Hợp tác giáo dục và phát triển nguồn nhân lực

10:13:33 | 28/9/2022

Nhìn lại chặng đường lịch sử hợp tác Việt Nam - Lào từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, mối quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai dân tộc Việt - Lào luôn được gìn giữ và phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu tại nhiều lĩnh vực. Trong đó, không thể không nhắc tới hợp tác chặt chẽ và hiệu quả trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo.


Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam (bên phải) tặng quà lưu niệm cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào 

Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, sự hợp tác giúp đỡ lẫn nhau giữa hai nước Việt - Lào đã có bề dày lịch sử. Từ buổi ban đầu của thời kỳ cách mạng, hai nước cùng chiến đấu chung trong một chiến hào, bộ đội tình nguyện Việt Nam đã dạy chữ cho các chiến sĩ cách mạng Lào, giúp cho nhiều người sau này trở thành những cán bộ ưu tú, nhà chỉ huy tài năng.

Từ năm 1958 đến 1964, Việt Nam đã đào tạo cho Lào khoảng hơn 3.000 lưu học sinh, chủ yếu theo học hệ bổ túc văn hóa. Sau khi tốt nghiệp, một phần lưu học sinh trở về công tác tại vùng giải phóng của Lào, số còn lại được tiếp tục gửi đi học ở các trường sư phạm của Việt Nam để trở thành giáo viên cấp II.      

 Từ năm 1965 đến 1974, khi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược bước vào thời kỳ ác liệt nhất, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, Việt Nam vẫn tiếp tục nuôi dưỡng và đào tạo lưu học sinh Lào với tinh thần “hạt gạo cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”. Trong thời gian này, Việt Nam đã đào tạo khoảng 4.000 học sinh từ các vùng giải phóng Lào sang theo học cấp I, cấp II và cấp III.          

Đặc biệt, từ năm 1977, Việt Nam và Lào đã ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác, trong đó, hợp tác văn hóa, giáo dục - đào tạo được coi là lĩnh vực hợp tác cơ bản và trọng tâm của mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Từ năm 2005 đến nay, với chủ trương mở rộng và đa dạng hóa các chương trình hợp tác giáo dục - đào tạo như: Hợp tác đào tạo bằng nhiều kênh, nhiều hình thức, coi trọng hợp tác đào tạo giữa các địa phương, các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp nhằm xây dựng nền tảng mới cho sự phát triển nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu hợp tác và phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước. Vì vậy, học sinh, học viên Lào được gửi sang đào tạo tại Việt Nam ngày càng trở nên đa dạng và phong phú về hình thức cũng như quy mô đào tạo.

Ở chiều ngược lại, trong giai đoạn 1982 - 2022, Chính phủ Lào cũng đã hỗ trợ đào tạo tổng cộng 4.850 cán bộ, sinh viên cho Việt Nam để xây dựng đội ngũ chuyên gia Việt Nam, qua đó góp phần vào sự phát triển quan hệ hợp tác toàn diện Lào - Việt Nam ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất.

Khẳng định hợp tác trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo giữa Việt Nam và Lào đang tiến triển tốt đẹp, tháng 12/2020, Bộ Giáo dục - Thể thao Lào và Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã ký kết các văn bản quan trọng, trong đó có: “Đề án nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt Nam - Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021-2030”.

“Trách nhiệm của chúng ta trong lộ trình 10 năm tới là thực hiện thật tốt Đề án lớn này” - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam Nguyễn Kim Sơn đã khẳng định trong buổi tiếp Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao Lào Phout Simmalavong vào tháng 5/2022 vừa qua.

Đặc biệt, hai Bộ cũng sẽ ưu tiên triển khai Đề án “Đưa nội dung các sản phẩm của công trình Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam (1930 - 2007) vào giảng dạy tại các trường học hai nước” nhằm góp phần tuyên truyền, giáo dục về truyền thống quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào trong thế hệ trẻ hai nước.

Năm 2022 - Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào cũng là dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào, lãnh đạo Đảng, Chính phủ hai nước khẳng định tiếp tục duy trì, đẩy mạnh quan hệ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh đến kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục,... Với quyết tâm cao của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục và Thể thao Lào trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác giáo dục - đào tạo trong giai đoạn hiện nay, chúng ta tin tưởng sâu sắc rằng hợp tác giáo dục - đào tạo giữa hai nước sẽ ngày càng phát triển, góp phần tích cực phục vụ sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, không ngừng vun đắp cho truyền thống quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào.

Ngọc Anh (Vietnam Business Forum)