10:44:37 | 20/9/2022
(Chinhphu.vn) - Tỉnh Bình Thuận đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng ưu tiên phát triển du lịch biển, năng lượng tái tạo, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Huy động mọi nguồn lực phát triển tỉnh Bình Thuận theo hướng xanh, bền vững
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo 289/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Thuận.
Bình Thuận có vị trí chiến lược quan trọng, là cửa ngõ kết nối giao lưu kinh tế - xã hội, văn hóa giữa các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ với các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; nằm trong vùng trọng tâm chiến lược phát triển kinh tế biển quốc gia với nhiều khoáng sản có trữ lượng lớn; bờ biển dài 192 km, thềm lục địa giàu tiềm năng để phát triển du lịch và công nghiệp năng lượng, nhất là năng lượng tái tạo. Vùng biển Bình Thuận là ngư trường lớn, nguồn lợi hải sản dồi dào, có giá trị kinh tế cao.
Sau 30 năm kể từ khi tái lập, với tinh thần đoàn kết, đổi mới, quyết tâm thay đổi tư duy, chọn được hướng đi phù hợp, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bình Thuận đã vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, vươn lên từ vùng đất “khô, khó, khổ”, chuyển mình mạnh mẽ và đạt được kết quả tích cực trên nhiều phương diện. Tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,44%; kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2022 đạt 552 triệu USD, bằng 75,8% kế hoạch, tăng 38,5% so với cùng kỳ. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Du lịch phát triển nhanh, bền vững theo định hướng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn...
Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Tỉnh. Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, xây dựng nhưng còn dàn trải, chưa có trọng tâm, trọng điểm. Công tác quy hoạch còn bộc lộ nhiều bất cập. Liên kết vùng còn yếu. Môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực cạnh tranh chưa có bước đột phá, các chỉ số về cải cách hành chính, mức độ hài lòng của người dân, tổ chức với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước và chuyển đổi số còn ở mức độ hạn chế (PAR Index xếp 56, SIPAS xếp 61, DTI xếp 37...).
Chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; đời sống của một bộ phận nhân dân, hoạt động của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội có nơi, có lúc còn diễn biến phức tạp….
Trong thời gian tới, bên cạnh một số những thuận lợi, dự báo tình hình trong nước và thế giới còn diễn biến rất phức tạp, khó lường, tác động không nhỏ tới đất nước ta nói chung và tỉnh Bình Thuận nói riêng. Để khắc phục những tồn tại, hạn chế và phát huy, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, tạo bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới, tỉnh Bình Thuận cần xác định rõ mục tiêu, quan điểm và tập trung thực hiện tốt một số nội dung, nhiệm vụ trọng tâm sau:
Nghiêm túc quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV; phát huy truyền thống văn hoá, lịch sử cách mạng, tinh thần tự lực, tự cường; bám sát yêu cầu thực tiễn; thống nhất nhận thức và hành động theo nguyên tắc suy nghĩ phải kỹ, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt làm việc nào dứt việc đấy, trên cơ sở đó triển khai công tác chỉ đạo, điều hành chủ động, sáng tạo và hiệu quả. Đến năm 2025, tỉnh Bình Thuận sẽ tự cân đối được ngân sách, phấn đấu về đích trước một năm.
Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng ưu tiên phát triển du lịch biển, năng lượng tái tạo, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh; khẩn trương hoàn thiện và trình thẩm định, phê duyệt Quy hoạch phát triển tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo đúng thời hạn được giao.
Huy động mọi nguồn lực phát triển tỉnh Bình Thuận theo hướng xanh, bền vững, rà soát lại các dự án đầu tư công theo hướng không dàn trải, manh mún, chia cắt, tập trung vào các công trình giao thông kết nối vùng và tỉnh, hạ tầng y tế, giáo dục. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, chương trình phục hồi và 03 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Ưu tiên nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Cảng hàng không Phan Thiết và đầu tư cảng biển du lịch, trong đó lưu ý, Nhà đầu tư Nhà ga dân dụng sân bay Phan Thiết phải được lựa chọn công khai, minh bạch, đúng quy định, bảo đảm uy tín, năng lực hoàn thành công trình trong năm 2023. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp công nghệ cao, du lịch xanh, nông nghiệp sạch.
Chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm hài hoà với phát triển kinh tế; triển khai tích cực, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Thực hiện tốt các chính sách người có công, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp để không ngừng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính. Đẩy mạnh sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Tăng cường phân cấp, phân quyền, cụ thể hóa trách nhiệm cá nhân đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và phân bổ nguồn lực.
Không ngừng củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Tiếp tục tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế theo tinh thần chung: xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Triển khai hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 (Nghị quyết 38/NQ-CP), tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển KTXH. Quyết liệt triển khai chiến lược tiêm vaccine và không lơ là, chủ quan; thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch; chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo việc đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế theo quy định; bảo đảm việc khám chữa bệnh cho nhân dân trên tinh thần sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết, đặc biệt không để thiếu thuốc.
Nguon baochinhphu.vn