỉ hoàn thành kế hoạch công tác trong 6 tháng cuối năm, mà còn phải luôn thực hiện được các nhiệm vụ đột xuất, đáp ứng được yêu cầu hỗ trợ của các doanh nghiệp hội viên cũng như các hiệp hội doanh nghiệp khác.

“Chúng ta phải xác định, VCCI phải là chỗ dựa cho các doanh nghiệp trong nước. Vì chỉ khi các hiệp hội doanh nghiệp đi cùng thì VCCI mới trở nên mạnh mẽ”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công khẳng định.

Từ các yêu cầu trên, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công lưu ý một số vấn đề trọng tâm.

Thứ nhất, đề án tổng kết Nghị quyết 09 đây là vấn đề chiến lược, tầm nhìn cho 10, 20 hoặc 30 năm tới của VCCI. Vì khi Nghị quyết của Bộ Chính trị đã ban hành thì trong 10 năm sẽ không sửa đổi.

VCCI tham mưu để Bộ Chính trị ban hành định hướng về việc xây dựng định vị cộng đồng doanh nghiệp sẽ như thế nào? Hình thành ra sao? Hỗ trợ cái gì? Tạo điều kiện phát triển đến đâu?

Đây là vấn đề chiến lược cho 10, 20 hay 30 năm tới. Như vậy, VCCI phải tập trung trí tuệ, nguồn lực làm cho tốt. Vấn đề này, Đảng, đoàn VCCI chịu trách nhiệm.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đề nghị khi có việc cần thì các ủy viên Ban Chấp hành hỗ trợ. Thời gian tới, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh sẽ trực tiếp đi khảo sát một số địa phương.

“Như vậy, địa phương nào liên quan thì chúng tôi sẽ báo cáo và đề nghị các ủy viên Ban Chấp hành”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nói.


Đối với phưog thức hoạt động, trong nội bộ hệ thống cơ quan VCCI cũng có rất nhiều đổi mới. Từ cách thức chia sẻ thông tin, đến phối hợp công tác giữa các đơn vị có sự chặt chẽ, sinh hoạt dân chủ, tập thể Ban Thường trực đoàn kết gắn bó, các ban, đơn vị tương trợ nhau. Ảnh: Quốc Tuấn

Bên cạnh đó, sẽ tổ chức hai cuộc toạ đàm chuyên đề và cũng sẽ mời các thành viên Ban Chấp hành đến dự. Đặc biệt, sẽ có một hội thảo quốc gia bàn chuyên sâu về nội dung xây dựng và phát huy đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, tức là giai đoạn từ 10 đến 30 năm tới cho đến khi Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển. Định vị như thế nào? Hỗ trợ ra sao để doanh nhân, doanh nghiệp thực hiện sứ mệnh đó.

Sẽ có một hội thảo quốc gia lớn trước khi trình Bộ Chính trị. Từ hội thảo này sẽ lấy ý kiến các đại biểu tham dự để bổ sung, hoàn thiện dự thảo trình Bộ Chính trị, sau đó gửi lên Văn phòng Trung ương, Văn phòng Trung ương lấy ý kiến  các cơ quan trung ương, cuối cùng báo cáo lên Bộ Chính trị quyết định.

“Đây là vấn đề chiến lược rất lớn, không chỉ cho 6 tháng cuối năm 2022 mà cho toàn nhiệm kỳ và một giai đoạn dài của VCCI”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh.

Thứ hai, chúng ta sẽ phải phát huy tốt hơn nữa vai trò hiệu quả doanh nghiệp, tạo kết nối và hỗ trợ các hiệp hội doanh nghiệp. Vấn đề này đã giao cho Ban Hội viên và Đào tạo thiết kế chương trình, sắp tới sẽ có chương trình tập huấn cho các hiệp hội doanh nghiệp trên toàn quốc.

Kết nối các hiệp hội doanh nghiệp lại với nhau để chia sẻ kinh nghiệm hoạt động để cùng nhau phối hợp tốt hơn.


Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đánh giá 6 tháng cuối năm 2022 vẫn còn nhiều thách thức với cộng đồng doanh nghiệp, quốc gia và Ban Chấp hành. Ảnh: Quốc Tuấn

Thứ ba, triển khai bình xét trao tặng danh hiệu Doanh nghiệp tiêu biểu, vấn đề này được sự quan tâm rất lớn của các doanh nhân, doanh nghiệp, hiệp hội của VCCI.

Vấn đề ở đây là phải “phân vai” giữa các hiệp hội và VCCI. Đây là danh hiệu cấp quốc gia, cho nên không thể làm tràn lan. Danh hiệu là để suy tôn những tinh hoa của giới doanh nhân Việt Nam.

Còn vai trò ghi nhận sự xuất sắc, tiêu biểu của các doanh nghiệp là do các hiệp hội doanh nghiệp các địa phương. Từ tinh hoa của các địa phương, các ngành sẽ chọn lọc và đề xuất lên để chọn ra tinh hoa của toàn quốc.

Thứ tư, đề án đổi mới nâng cao công tác hội viên. Hiện nay có hiện tượng hội viên đông nhưng không mạnh. Do đó, thời gian tới sẽ phải đổi mới công tác hội viên. Đề án này đã giao cho Ban Hội viên và Đào tạo nghiên cứu.


Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Quốc Tuấn

Đây là một sự thay đổi nền tảng cơ bản về cách vận hành và nền tảng hội viên của VCCI. VCCI sẽ có những hội viên mang tính chất cộng đồng, nhưng cũng sẽ có những nhóm tinh hoa, hội viên đặc biệt có cam kết cao với hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, sẵn sàng gánh vác những nhiệm vụ chung.

Thứ năm, đề án hợp tác xây dựng môi trường truyền thông, báo chí thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Vấn đề này sẽ hợp tác với Hội Nhà báo Việt Nam, Ban tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông.

Khi có đề án này thì sẽ có sự hợp tác chặt chẽ giữa khối doanh nghiệp và khối báo chí. Báo chí sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp, ủng hộ doanh nghiệp.

Cùng với Hội Nhà báo Việt Nam, chúng ta sẽ thúc đẩy cơ quan báo chí, các phóng viên viết hay, viết đúng. Và chính cách doanh nghiệp sẽ cho điểm đánh giá tờ báo, vinh danh trao thưởng cho phóng viên, cơ quan báo chí làm hay, làm đúng và cổ vũ cho doanh nghiệp phát triển.

Đây là cách đồng hành cùng nhau, khi có những nội dung vướng mắc về doanh nghiệp, VCCI sẽ đứng ra làm cầu nối để tháo gỡ giữa báo chí và doanh nghiệp.

Thứ sáu, hoạt động các nhóm công tác nếu làm tốt thì đây sẽ là một thế mạnh mới của VCCI. Trong 6 tháng cuối năm chúng ta phải thúc đẩy để có cơ chế triển khai, cơ chế vận hành thông qua quy chế khung, từ cơ chế khung này các nhóm sẽ xây dựng lên quy chế riêng phù hợp với mình.

Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp