13:58:20 | 8/12/2022
Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư; kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 1.618 doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động, cao nhất kể từ khi tái lập tỉnh.
Tính đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc có hơn 13.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, trong đó có hơn 9.000 doanh nghiệp thực tế hoạt động. Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển bền vững, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch số 11/KH-UBND triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 (với 30 chỉ số theo dõi) xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp cho từng cấp, từng ngành.
Cùng với đó, triển khai đồng bộ, hiệu quả cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp từ việc thành lập doanh nghiệp đến các điều kiện kinh doanh, thông quan, nộp thuế… Các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư được triển khai mạnh mẽ với nhiều hoạt động. Trong đó, tỉnh đã tổ chức thành công một số hội nghị xúc tiến đầu tư quan trọng như: Hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh năm 2022, Hội nghị Vĩnh Phúc trong kết nối hợp tác và phát triển Việt Nam - Nhật Bản năm 2022, Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp Đài Loan khu vực phía Nam, Hội nghị Vĩnh Phúc - Điểm đến đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc...; tổ chức hàng chục buổi làm việc, đối thoại tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; chương trình “Cà phê doanh nhân” đã tổ chức 31 kỳ gặp gỡ doanh nhân; tiếp nhận phản hồi và hướng dẫn, giải quyết hàng trăm đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp; tiếp xúc và làm việc trực tiếp với hàng trăm doanh nghiệp; tạo điều kiện tối đa cho hàng chục doanh nghiệp gặp khó khi phải thực hiện các thủ tục phá sản. Đồng thời, giới thiệu 16 chương trình kết nối, hợp tác đầu tư giữa các doanh nghiệp DDI với doanh nghiệp FDI...
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có hơn 1.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký hơn 21.000 tỷ đồng, tăng hơn 17% về số doanh nghiệp, tăng gần 90% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Xét theo khu vực kinh tế, ngành dịch vụ có sự phục hồi rõ nét nhất sau đại dịch Covid-19 với số lượng doanh nghiệp thành lập mới nhiều nhất là 781 doanh nghiệp. Tiếp đến là khu vực công nghiệp, xây dựng với 446 doanh nghiệp thành lập mới. Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp tham gia quay trở lại thị trường tiếp tục có xu hướng tích cực với 383 doanh nghiệp, tăng gần 17% so với cùng kỳ, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 11 tháng năm 2022 lên 1.618 doanh nghiệp. Ước tính các doanh nghiệp trên khi tham gia vào thị trường sẽ tạo việc làm thêm cho hơn 9.000 lao động trên địa bàn trong và ngoài tỉnh.
Với những nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư, duy trì thứ hạng PCI cấp tỉnh, thời gian tới, Vĩnh Phúc tiếp tục phát huy sức mạnh trí tuệ tập thể và tinh thần phục vụ của các cơ quan hữu quan, luôn phối hợp chặt chẽ, thống nhất quan điểm và nguyên tắc “chính quyền luôn đồng hành, chủ động hỗ trợ và giải quyết nhanh chóng, triệt để những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp”. Đồng thời, tập trung cao độ để hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; chỉ đạo các ngân hàng thương mại tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi; các cơ sở giáo dục, đào tạo nghề nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
Trần Trang (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI