14:25:41 | 3/8/2022
Sau những biến cố liên tiếp như chiến tranh thương mại, đại dịch, xung đột quân sự…, hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu đều nhận ra rằng không thể phụ thuộc vào một vài thị trường truyền thống. Giải pháp để mở rộng, đa dạng hóa thị trường hữu hiệu là xúc tiến thương mại qua Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài.
Nhiều tín hiệu vui từ các thị trường nước ngoài
7 tháng đầu năm 2022, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá tiếp tục đà tăng trưởng cao với kim ngạch đạt trên 435 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước (trong đó xuất khẩu tăng 16,8%) và tiếp tục duy trì xuất siêu, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Đại diện nhiều Thương vụ đưa ra nhận định chung, hiện hàng hoá Việt Nam có nhiều dư địa để xuất khẩu vào các thị trường, nhất là các sản phẩm nông sản, trái cây, thuỷ hải sản.
Trong 7 tháng qua, nhu cầu tiêu dùng nội địa của Trung Quốc giảm mạnh, nhiều nhà máy tạm dừng sản xuất do dịch Covid-19 bùng phát. Tuy vậy, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc vẫn ghi nhận những kết quả tích cực. Nhóm hàng nông, thủy sản xuất khẩu tăng cao, trong đó cá và động vật giáp xác đạt kim ngạch 844 triệu USD, tăng mạnh; trái cây và quả hạch đạt kim ngạch 910 triệu USD, tăng 53,4%; riêng thanh long đạt 377 triệu USD với khối lượng 415,6 nghìn tấn.
Đối với thị trường Australia, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trong 6 tháng đầu năm 2022 tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ, với kim ngạch hai chiều lần đầu tiên đạt hơn 8,01 tỷ USD, tăng 38,45% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam bao gồm cà phê, hàng thủy sản, sắt thép và sản phẩm từ sắt thép, linh kiện điện tử vẫn tăng trưởng ấn tượng. Đặc biệt, mặt hàng sắt thép tăng 548,63%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 136,6%; cà phê tăng hơn 106,78%; máy móc thiết bị và phụ tùng tăng hơn 91,47%... Trong khi đó, các mặt hàng rau, củ quả và gạo cũng tiếp tục tăng hai con số.
Thương vụ tại thị trường khu vực Bắc Âu (trừ Phần Lan) cho biết hoạt động XNK cũng ghi nhận những kết quả tích cực, tổng kim ngạch XNK đạt 1,6 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này đạt 1,1 tỷ USD tăng 25%.
Cụ thể, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Thụy Điển đạt 811 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Với thị trường Đan Mạch, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 382 triệu USD, tăng 24%. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Na Uy đạt 263 triệu USD, tăng 7% so với cùng kỳ.
Nhiều thị trường đã đưa ra các chính sách có lợi cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu, Thương vụ tại Ai Cập thông tin, phía bạn đã dần có các chính sách đơn giản hoá, minh bạch hoá các quy định nhập khẩu vào thị trường này. Ai Cập đã áp dụng thông quan điện tử từ 10/2021, theo đó hàng hoá phải được đăng ký trước 48 giờ trước khi xuất khẩu và hiện đã mở rộng áp dụng qua cả đường hàng không. Bên cạnh đó, Thương vụ tại San Francisco (Hoa Kỳ) cho biết năm 2022 và 2023 sẽ tổ chức chuỗi các sự kết nối, diễn đàn giữa bang Oregon, bang Colorado, khu vực bờ Tây của Hoa Kỳ với các địa phương, doanh nghiệp của Việt Nam.
“Cánh tay nối dài” của các DN xuất khẩu
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá, trong các thành tích xuất khẩu nổi bật có sự đóng góp quan trọng, tích cực của hoạt động ngoại thương, mà trực tiếp là hệ thống các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc kịp thời cung cấp thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ với các địa phương, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm và tận dụng tốt các thời cơ từ các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên để mở rộng, phát triển, đa dạng hóa thị trường và mặt hàng, đẩy mạnh xuất khẩu.
Đánh giá cao sự phối hợp của hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục XTTM (Bộ Công Thương) cho biết, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đã tích cực triển khai Chương trình cấp quốc gia về XTTM đúng kế hoạch, tổ chức Hội chợ Thương mại quốc tế Việt Nam Expo 2022; đoàn doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hội chợ, triển lãm lớn và uy tín tại nước ngoài…
Đặc biệt, ông Vũ Bá Phú cho biết đã có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời giữa hệ thống Thương vụ, Cục Xúc tiến thương mại với Cục Phòng vệ Thương mại và các đơn vị liên quan trong việc chủ động ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp) mà nước sở tại áp dụng đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam, từ đó đề xuất các biện pháp, chính sách phản ứng phù hợp, đồng thời thông tin lên các phương tiện truyền thông để khuyến cáo, định hướng, hướng dẫn cho doanh nghiệp.
Nhiều kết quả tích cực trong xúc tiến thương mại của hệ thống các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đã được ghi nhận. Trong đó phải kể tới vụ việc lấy lại quyền kiểm soát hơn 100 container điều bị lừa đảo tại Italy; hay việc Ủy ban châu Âu (EC) quyết định đưa ra lộ trình giảm kiểm soát chính thức và khẩn cấp với thanh long. Các loại bún, miến, phở không phải bổ sung giấy chứng nhận an toàn thực phẩm…
Để hỗ trợ xuất khẩu, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Sơn La bày tỏ mong muốn Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin với các tỉnh, thành phố về các sản phẩm nông sản (điều kiện nhập khẩu, thị hiếu tiêu dùng, đơn vị nhập khẩu uy tín…) và kết nối với các doanh nghiệp do người Việt Nam làm chủ tại các nước và các doanh nghiệp nhập khẩu nông sản nước ngoài…
Về phía các ngành hàng, đại diện Hiệp hội Cao su Việt Nam cũng mong muốn các Thương vụ giúp đỡ, tư vấn cho doanh nghiệp Việt Nam về mặt pháp lý khi gặp khó khăn, vướng mắc với đối tác và/hoặc cơ quan quản lý tại nước ngoài.
Đại diện doanh nghiệp, ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean cũng nhận định, về lâu về dài, các doanh nghiệp cho rằng cần có sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, cụ thể là các Tham tán, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để kết nối với nhà nhập khẩu, tìm kiếm đầu ra và nguồn nguyên liệu uy tín hơn, hiệu quả hơn.
Ông Nông Đức Lai - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc Các chính sách cập nhật từ những thị trường lớn Mới đây, Trung Quốc đã có một số điều chỉnh chính sách xuất nhập khẩu, tạo điều kiện tốt hơn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Trong chính sách nhập khẩu mới Trung Quốc mới ban hành, nước này không nhắc đến việc tạm dừng nhập khẩu đối với những lô hàng thủy hải sản đông lạnh nếu phát hiện Covid-19. Cùng với đó, từ tháng 7, phía Trung Quốc cho phép nhập khẩu quả chanh leo, mở cửa thí điểm nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam. Đây là những tín hiệu tốt đối với doanh nghiệp Việt Nam do Trung Quốc là đối tác thương mại lớn trên thế giới. Chính sách kiểm soát dịch Covid-19 chặt chẽ của Trung Quốc đã khiến tăng trưởng GDP nước này giảm mạnh trong nửa đầu năm. Do đó, Trung Quốc đưa ra nhiều biện pháp để khôi phục kinh tế và thúc đẩy nhu cầu nội địa. Dù thị trường này có tín hiệu nới lỏng điều kiện nhập khẩu hàng hóa, song Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc vẫn khuyến cáo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thủy hải sản đông lạnh nhập khẩu cần tập trung quản lý an toàn thực phẩm từ đầu nguồn để tránh bị liệt vào danh sách hạn chế nhập khẩu. Với nhóm hàng nông lâm thủy sản tươi sống, doanh nghiệp Việt Nam vẫn cần thực hiện các biện pháp phòng chống dịch chặt chẽ nhằm giảm thiểu các lô hàng bị phát hiện nhiễm Covid-19. Các loại trái cây tươi vừa được cấp phép xuất khẩu vào Trung Quốc, trong thời gian chờ đợi phê duyệt cấp mã số xuất khẩu cần thực hiện đúng yêu cầu, hướng dẫn đóng gói; thực hiện đúng hoạt động xuất khẩu chanh leo tại 7 cửa khẩu được cho phép mà không thực hiện ở cửa khẩu khác. Ông Nguyễn Phú Hòa - Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia. Hàng nông sản còn nhiều tiềm năng Với tiềm năng phát triển giữa hai nước, triển vọng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam và Australia sẽ còn tăng trưởng tốt hơn nữa, có khả năng vượt qua dự báo 15 tỷ USD cho cả năm 2022. Trong số các ngành hàng XK thế mạnh, tôi tin rằng mặt hàng nông sản sẽ tiếp tục đi xa hơn nữa nếu như chúng ta làm tốt công tác quảng bá, chất lượng sản phẩm được đảm bảo, duy trì được các tiêu chuẩn theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Thương vụ đã định hướng được thị trường, xác định được đường đi và cách tiếp cận, xây dựng thương hiệu cho nông sản đông lạnh Việt Nam. Các doanh nghiệp, địa phương cần phải tự tin để đưa thương hiệu nông sản của Việt Nam sang Australia. Hiện, sầu riêng, gạo, mít đông lạnh đã được bày bán ở một số siêu thị tại Australia. Mít đông lạnh đỏ và vàng xuất khẩu sang Australia, đưa đến bao nhiêu bán hết đến đó. Cùng với đó, bơ, gừng đông lạnh cũng đang được tiêu thụ tốt tại Australia. Điều đó cho thấy thị trường Australia có rất nhiều dư địa để hàng nông sản, đặc biệt là nông sản đông lạnh. Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy - Tham tán thương mại Việt Nam tại Thụy Điển (kiêm nhiệm Đan Mạch, Phần Lan, IceLand, Na Uy, Latvia) Tránh hiệu ứng Domino thị trường Tháng 5 vừa qua, EU đã ban hành Quy định về việc tuân thủ mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ sâu tối đa trên các sản phẩm nông sản nhập khẩu vào khối này. Thực hiện qui định của EU, Na Uy đã triển khai Chương trình giám sát quốc gia và Cơ quan An toàn Thực phẩm Na Uy đã tiến hành kiểm tra một số loại sản phẩm thực phẩm về dư lượng thuốc trừ sâu, mức dư lượng tối đa (MRL) tại Na Uy. Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, 3 mẫu gạo của Việt Nam khi kiểm tra đã vượt quá dư lượng cho phép và bị yêu cầu đăng thu hồi thông qua các phương tiện truyền thông. Việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh gạo Việt Nam và gạo Việt Nam sẽ bị tăng cường kiểm tra trong thời gian tới. Do vậy, Thương vụ đã đề nghị các địa phương, hiệp hội cảnh báo doanh nghiệp để tránh hiệu ứng domino của thị trường. Ngoài ra, để hỗ trợ doanh nghiệp khai thác thị trường Bắc Âu trong thời gian tới, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển kiến nghị doanh nghiệp cần tăng cường quảng bá để tăng sự hiện diện của hàng Việt Nam tại thị trường. Chỉ cần người tiêu dùng biết đến hàng Việt Nam, các doanh nghiệp sẽ tăng cường nhập khẩu nhiều hàng Việt thì cho dù không nhập khẩu trực tiếp từ Việt Nam mà thông qua các đầu mối tại các nước EU khác cũng giúp tăng kim ngạch xuất khẩu nói chung của Việt Nam. Bên cạnh đó, Thương vụ khuyến khích doanh nghiệp chú trọng thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp chất lượng cao phục vụ xuất khẩu. Đồng thời thu hút các tập đoàn bán lẻ lớn của Bắc Âu, vốn có sẵn mạng lưới phân phối toàn cầu, về Việt Nam đầu tư sản xuất rồi xuất khẩu ngược lại vào hệ thống phân phối của họ. Như vậy, doanh nghiệp Việt có thể tận dụng được kênh phân phối của các tập đoàn này, không chỉ tăng đầu tư, tăng kim ngạch xuất khẩu sang các nước Bắc Âu, mà còn tăng xuất khẩu sang các nước khác. |
Hương Ly (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI