Đạo đức kinh doanh và thương hiệu của doanh nghiệp

11:03:09 | 26/10/2022

Với doanh nghiệp, lợi nhuận luôn là yếu tố được xác định đầu tiên trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập quốc tế, để tạo ra sự phát triển bền vững, doanh nghiệp phải chú ý đến yếu tố đạo đức kinh doanh và thương hiệu, bởi hai yếu tố này có mối quan hệ chặt chẽ, bổ sung giá trị cho nhau.

Giá trị thương hiệu tăng nhờ chú trọng đạo đức kinh doanh

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đạo đức kinh doanh cần cho thương hiệu, vì thương hiệu quan trọng nên các doanh nghiệp luôn tìm cách xây dựng và bảo vệ thương hiệu của mình. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp đã tổ chức nhiều hoạt động cộng đồng, xã hội, cam kết bảo vệ môi trường hay hỗ trợ tài chính cho các chương trình nhân đạo cho mục đích thương hiệu của mình. Ví dụ như Vinamilk gây quỹ sữa “Vươn cao Việt Nam”, Viettel tài trợ chương trình “Trái tim cho em”… như những hành động vừa hướng tới cộng đồng, thể hiện đạo đức kinh doanh, vừa xây dựng thương hiệu.

Bên cạnh câu chuyện cạnh tranh về chất lượng, thương hiệu ngày càng trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Vì thế, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư rất nhiều cho việc xây dựng thương hiệu để dần bắt kịp với xu thế toàn cầu về đầu tư vào giá trị vô hình trong doanh nghiệp. Năm 2016, Brand Finance, một tổ chức đánh giá về thương hiệu, đã có 1 đánh giá về các thương hiệu của các công ty Việt Nam, theo đó, Vinamilk là thương hiệu dẫn đầu Top 10 thương hiệu lớn nhất với tổng giá trị thương hiệu được định giá vào khoảng 1,01 tỷ USD. Tiếp theo là Viettel Telecom với trị giá thương hiệu ước tính khoảng 973 triệu USD. PVN đứng thứ 3 với trị giá thương hiệu 564 triệu USD… Hoạt động đánh giá này giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam ý thức hơn nữa về việc xây dựng và giữ gìn thương hiệu của chính mình.

Với doanh nghiệp, lợi nhuận là mục đích quan trọng. Tuy vậy, theo đuổi lợi nhuận trong kinh doanh không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp bỏ qua tất cả các chuẩn mực, giá trị, nguyên tắc liêm chính và chất lượng sống của cộng đồng. Ngược lại, chỉ khi doanh nghiệp tôn trọng những giá trị đạo đức của cộng đồng, tuân theo những chuẩn mực của xã hội, từ đó hình thành nên thương hiệu – danh tiếng của mình, thì khi đó, việc kinh doanh của doanh nghiệp mới thực sự đạt hiệu quả. Trên thực tế, khi doanh nghiệp chỉ chạy theo lợi nhuận, bất chấp hậu quả mà nó gây ra về mặt đạo đức đối với cộng đồng thì việc kinh doanh sẽ gặp vấn đề, thương hiệu bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí dẫn tới phá sản. Vì vậy, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp phải bằng cách xác định xây dựng đạo đức trong kinh doanh như là nền tảng giá trị, phần không thể tách rời khỏi các hoạt động của doanh nghiệp. Để doanh nghiệp phát triển bền vững, đạo đức kinh doanh phải thực sự được áp dụng trong mọi mối quan hệ giữa doanh nghiệp và đối tác, khách hàng và toàn xã hội.

Đạo đức kinh doanh phải được thể hiện trong triết lý kinh doanh của lãnh đạo doanh nghiệp

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, ở Việt Nam, nhận thức về thực hiện đạo đức kinh doanh để xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp chưa thực sự đầy đủ, từ đó dẫn đến việc vi phạm đạo đức kinh doanh ở những mức độ khác nhau. Để xây dựng thương hiệu, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, đạo đức kinh doanh cần phải được các doanh nghiệp xác lập trong từng hoạt động cụ thể, ở tất cả các lĩnh vực mà doanh nghiệp hoạt động và kinh doanh.

“Đạo đức kinh doanh phải được thể hiện trong triết lý kinh doanh của lãnh đạo doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp, vì đặc điểm riêng của mình, có những triết lý kinh doanh khác nhau. Tuy nhiên, triết lý kinh doanh cũng cần có những nguyên tắc chung, đó là sự quyết tâm tôn trọng các giá trị đạo đức của người đứng đầu là động lực, niềm tin cho toàn bộ doanh nghiệp thực hiện”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhận định.

Mặt khác, doanh nghiệp cần xây dựng bộ qui tắc đạo đức thống nhất để cụ thể hóa những vấn đề mà doanh nghiệp gặp phải, trong đó nêu rõ những yêu cầu thực hiện đạo đức của doanh nghiệp; cam kết và trách nhiệm của doanh nghiệp với nhân viên; giá trị đạo đức và trách nhiệm mà nhân viên phải thực hiện đối với đồng nghiệp, lãnh đạo, khách hàng, chính quyền và cộng đồng; và các cách giải quyết các vướng mắc liên quan đến đạo đức ở doanh nghiệp.

Cũng theo ông Sơn, doanh nghiệp cần triển khai thực hiện bộ qui tắc đạo đức trong doanh nghiệp thông qua các buổi tập huấn, huấn luyện để nhân viên biết cách xử lý đúng vấn đề, không lúng túng khi gặp vấn đề phát sinh; có thể thành lập riêng một bộ phận, hoặc giao thêm nhiệm vụ phụ trách về vấn đề bộ qui tắc đạo đức để xử lý các vấn đề có liên quan, hoặc khi có thắc mắc gì, người liên quan có thể hỏi đúng bộ phận phụ trách.

Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 đã nhấn mạnh “Doanh nghiệp phải nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện liêm chính trong kinh doanh; xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; cạnh tranh lành mạnh và liên kết hợp tác, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh”. Như vậy, Chính phủ đã xác định doanh nhân, doanh nghiệp có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Sự phát triển của mỗi doanh nghiệp, ý thức vươn lên của mỗi doanh nhân sẽ đóng góp tích cực cho sự phát triển đi lên của Việt Nam trong những năm sắp tới. Trong thế giới ngày càng hội nhập và cạnh tranh, đạo đức kinh doanh trở thành một yếu tố tạo ra sự khác biệt, tính thân thiện của một doanh nghiệp đối với cộng đồng, khách hàng. Như vậy, đạo đức kinh doanh và thương hiệu của doanh nghiệp có sự gắn bó với nhau, tạo điều kiện thuận lợi cho nhau phát triển. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, trong hoạt động của mình, doanh nghiệp cần có ý thức rõ ràng về sự gắn bó này để văn hóa doanh nghiệp tạo động lực cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Xét đến cùng, sự phát triển của xã hội là sự phát triển văn hóa. Chính vì vậy, sự phát triển doanh nghiệp nói chung, văn hóa doanh nghiệp nói riêng là điều kiện tiền đề căn bản để bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Quỳnh Anh (Vietnam Business Forum)