15:17:42 | 6/1/2023
Công tác ngoại giao của Việt Nam năm 2022 đã để lại dấu ấn đậm nét qua các chuyến thăm cấp Nhà nước, tham dự các Diễn đàn cấp cao quốc tế của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Vietnam Business Forum trân trọng giới thiệu một số hoạt động nổi bật.
Lễ trao tặng Huân chương Hữu nghị của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào ngày 31/10/2022
Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Trung Quốc có ý nghĩa đặc biệt
Chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là sự kiện đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam và Trung Quốc, được dư luận hai nước và quốc tế rất quan tâm. Chuyến thăm đã thành công tốt đẹp trên tất cả phương diện.
Đây là hoạt động đối ngoại chính thức trực tiếp đầu tiên giữa Lãnh đạo cao nhất của hai Đảng, hai nước sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam.
Kết thúc chuyến thăm, hai bên đã ra Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc về việc tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc. Hai bên cho rằng Việt Nam và Trung Quốc vừa là láng giềng tốt, bạn bè tốt, núi sông liền một dải, vừa là đồng chí tốt, đối tác tốt cùng chung chí hướng, chia sẻ vận mệnh chung, cùng dốc sức vì nhân dân hạnh phúc, đất nước giàu mạnh và sự nghiệp cao cả hòa bình và phát triển của nhân loại.
Đồng thời, hai bên cũng đạt được nhất trí trong nhiều nội dung hợp tác thực chất, như thúc đẩy kết nối giữa Khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” với Sáng kiến “Vành đai và Con đường”, thúc đẩy tiến trình mở cửa thị trường cho một số mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam, mở các văn phòng thương mại Việt Nam tại Trung Quốc,...
Tổng thống Hoa Kỳ và các nhà lãnh đạo ASEAN dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ
Vị thế mới của Việt Nam khi tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ
Quan hệ song phương Việt Nam-Hoa Kỳ và quan hệ đa phương ASEAN-Hoa Kỳ đều đang có những bước đà để có một tầm nhìn mới và đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hợp tác, trong đó Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ diễn ra vào tháng 5/2022 tại Hoa Kỳ đúng vào dịp ASEAN và Hoa Kỳ kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ là dịp tái khẳng định cam kết chính trị của đôi bên về tầm quan trọng của việc tăng cường quan hệ ASEAN - Hoa Kỳ.
Tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN - Hoa Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thể hiện được chính sách đối ngoại đó. Việt Nam muốn đóng góp cho quan hệ ASEAN - Hoa Kỳ tốt đẹp hơn, mà thực chất là đóng góp vào vai trò của ASEAN trong việc tạo dựng hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương. Đây là mục tiêu và cũng là lợi ích chung của các bên.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và trưởng đoàn các nước ASEAN
Việt Nam đóng góp chủ động, tích cực vào các hoạt động của ASEAN lần thứ 40, 41
Tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các hội nghị cấp cao liên quan lần này, đoàn đại biểu Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu, tham dự các hội nghị với tinh thần trách nhiệm và có nhiều đóng góp thực chất cho hợp tác ASEAN và với các đối tác cũng như thành công chung của các hội nghị.
Thủ tướng khẳng định quan điểm của Việt Nam về giữ vững đoàn kết, phát huy sức mạnh nội tại, tinh thần trách nhiệm, cách tiếp cận cân bằng, khách quan và kiên định các nguyên tắc của ASEAN; đồng thời đề nghị cần tăng cường phối hợp với các đối tác trong nỗ lực chung đóng góp cho hòa bình, an ninh và phát triển, củng cố gắn bó chiến lược nội khối để các đối tác thực sự tôn trọng và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, cam kết hợp tác lâu dài với ASEAN thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn dắt; cùng ứng phó thách thức mang tính toàn cầu như phục hồi kinh tế sau đại dịch, đẩy mạnh giao thương, ổn định chuỗi cung ứng và sản xuất, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu, an ninh an toàn thông tin, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững,...
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Heng Samrin duyệt Đội danh dự
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng thăm chính thức Campuchia
Nhân dịp đến Campuchia dự các hội nghị cấp cao của khu vực ASEAN, cả Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đều thực hiện chuyến thăm chính thức nước này.
Trong chuyến thăm của Thủ tướng, hai bên đã ra Tuyên bố chung, cam kết đẩy mạnh hợp tác quốc phòng, không để thế lực thứ ba nào sử dụng lãnh thổ của nước này để chống lại nước kia, xâm phạm lợi ích của nước kia. Đó cũng là yếu tố rất quan trọng đảm bảo cho hai nước có thể phối hợp cùng duy trì hòa bình, an ninh ổn định để phát triển trong tương lai.
Hai bên đã ký 11 văn kiện hợp tác trên rất nhiều lĩnh vực như thương mại, tài chính - ngân hàng, giao thông vận tải, nông nghiệp, lao động, thông tin truyền thông, dân tộc và tôn giáo. Doanh nghiệp hai nước cũng ký kết một số hợp đồng và thỏa thuận kinh doanh đã làm phong phú kết quả chuyến thăm và làm sâu sắc hơn hợp tác giữa hai nước.
Còn trong chuyến thăm chính thức Campuchia của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, hai bên đã đề cập đến những vấn đề vừa mang tính vĩ mô, vừa cụ thể của hai nước như vấn đề bảo hộ người Việt Nam tại Campuchia, việc di dời người Campuchia gốc Việt khỏi khu vực lòng hồ và những hoạt động khác để hỗ trợ cho công dân của Việt Nam ở nước ngoài. Chuyến thăm này cũng gợi mở những mô hình liên kết mới giữa ngành nông nghiệp hai nước, giúp ổn định sinh kế cho bà con và đặc biệt là kết nối thị trường thủy sản giữa Việt Nam và Campuchia.
Đây là những hoạt động rất có ý nghĩa nhân kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Campuchia, năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Campuchia.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long
Thúc đẩy mạnh mẽ, nâng tầm quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Singapore
Chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến Singapore vào đầu năm 2022 có ý nghĩa quan trọng nhiều mặt đối với cả hai bên. Diễn ra trong bối cảnh hai nước đang tiến tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm Đối tác Chiến lược vào năm 2023. Chuyến thăm đã góp phần triển khai đường lối đối ngoại được đề ra tại Đại hội Đảng lần thứ XIII là ưu tiên phát triển toàn diện quan hệ với các nước láng giềng và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong đó có Singapore.
Hai bên đã thống nhất cao về những phương hướng lớn nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác trên tất các lĩnh vực, ra Tuyên bố báo chí chung về “Tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược và hợp tác cùng phục hồi sau đại dịch”, ký 5 văn kiện hợp tác song phương ở cấp Trung ương về quốc phòng, kinh tế-thương mại, sở hữu trí tuệ, hợp tác kinh tế số và giao lưu nhân dân; nhất trí các biện pháp nhằm củng cố, phát huy mối quan hệ hữu nghị truyền thống, gia tăng nội hàm chiến lược trong hợp tác song phương...
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hungary László Kövér ký Thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội cho giai đoạn tiếp theo
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm Hungary và Vương quốc Anh
Chuyến thăm của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu đến Hungary, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland vào cuối tháng 6/2022 nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội lần thứ XIII của Đảng, duy trì và làm sâu sắc quan hệ hợp tác song phương; khẳng định sự coi trọng của Việt Nam đối với quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hungary và quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland.
Chuyến thăm cũng thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, triển khai Kết luận 12 của Bộ Chính trị về công tác về người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.
Tại hai nước, với gần 50 hoạt động, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã hội đàm với các nhà lãnh đạo cao nhất của các cơ quan lập pháp Hungary, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland...
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công và các đại biểu tham dự Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh APEC 2022
Việt Nam luôn có trách nhiệm cao, chủ động, tích cực thúc đẩy APEC kết nối toàn diện
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự APEC 2022 diễn ra vào tháng 11/2022 tại Thái Lan với chủ đề: “Rộng mở. Kết nối và Cân bằng”. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, cũng là Chủ tịch Nhóm ASEAN trong APEC 2022, tích cực đề xuất nhiều sáng kiến và nhấn mạnh, một châu Á - Thái Bình Dương
hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển bền vững là mục tiêu. Theo Chủ tịch nước, các thành viên APEC cần hành động vì lợi ích chung của cộng đồng, để bảo vệ những thành quả và giá trị của APEC trong ba thập kỷ qua. Châu Á – Thái Bình Dương bước sang giai đoạn phát triển mới, APEC cần đi đầu thúc đẩy mô hình tăng trưởng cân bằng, bao trùm và bền vững, hỗ trợ các nền kinh tế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số thành công. Theo đó, cần bảo đảm môi trường thương mại và đầu tư mở, minh bạch, không phân biệt đối xử; gắn kết thương mại, đầu tư với các Mục tiêu phát triển bền vững 2030; đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực, nhất là lao động chất lượng cao.
Đặc biệt, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đã cùng các thành viên APEC nhất trí tạo thêm các các kênh trao đổi để thu hẹp khác biệt nhằm duy trì đồng thuận cao trong APEC. Đây được coi là điểm có ý nghĩa quan trọng đóng góp cho thành công của Hội nghị.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol
Việt Nam - Hàn Quốc ký kết đối tác chiến lược toàn diện
Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Hàn Quốc của Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc từ 04-06/12/2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Yoon Suk Yeol đã ra Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc lên “Đối tác chiến lược toàn diện”.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là nguyên thủ quốc gia đầu tiên thăm Hàn Quốc ngay sau khi Hàn Quốc công bố Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Sáng kiến Đoàn kết ASEAN, trong thời gian Việt Nam là nước điều phối quan hệ ASEAN - Hàn Quốc đến năm 2024. Do đó, chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có cả ý nghĩa rất lớn ở tầm song phương và đa phương, trên cả bình diện quốc gia và quốc tế.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Yoon Suk Yeol đánh giá cao sự phát triển nhanh chóng, hiệu quả của quan hệ hợp tác giữa hai nước trong 30 năm qua, nhất là từ sau khi nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược vào năm 2009. Trên cơ sở những thành tựu quan trọng đã đạt được, với niềm tin mạnh mẽ vào tương lai hợp tác giữa hai nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Yoon Suk Yeol đã nhất trí ra Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel (trái) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen (phải) đón Thủ tướng Phạm Minh Chính
Tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa Quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-EU
Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Đại công quốc Luxembourg, Vương quốc Hà Lan, Vương quốc Bỉ và tham dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EU từ ngày 9 đến 15/12/2022 đã thành công về mọi mặt, là dấu mốc quan trọng, gia tăng tin cậy chính trị, đẩy mạnh toàn diện quan hệ hợp tác trong giai đoạn phát triển mới.
Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đã tham gia chủ động, tích cực, đóng góp quan trọng và có trách nhiệm cho thành công chung của Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EU, cả trong quá trình chuẩn bị tổ chức, tham gia thảo luận tại Hội nghị cũng như xây dựng văn kiện.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu đề cao ý nghĩa đặc biệt của Hội nghị Cấp cao kỷ niệm lần này và chia sẻ về một số định hướng như: Hai bên cần kiên trì với mục tiêu, đổi mới tư duy, hành động kiên quyết, thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược, hợp tác cân bằng, bình đẳng, hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro. Thủ tướng khẳng định Việt Nam luôn đồng hành với doanh nghiệp EU đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, đồng thời đề nghị EU khẩn trương gỡ bỏ “thẻ vàng” với thuỷ sản Việt Nam và sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam-EU. Nhấn mạnh cách tiếp cận toàn cầu ứng phó các thách thức, Thủ tướng nhắc lại cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh và bền vững,…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thủ tướng Australia Anthony Albanese
Chủ tịch Quốc hội thăm Australia, New Zealand: Tăng cường tin cậy chiến lược
Chuyến thăm chính Australia và New Zealand của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội khép lại với hơn 40 hoạt động tại hai nước, mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới với các nước trên tất cả các kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội, giao lưu Nhân dân và các trụ cột của quan hệ kinh tế.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern
Chuyến thăm chính thức Australia và New Zealand của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam là bước triển khai thiết thực chủ trương Đối ngoại quan trọng của Đại hội Đảng lần thứ XIII, đó là tăng cường quan hệ với các nước láng giềng, các đối tác chiến lược đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất, trong đó có Australia và New Zealand là những đối tác chủ chốt, quan trọng trên nhiều phương diện đối với Việt Nam ở khu vực Nam Thái Bình Dương.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam và Lào tại Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào
Phát triển hơn nữa mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào
Ngày 18/7, tại Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (05/9/1962 – 05/9/2022) và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (18/7/1977 – 18/7/2022).
Trong diễn văn tại lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào đã được các lãnh tụ vĩ đại là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane, Chủ tịch Souphanouvong trực tiếp đặt nền móng, được dày công gây dựng, giữ gìn, vun đắp bằng mồ hôi, công sức và xương máu của các thế hệ quân và dân hai nước, thực sự trở thành tài sản vô giá, mối quan hệ có một không hai trong lịch sử thế giới. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, tình đoàn kết, hợp tác giúp đỡ lẫn nhau giữa Việt Nam và Lào là quy luật khách quan, là nhân tố có ý nghĩa sống còn của mỗi Đảng, mỗi nước; đồng thời là tài sản chung vô giá và là nền tảng để hai nước cùng phát huy trong các giai đoạn lịch sử tiếp theo. Việt Nam và Lào không chỉ là hai nước láng giềng mà là hai nước anh em, đồng chí.
Cùng ngày, tại Thủ đô Vientiane, Lào, buổi Lễ kỷ niệm cũng được long trọng tổ chức. Tham dự có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith; Ủy viên Bộ Chính trị Việt Nam, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và các lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội Lào.
Trong diễn văn tại lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith khẳng định, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào luôn giữ gìn, vun đắp và phát triển mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt Lào-Việt Nam đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả trên tất cả lĩnh vực, mang lại lợi ích cho nhân dân mỗi nước.
Nguồn: Vietnam Business Forum
10/10/2023
Tòa nhà VCCI, Số 9 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội
07-18/11/2023
La Habana, Matanzas (Cuba), Los Angeles, San Jose, San Francisco (Hoa Kỳ)