VCCI cùng KTS AZIGOS hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp

16:17:52 | 29/10/2022

Xác định chuyển đổi số là một trong những nội dung quan trọng, mang yếu tố then chốt cho các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh TP.HCM (VCCI - HCM) phối hợp cùng Công ty CP Truyền thông KTS AZIGOS tổ chức Hội thảo “Xúc tiến thương mại và chuyển đổi số cho doanh nghiệp thời đại 4.0". Trong khuôn khổ Hội thảo cũng đã diễn ra Lễ ký kết MOU hợp tác giữa VCCI-HCM và KTS AZIGOS về hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại thông qua giải pháp chuyển đổi số toàn diện.

Có thể thấy cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu tạo ra nhiều chuyển biến mới trên mọi mặt của đời sống, xã hội. Tại Việt Nam, những năm gần đây lãnh đạo Chính phủ dành nhiều sự quan tâm cho công cuộc chuyển đổi số, đặc biệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2025 kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%; đưa Việt Nam vào Top 50 quốc gia dẫn đầu về công nghệ thông tin, Top 50 quốc gia dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh, Top 35 quốc gia dẫn đầu về đổi mới sáng tạo. Cùng với Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Chính phủ cũng đưa ra nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chuyển đổi số thành công.

Chia sẻ cụ thể hơn về vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với doanh nghiệp, Giám đốc VCCI - HCM Trần Ngọc Liêm cho biết quá trình chuyển đổi từ mô hình doanh nghiệp truyền thống sang doanh nghiệp số sẽ giúp doanh nghiệp tăng cường ứng dụng các công nghệ mới (dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)…) vào thực tiễn sản xuất kinh doanh, từ đó giúp thay đổi cách thức vận hành, mô hình kinh doanh…, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cùng những giá trị mới hơn cho doanh nghiệp. "Nói cách khác số hoá doanh nghiệp là xu thế không thể đảo ngược, mỗi doanh nghiệp cần phải tạo ra một môi trường số hóa cho chính mình và sẵn sàng cho kết nối với doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái số hoá"  - ông Liêm nhấn mạnh.

Kết quả khảo sát "Thực trạng chuyển đổi số trong doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh Covid - 19" (khảo sát trên 400 doanh nghiệp) do VCCI thực hiện cho thấy thời gian qua các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu nhận thức và ứng dụng các công nghệ số vào các khâu như: xúc tiến thương mại, quản trị nội bộ, mua hàng, logistics, sản xuất, marketing, thanh toán, bán hàng và chăm sóc khách hàng. Khi đại dịch Covid-19 lan rộng dẫn tới những hạn chế tiếp xúc và việc phải thực hiện biện pháp giãn cách xã hội buộc doanh nghiệp phải tăng cường ứng dụng công nghệ số trong hoạt động của mình, nhất là trong quản trị nội bộ, thanh toán điện tử, marketing trực tuyến, xúc tiến thương mại. Chỉ trong thời gian ngắn, tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số đã tăng nhanh so với trước đây, nhất là trong việc quản lý nhân sự từ xa, hội nghị trực tuyến, học trực tuyến, phê duyệt nội bộ…. Đây cũng là xu thế tất yếu, đòi hỏi các doanh nghiệp cần nhanh chóng thích nghi nhằm mang lại hiệu quả vận hành, kinh doanh cao hơn.

Vai trò, hiệu quả mà chuyển đổi số mang lại cho các doanh nghiệp là không thể phủ nhận. Tuy nhiên theo các chuyên gia có mặt tại Hội thảo, công cuộc chuyển đổi số ở các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Phó Giám đốc VCCI - HCM Nguyễn Hữu Nam cho rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp nhiều rào cản trong chuyển đổi số là do họ chưa nhận thức đúng vai trò của quá trình này. Doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đa số trong tổng số doanh nghiệp Việt Nam nhưng trình độ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp. Có đến 80 - 90% máy móc sử dụng trong các doanh nghiệp Việt Nam là nhập khẩu; gần 80% là những công nghệ cũ từ thập niên 1980-1990; 69% doanh nghiệp không biết lựa chọn đối tác nào để triển khai chuyển đổi số, 72% không biết bắt đầu từ đâu, không biết chuyển đổi số như thế nào. Mức độ sẵn sàng để chuyển đổi số trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ hầu như rất ít. Khảo sát đánh giá sự sẵn sàng tiếp cận Cuộc CMCN 4.0 cho thấy đại bộ phận các doanh nghiệp tham gia khảo sát được đánh giá ở mức "ngoài cuộc", một số rất nhỏ doanh nghiệp được đánh giá ở mức "có kinh nghiệm" và "chuyên gia", không có doanh nghiệp nào được đánh giá ở mức "đi đầu".

Theo ông Nguyễn Hữu Nam, năm 2022 và những năm tiếp theo được dự báo là thời điểm vàng cho Việt Nam phục hồi và tăng trưởng của hoạt động sản xuất, xuất khẩu. Để tận dụng tốt cơ hội này, hoạt động xúc tiến thương mại cần tiếp tục được đổi mới, nhất là đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động. Doanh nghiệp cần nhanh chóng chuyển đổi số trong thương mại hóa sản phẩm và dịch vụ để tận dụng hiệu quả thời cơ mới bởi ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số không còn là một lựa chọn mà đã trở thành hướng đi bắt buộc đối với mọi doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân để thích ứng, tận dụng hiệu quả các cơ hội mới cho mở rộng thị trường, nâng cao kim ngạch xuất khẩu. "Với ý nghĩa đó, để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp cần hội đủ "3 sẵn sàng": sẵn sàng về phương diện lãnh đạo (người lãnh đạo cần hiểu mình muốn gì và công nghệ có thể chuyển đổi công ty của mình thế nào); sẵn sàng về nguồn nhân lực (đào tạo nhân viên có khả năng tiếp cận, vận hành hệ thống trong và sau chuyển đổi số); sẵn sàng về công nghệ (tìm được đơn vị cung cấp dịch vụ chuyển đổi số phù hợp)" - Phó Giám đốc VCCI - HCM khuyến nghị.

Đó là ở góc độ doanh nghiệp, còn trên phương diện quốc gia, để công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam đạt hiệu quả cao, các chuyên gia có mặt tại Hội thảo đề xuất Chính phủ cần xây dựng bộ tiêu chuẩn chung về số hóa cho từng ngành, từng lĩnh vực, từng khu vực cụ thể và thống nhất cơ sở dữ liệu kết nối, chia sẻ; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để thúc đẩy chuyển đổi số. Các bộ, ngành từ trung ương đến địa phương cần chia sẻ dữ liệu đầy đủ và tự động, liên thông và tương tích, tránh trường hợp nhiều bộ, ngành chia sẻ dữ liệu nhưng giới hạn số liệu dẫn đến không thể sử dụng được khi kết nối liên thông. Các chuyên gia nhấn mạnh chỉ nền tảng số đơn giản, dễ sử dụng, tùy biến và thân thiện với người dùng mới  tạo động lực thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa mạnh dạn chuyển đổi số.

Mỹ Châu (Vietnam Business Forum)