Tiềm năng đưa phụ phẩm nông nghiệp thành nguồn nguyên liệu tái tạo

16:13:13 | 28/9/2022

Với khoảng 160 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp mỗi năm, nếu toàn bộ được trở thành nguồn tài nguyên tái tạo thì sẽ không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế mà còn cả về môi trường nông nghiệp.

Nhiều tiềm năng

Theo thống kê, tổng khối lượng phụ phẩm nông nghiệp năm 2020 của cả nước là trên 156,8 triệu tấn, bao gồm: 88,9 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, từ quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt (chiếm 56,7%); 61,4 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (chiếm 39,1%); 5,5 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp (chiếm 3,5%) và khoảng gần 1 triệu tấn từ ngành thủy sản (10,6%).

Tuy nhiên hiện nay, tỉ lệ phụ phẩm cây trồng (vỏ lạc, thân bắp, rơm lúa, thân cây mì, vỏ đậu tương, củi…) được thu gom, sử dụng chỉ chiếm 52,2%. Trong chăn nuôi, chỉ khoảng 20% lượng phân được sử dụng hiệu quả. Phụ phẩm nông nghiệp nếu được khai thác tốt sẽ trở thành nguồn tài nguyên giá trị cao, đem lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp và người dân.

Phát biểu tại Hội thảo đối thoại quốc tế về “Phụ phẩm nông nghiệp – Nguồn tài nguyên tái tạo” do Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây, ông Nguyễn Hồng Long - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Tư vấn sáng tạo và Phát triển bền vững chia sẻ, tiềm năng sinh khối của cả nước hiện vào khoảng 160 triệu tấn; Tiềm năng kinh tế là 60 triệu TOE (tấn quy dầu), tương đương khoảng 46,5 tỷ USD. Nguồn lợi này có khả năng tạo việc làm cho 180.000 người và làm lợi cho 13 triệu hộ gia đình, 900.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Bên cạnh đó, với tiềm năng thị trường công nghiệp ít nhất 40 tiểu ngành có thể ứng dụng nhiệt năng từ công nghệ khí hóa sinh khối. Tính nhân rộng rất cao, không chỉ ứng dụng được ở Việt Nam mà còn cả cho các nước đang phát triển khác.

Để khai thác các tiềm năng này, Dự án “Xúc tiến cung và cầu cho các sản phẩm chế biến nông sản đạt chứng nhận sinh thái- công bằng tại Việt Nam” (Dự án Eco Fair) đã ra đời với sứ mệnh thay đổi hành vi của các tổ chức và cá nhân nhằm đưa ra những biện pháp tích cực về xã hội và cải thiện môi trường. Đây là Dự án do Liên minh châu Âu đồng tài trợ 1,5 triệu EUR thông qua Chương trình SWITCH-Asia, phối hợp cùng với Vụ Khoa học công nghệ - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (MARD) và các đối tác tổ chức.

TS. Nguyễn Bảo Thoa, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam (VIRI) cho biết, thông qua các hoạt động của dự án như: Nâng cao nhận thức và năng lực của cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng, xây dựng các bộ quy tắc ứng xử về sản xuất và tiêu dùng bền vững trong ngành, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm theo hướng sản xuất tuần hoàn…., Eco Fair sẽ góp phần tận dụng phế phụ phẩm trong nông nghiệp nhằm tạo ra các sản phẩm có giá trị.

Hướng tới nền kinh tế tuần hoàn

Nông nghiệp là một trong những tác nhân chính gây nên biến đổi khí hậu khi phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực này chiếm 18% tổng lượng phát thải. Theo dự kiến, lượng phát thải CO2 của ngành nông nghiệp sẽ lên tới 120 triệu tấn vào năm 2030. Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã có cam kết mạnh mẽ là đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, giảm khí thải metal 30% tính đến năm 2030. Đây là thách thức không nhỏ đối với ngành nông nghiệpViệt Nam.

Theo TS. Nguyễn Hữu Ninh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ NN&PTNT, ở góc độ nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn gắn với tăng trưởng xanh, phụ phẩm trong nông, lâm, thuỷ sản phải được xem là một nguồn tài nguyên tái tạo. Nguồn nguyên liệu này cần được xem là đầu vào quan trọng, kéo dài chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp.

Đồng quan điểm này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Bá Bổng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, để thúc đẩy việc chế biến, nâng cao giá trị cho phụ phẩm nông nghiệp, nên chuyển đổi chính sách hỗ trợ theo chuỗi giá trị tuần hoàn. Ví dụ, từ chính sách chỉ hỗ trợ việc xây hầm biogas chuyển sang chính sách hỗ trợ và khuyến khích áp dụng chuỗi giá trị, đa chức năng: hầm biogas –  bể lắng –  máy tách phân – sản xuất phân chuồng/hữu cơ – phát điện. Chú trọng thực hiện nông nghiệp tuần hoàn ngay tại hộ nông dân, trang trại nhỏ, hợp tác xã…

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, cần đổi mới hiệu lực, hiệu quả của hệ thống cơ chế, chính sách đầu tư để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia. Cụ thể như: Tạo mặt bằng đất sạch; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu trang thiết bị….

Ngoài ra, khuyến khích áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn; đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa của phụ phẩm nông nghiệp trong nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, tăng trưởng xanh để nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch trong chế biến phụ phẩm nông nghiệp…

Ngô San (Vietnam Business Forum)