09:37:11 | 10/11/2022
“Châu Âu đầy hương vị - truyền thống và chất lượng” là chương trình do Liên minh châu Âu tài trợ nhằm quảng bá các sản phẩm nông sản, thực phẩm và đồ uống của châu Âu ra thế giới. Trong khuôn khổ chương trình này, được sự hỗ trợ của Đại sứ quán Ba Lan tại Việt Nam và Cục Đầu tư và Thương mại Ba Lan, Trung tâm Xúc tiến thuộc Phòng thương mại và Công nghiệp Ba Lan dẫn đầu đoàn DN Ba Lan sang khảo sát thị trường Việt Nam trong tháng 11/2022.
Tại cuộc họp báo giới thiệu về chương trình, Đại sứ Ba Lan tại Việt Nam Wojciech Gerwel cho biết, Việt Nam và Ba Lan có tiềm năng hợp tác rất lớn. Bởi 2 nước có mối quan hệ ngoại giao truyền thống tốt đẹp hơn 70 năm qua, từng hợp tác và hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn trong những năm chiến tranh.
“ Một trong những nền tảng quan trọng trong mối quan hệ giữa 2 nước là số lượng lưu học sinh và người Việt Nam tại Ba Lan khá lớn, họ chính là cầu nối hợp tác đầu tư, kinh doanh… cho DN 2 bên rất hiệu quả”, Đại sứ Ba Lan khẳng định.
Đặc biệt, Việt Nam là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh tại khu vực Đông Nam Á, và Ba Lan cũng là nền kinh tế phát triển nhanh vào bậc nhất Châu Âu. Kim ngạch thương mại 2 nước trong năm qua đã đạt ngưỡng 5 tỷ USD, phần lớn là xuất khẩu sản phẩm từ Ba Lan sang Việt Nam. Trong đó, hợp tác trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm rất nhiều tiềm năng. Việt Nam và Ba Lan đều là 2 quốc gia có thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng sản phẩm của 2 bên về cơ bản không cạnh tranh trực tiếp mà hỗ trợ hiệu quả cho nhau. Phía Ba Lan hiện có nhu cầu lớn những mặt hàng thuộc thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như: gạo, tôm, xoài, vải, hạt điều… ngược lại, Ba Lan có thể cung cấp cho Việt Nam nhiều mặt hàng thực phẩm và chế biến sạch như trái cây tươi và đóng hộp, các sản phẩm được chế biến từ thịt bò, thịt lợn, thịt gia cầm, đặc biệt là xúc xích… có chất lượng cao, được sản xuất theo tiêu chuẩn của EU.
Đại sứ Ba Lan tại Việt Nam cho rằng, ở Việt Nam đang có xu hướng quan tâm đến thực phẩm sạch. Trong trường hợp này, các sản phẩm của Ba Lan hoàn toàn có thể đáp ứng được các yêu cầu của người Việt Nam.
"Các sản phẩm thực phẩm của chúng tôi không mang tính cạnh tranh mà làm phong phú thêm lựa chọn và đáp ứng nhu cầu của người Việt. Tôi cũng hi vọng trong thời gian tới, sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam cũng sẽ xuất hiện trên bàn ăn của người dân Ba Lan”, Đại sứ Ba Lan chia sẻ.
Theo ông Piotr Ziemann, Chủ tịch Hiệp hội sản xuất thịt chế biến Ba Lan, trong 16 năm qua, sản lượng xuất khẩu của Ba Lan đã tăng 12 lần, trong đó Ba Lan chiếm 83% lượng thịt bò xuất khẩu của Châu Âu, 60% lượng thịt gia cầm, 50% lượng thịt lợn và trên 80% lượng hàng nông sản… Sản phẩm của Ba Lan không chỉ có khối lượng xuất khẩu lớn mà còn được đánh giá là rất an toàn.
Trên thực tế, các loại bò, lợn hay gà trong quá trình chăn nuôi đều có thể gặp phải dịch bệnh như dịch tai xanh, cúm… nhưng Ba Lan đã sử dụng công nghệ chăn nuôi tiến tiến và an toàn nên đã xử lý được các vấn đề này. “Chúng tôi đã nhận được để nghị của 63 tỉnh/thành của Việt Nam có yêu cầu Ba Lan hỗ trợ chống lại dịch bệnh vật nuôi trong quá trình chăn nuôi. Chúng tôi sẽ phối hợp với các doanh nghiệp Việt Nam để có thể hợp tác, chuyển giao các quy trình chăn nuôi và công nghệ chế biến sạch trong thời gian tới”, ông Piotr Ziemann chia sẻ.
Chủ tịch Trung tâm xúc tiến Phòng Thương mại và Công nghiệp Ba Lan Bozena Wroblewska cho biết, nhân sự kiện này, DN 2 nước Việt Nam – Ba Lan trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống đã có chương trình giao lưu thương mại. Trong đó, có 8 nhà cung cấp đến từ Ba Lan và trên 30 DN Việt Nam là các nhà nhập khẩu, nhà phân phối trong lĩnh vực này. Đây là cơ hội tốt để 2 bên cùng trao đổi trực tiếp các vấn đề hai bên cùng quan tâm nhằm tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới.
Anh Mai (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI