Bước “chuyển mình” mạnh mẽ của các KCN Vĩnh Phúc

11:47:17 | 13/12/2022

Thời gian qua, tốc độ phát triển các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có những bước “chuyển mình” mạnh mẽ với nhiều dự án đầu tư hạ tầng được cấp phép xây dựng, triển khai và đi vào hoạt động. Vietnam Business Forum đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Kim Thành, Phó Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc về tình hình phát triển các KCN và thực trạng công tác quản lý quy hoạch hiện nay trong các KCN Vĩnh Phúc. Trần Ngọc thực hiện.

Xin ông giới thiệu đôi nét về tình hình phát triển các KCN hiện nay của tỉnh Vĩnh Phúc?

Ngay từ khi hình thành và phát triển các KCN, Vĩnh Phúc đã nhận thức được tầm quan trọng của các KCN là động lực để thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, tạo nhiều việc làm cho người lao động, chuyển dịch tích cực cơ cấu kinh tế trên địa bàn... Qua đó góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc.

Với những cố gắng vượt bậc của tỉnh trong công tác quản lý và phát triển các KCN trên địa bàn, đặc biệt là việc quan tâm, chú trọng đến công tác quy hoạch, phát triển các khu, cụm công nghiệp đã giúp Vĩnh Phúc xây dựng và phát triển được hệ thống KCN tương đối đồng bộ và hiện đại.

Tỉnh Vĩnh Phúc được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận quy hoạch 19 KCN với tổng diện tích là 5.487,31 ha. Đến nay, đã có 16 KCN được thành lập (quyết định chủ trương đầu tư/cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư) với tổng vốn đầu tư đăng ký là 15.548,018 tỷ đồng và 212,53 triệu USD; tổng diện tích đất quy hoạch là 3.110,25 ha, trong đó, diện tích đất công nghiệp quy hoạch là 2.275,03 ha; diện tích đất đã bồi thường, giải phóng mặt bằng và có thể cho thuê là 1.757,2 ha, tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê (bao gồm đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và ký Biên bản ghi nhớ) là 1.287,03 ha, chiếm trên 70% diện tích đất công nghiệp quy hoạch đối với các KCN đã thành lập trên địa bàn.

Hiện có 9 KCN đã đi vào hoạt động, bao gồm: KCN Khai Quang (221,46 ha); KCN Bình Xuyên (286,98 ha); KCN Kim Hoa (50 ha); KCN Bá Thiện (325,75 ha); KCN Bình Xuyên II - giai đoạn 1 (42,21 ha); KCN Bá Thiện II (308,83 ha); KCN Tam Dương II- khu A (135,17 ha); KCN Sơn Lôi (257,35 ha); KCN Thăng Long Vĩnh Phúc (213 ha). Cơ sở hạ tầng các KCN đã được xây dựng tương đối đồng bộ và hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu của nhà đầu tư. Một số KCN đã cho thuê hết 100% đất công nghiệp. Các KCN còn lại đang triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư.

Đối với 6 KCN mới được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư trong quý I/2021, bao gồm: KCN Sông Lô II (165,66 ha); KCN Tam Dương I - KV2 (156,76ha); KCN Sông Lô I (177,36 ha); KCN Nam Bình Xuyên (290,152 ha); KCN Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa (Khu vực II - giai đoạn 1) 145,27 ha đang thực hiện các thủ tục bồi thường, giải phóng mặt bằng; riêng KCN Phúc Yên đang thực hiện các thủ tục để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định của Luật Đấu thầu và các quy định khác có liên quan. Hiện tại KCN Phúc Yên đã có 2 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích là 16,4044 ha.

Được biết trong quá trình triển khai công tác quy hoạch và xây dựng hạ tầng các KCN vẫn còn một số khó khăn, bất cập, nên ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ đầu tư KCN. Xin ông chia sẻ rõ hơn về vấn đề này?

Hiện nay công tác quy hoạch các KCN tỉnh Vĩnh Phúc được đánh giá là khá quy mô và bài bản. Song thực tế cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, hiện công tác quản lý quy hoạch và triển khai xây dựng hạ tầng các KCN tại Vĩnh Phúc vẫn đang tồn tại một số khó khăn nhất định như: Một số chủ đầu tư hạ tầng KCN chưa tích cực phối hợp với đơn vị trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng mặt, thực hiện các thủ tục pháp lý triển khai dự án; quỹ đất sạch phục vụ cho thu hút đầu tư trong các KCN còn ít, với diện tích không đủ lớn nên khó khăn để thu hút nhà đầu tư lớn; đến nay, diện tích đất cần bồi thường, giải phóng mặt bằng tại một số KCN đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/Quyết định thành lập KCN và đi vào hoạt động còn nhiều, nhưng do một số nguyên nhân khách quan tác động đã ảnh hưởng đến kế hoạch, chiến lược đầu tư, cũng như năng lực triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng KCN của một số chủ đầu tư; một số hộ dân xung quanh vùng dự án không hợp tác tích cực với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng KCN...

Song với tinh thần cố gắng nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tỉnh Vĩnh Phúc và các nhà đầu tư hạ tầng KCN đã triển khai nhiều giải pháp hữu hiệu, vì thế công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng mặt vẫn được tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả. Đặc biệt, trong 9 tháng đầu năm 2022, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại các diện tích đất còn lại trong các KCN đang hoạt động và đang xây dựng có những biến chuyển tích cực so với cùng kỳ và các kỳ báo cáo trước. Tại các KCN: Bình Xuyên; Khai Quang; Bá Thiện (phân khu I); Bá Thiện II và Tam Dương II- Khu A đã tạo thêm quỹ đất sạch thu hút đầu tư mới, tăng tỷ lệ lấp đầy tại các KCN đang hoạt động lên 81%.

Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại các KCN mới được thành lập như: Sông Lô I; Sông Lô II; Tam Dương I- Khu vực 2; Thái Hòa -Liễn Sơn – Liên Hòa cũng đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo điều kiện để các KCN đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị khởi công xây dựng hạ tầng KCN trong những tháng cuối của năm 2022.

Định hướng phát triển các KCN của tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian tới là gì, thưa ông?

Dự kiến trong giai đoạn 2021-2030, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ phát triển thêm 4 KCN, nâng tổng số các KCN trên địa bàn Tỉnh giai đoạn này này lên 23 KCN; sau năm 2030, Vĩnh Phúc phấn đấu phát triển thêm 4 KCN nữa, nâng tổng số các KCN trên địa bàn Tỉnh lên 27 KCN với tổng quỹ đất công nghiệp dự kiến khoảng 6.200-7.000 ha. Vĩnh Phúc đang lập Quy hoạch Tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó sẽ tích hợp nội dung Quy hoạch các KCN tỉnh Vĩnh Phúc.

Thời gian tới, Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc sẽ tích cực triển khai hiệu quả công tác quản lý quy hoạch và phát triển các KCN, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm: phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan tham mưu với UBND tỉnh về việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Phúc Yên theo Quyết định số 124/QĐ-TTg, ngày 24/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ; đôn đốc các nhà đầu tư và các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đối với các KCN đã đi vào hoạt động và các KCN mới có quyết định thành lập; phối hợp với các nhà đầu tư và các cơ quan liên quan giải quyết các vấn đề có liên quan đối với các KCN Lập Thạch I và Lập Thạch II, trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cùng với đó, rà soát những khó khăn vướng mắc, nguyên nhân chậm chễ đầu tư xây dựng, hoàn thiện hạ tầng các KCN trên địa bàn tỉnh, để kịp thời tháo gỡ, thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án. Giám sát chặt chẽ các chủ đầu tư hạ tầng về năng lực và cam kết triển khai dự án, từ đó có biện pháp xử lý, kiên quyết thu hồi hoặc tìm kiếm nhà đầu tư mới đủ năng lực tiếp tục thực hiện dự án hoặc điều chỉnh quy hoạch giảm diện tích KCN…

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định về việc chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Đồng Sóc, tỉnh Vĩnh Phúc. Tháng 11/2022, chúng tôi đã phối hợp Sở Xây dựng báo cáo UBND tỉnh triển khai lập QHPK dự án KCN Đồng Sóc. Đây là chính là cơ hội lớn để Vĩnh Phúc tiếp tục phát triển thêm các KCN trong thời gian tới, giúp tăng thêm quỹ “đất sạch” cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần tạo đà quan trọng để nâng chất lượng và hiệu quả thu hút đầu tư vào các KCN Vĩnh Phúc.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Vietnam Business Forum