16:06:08 | 3/10/2022
Ngay từ đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Tiền Giang đã chủ động bám sát mục tiêu, định hướng, chỉ đạo của NHNN và UBND tỉnh thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.
Ông Nguyễn Văn Nhựt, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh Tiền Giang |
Thực hiện chỉ đạo của NHNN và UBND tỉnh, ngành Ngân hàng Tiền Giang đã triển khai đồng bộ các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 08/01/2022, Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ, và Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 13/01/2022 của Thống đốc NHNN về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ, đảm bảo hoạt động an toàn hiệu quả, tăng cường phối hợp, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp, nhất là trong tiếp cận vốn tín dụng và giảm lãi suất cho vay.
Tính đến hết ngày 30/6/2022, tổng dư nợ cho vay khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang là 24.821 tỷ đồng, chiếm 32% tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh. Các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 6.420 khách hàng với giá trị nợ gốc và lãi được cơ cấu lũy kế từ 23/01/2020 là 2.712 tỷ đồng.
Ngoài ra, tính đến nay, các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 98.000 khách hàng với dư nợ trên 29.272 tỷ đồng. Lũy kế từ 13/3/2020 đến hết 31/12/2021, tổng số tiền lãi đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng hơn 370 tỷ đồng. Trong đó, tổng số tiền lãi giảm theo cam kết của 16 ngân hàng lớn (cam kết giảm lãi suất từ 15/7/2021 đến hết 31/12/2021) lũy kế từ 15/7/2021 là hơn 122 tỷ đồng.
Trong hoạt động cho vay mới với lãi suất thấp hơn trước khi có dịch, các tổ chức tín dụng đã cho vay mới với doanh số cho vay lũy kế từ ngày 23/01/2021 đến hết 30/6/2022 đạt hơn 286 ngàn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, thực hiện chương trình tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 về phục hồi và phát triển kinh tế, đến hết ngày 31/7/2022, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã đáp ứng nhu cầu vốn cho 802 khách hàng vay theo đối tượng là học sinh, sinh viên mua máy tính với dư nợ 10,434 tỷ đồng, lãi suất 1,2%/năm, thời hạn cho vay tối đa 36 tháng. Chương trình cho vay hỗ trợ, duy trì và mở rộng việc làm, thực hiện dư nợ 120 tỷ đồng với 2.601 khách hàng vay,...
Ông Nguyễn Văn Nhựt, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh Tiền Giang cho biết, năm 2022, ngành Ngân hàng tỉnh quyết tâm phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đề ra. Tổng nguồn vốn huy động tăng trưởng 8%, dư nợ tăng trưởng 14%, tỷ lệ nợ xấu dưới 3%;...
Đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, thời gian tới, ngành Ngân hàng tỉnh sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, hạ lãi suất các khoản vay hiện hữu, hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.
Với nhiều hoạt động tích cực, hiệu quả, ngành Ngân hàng Tiền Giang đã và đang góp phần ổn định thị trường, bảo đảm nguồn vốn cho đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế sau đại dịch. |
Bên cạnh đó, tích cực đẩy mạnh triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng công nghệ và phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số; thúc đẩy thanh toán điện tử trong dịch vụ hành chính công theo Kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 21/02/2022 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025.
Hoài Nam (Vietnam Business Forum)