11:30:55 | 9/1/2023
Phát biểu kết luận tại phiên toàn thể cấp cao Diễn đàn Kinh tế Việt Nam chiều ngày 17/12/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo: Thời gian tới phải làm lành mạnh, bền vững thị trường chứng khoán, trái phiếu, bất động sản trên cơ sở hài hoà các lợi ích, chia sẻ mọi rủi ro. Xoay quanh bài toán phát triển bền vững nền kinh tế, Doanh nhân - Nhà giáo - Luật gia Nguyễn Thị Sơn đã có cuộc trao đổi với phóng viên Vietnam Business Forum.
Bán cổ phiếu, phát hành trái phiếu hay vay vốn ngân hàng,... đều là những hình thức huy động vốn của doanh nghiệp (DN). Dưới góc nhìn của một chuyên gia, bà có thể cho biết mỗi loại hình, giai đoạn phát triển của DN phù hợp với những hình thức huy động vốn nào?
Một DN muốn phát triển nhanh, thành công và bền vững, đầu tiên phải có vốn tự có. Đối với công ty cổ phần, vốn tự có của DN là vốn của các cổ đông góp vào, lợi nhuận của DN được chia cổ tức cho cổ đông sau khi nộp thuế thu nhập DN và trích lập các quỹ. Cổ tức của cổ đông được chia cao hay thấp là do hiệu quả kinh doanh. Khi DN phát triển, cần tăng vốn, DN có thể vay vốn ngân hàng, phát hành trái phiếu. Tiền lãi vay ngân hàng, vay trái phiếu được hạch toán trong chi phí giá thành sản phẩm trước khi hạch toán lợi nhuận và đóng thuế thu nhập DN. Tiền lãi vay từ ngân hàng, trái phiếu được cam kết ổn định trong thời hạn của khoản vay. Mặc dù ngân hàng hoặc trái chủ không ảnh hưởng nhiều từ kết quả kinh doanh của DN song DN cũng bị áp lực lớn từ những khoản nợ và lãi phát sinh nếu thị trường gặp sự cố.
Đối với công ty cổ phần đại chúng, khi DN lớn mạnh, có thương hiệu, danh tiếng, cơ hội phát triển, có thể đăng ký tham gia thị trường chứng khoán để phát hành cổ phiếu, trở thành công ty cổ phần đại chúng. Cổ phiếu DN được thị trường hóa, giá cả một cổ phiếu có thể tăng do những lợi thế của DN nhưng cũng có thể giảm xuống vì những thông tin bất lợi xoay quanh hoạt động của DN.
Người mua cổ phiếu được chia lãi sau khi DN đóng thuế thu nhập DN và trích lập các quỹ dự phòng. Cho nên lợi nhuận hay rủi ro là nhà đầu tư phải tự tính toán và chấp nhận. Chủ tịch hay người điều hành công ty cổ phần đại chúng bị áp lực trong việc chia cổ tức cho các cổ đông khi giá cổ phiếu tăng. Cần nói thêm, trên thị trường chứng khoán có những "con cáo" dẫn dắt dư luận làm giá cổ phiếu của một mã chứng khoán nào đó tăng giá để họ bán ra, sau đó lại dẫn dắt thông tin cho mã chứng khoán đó rớt giá để họ gom vào. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tính thanh khoản của cổ phiếu và khiến thị trường chứng khoán trở nên méo mó, thiếu minh bạch, niềm tin của thị trường giảm sút.
Đặt trong bối cảnh thị trường toàn cầu biến động mạnh, để đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và bền vững cần lành mạnh hóa thị trường chứng khoán, trái phiếu DN, bất động sản, đảm bảo tính minh bạch, an toàn, hiệu quả. Là một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành, bà có khuyến nghị nào cho vấn đề này?
Những biến động của thị trường toàn cầu (xu hướng thắt chặt tiền tệ; lạm phát tăng cao; đồng USD tăng giá mạnh nhất trong 20 năm qua,…) cũng khiến thị trường tài chính Việt Nam phải đối mặt với hàng loạt thách thức lớn liên quan đến áp lực tỷ giá, kiểm soát lạm phát, giải quyết thanh khoản. Yêu cầu đặt ra là cần phối hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, tăng cường quản lý đầu tư công và hỗ trợ tài chính đúng mục tiêu. Đồng thời chú trọng cải cách thị trường, nhất là thị trường chứng khoán, trái phiếu DN, bất động sản bởi sự phát triển bền vững của các thị trường này sẽ hỗ trợ, tạo động lực phát triển trung, dài hạn của nền kinh tế, củng cố vững chắc nền tảng vĩ mô ổn định đã được thiết lập trong những năm qua.
Nhằm bảo đảm thị trường hoạt động lành mạnh, minh bạch, an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững, Chính phủ cần đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại hệ thống tài chính, ngân hàng, đặc biệt là những tổ chức tài chính yếu kém để đảm bảo phân bổ và huy động nguồn lực hiệu quả. Trước mắt, vấn đề cần được ưu tiên trong năm 2023 là phải đảm bảo tính thanh khoản, an toàn hệ thống, xử lý thật tốt nhu cầu trái phiếu đáo hạn. Chủ động đẩy mạnh quản lý nhà nước về phát hành trái phiếu DN, nhất là chống tiêu cực, trục lợi chính sách và các hoạt động không lành mạnh khác.
Đối với thị trường bất động sản, có thể thấy những khó khăn trên thị trường thời gian qua chủ yếu xoay quanh vấn đề nguồn vốn cũng như các vướng mắc về pháp lý, cơ chế, chính sách. Nếu không kịp thời xử lý hiệu quả có thể dẫn tới suy thoái, tác động tiêu cực đến ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội. Để giúp các DN vượt qua khó khăn và hỗ trợ thị trường phục hồi, tăng trưởng theo hướng lành mạnh, an toàn, bền vững, ưu tiên hàng đầu là cần khẩn trương sửa đổi các quy định về đất đai, thủ tục đầu tư và hỗ trợ DN tiếp cận vốn để phát triển dự án; đa dạng hóa nguồn vốn cho thị trường. Đồng thời rà soát các quy định của pháp luật để giải quyết vướng mắc trên thị trường cả về trước mắt cũng như lâu dài theo hướng xây dựng công cụ chính sách lành mạnh, phù hợp, hiệu quả, bảo đảm liên thông, an toàn, chắc chắn giữa thị trường vốn với thị trường bất động sản.
Xoay quanh bài toán phát triển bền vững, có thể thấy trong bối cảnh toàn cầu biến động như hiện nay, kinh tế tuần hoàn (KTTH) sẽ là lời giải cho phát triển bền vững của DN Việt Nam nói riêng và nền kinh tế quốc gia nói chung. Bà có thể chia sẻ cụ thể hơn về những ưu điểm của KTTH?
Với nền kinh tế truyền thống, nguyên liệu thô được khai thác từ môi trường tự nhiên làm đầu vào cho hệ thống kinh tế và kết thúc chu trình kinh tế là thải loại ra môi trường tự nhiên, dẫn đến gia tăng chất thải, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và gây ô nhiễm, suy thoái môi trường. Để hạn chế nguy cơ ô nhiễm cũng như giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu, xu hướng tiếp cận của thế giới hiện nay là chuyển đổi sang mô hình KTTH dựa trên nguyên lý tài nguyên thiên nhiên là nguyên liệu thô đưa vào hệ thống kinh tế, trải qua quá trình sản xuất và tiêu dùng, các nguyên vật liệu thừa và chất thải được thu hồi quay trở lại là đầu vào cho hệ thống kinh tế. Hay nói một cách đơn giản, KTTH là biến rác thải đầu ra của ngành này thành nguồn tài nguyên đầu vào của ngành khác hay tuần hoàn trong nội tại bản thân của DN.
Với nguyên lý trên, KTTH tích hợp nhiều ưu điểm và lợi ích vượt trội. Cụ thể đối với quốc gia, phát triển KTTH là thể hiện trách nhiệm trong giải quyết những thách thức toàn cầu do ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu; đồng thời giảm thiểu khai thác tài nguyên thiên nhiên, tận dụng tối đa giá trị tài nguyên, từ đó nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung nguyên liệu, nhiên liệu đang bị đứt gãy do giãn cách xã hội, KTTH còn được xem là một trong những giải pháp góp phần phục hồi nền kinh tế hậu Covid-19.
Đối với xã hội, KTTH giúp giảm chi phí trong quản lý, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tạo ra thị trường mới, cơ hội việc làm mới, nâng cao sức khỏe người dân. Còn đối với DN, KTTH thúc đẩy các mô hình kinh doanh sáng tạo, công nghệ đột phá, góp phần cắt giảm chi phí sản xuất, gia tăng giá trị; tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, tăng chuỗi cung ứng.
Để hướng tới xây dựng nền KTTH, Chính phủ cần tập trung vào những giải pháp trọng tâm nào, thưa bà?
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng, việc chuyển đổi từ kinh tế tuyến tính sang KTTH là thiết yếu đối với tất cả các quốc gia trên thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Để từng bước hình thành và phát triển KTTH, thời gian qua Chính phủ đã có những ưu đãi về thuế, hỗ trợ vốn, đất đai để xây dựng cơ sở tái chế chất thải; ưu tiên hướng tới nền KTTH trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp,…
Đặc biệt, giai đoạn 2021 - 2030, Đảng và Nhà nước đã xác định, phát triển nền KTTH là một trong những định hướng quan trọng. Theo đó, Việt Nam sẽ triển khai mô hình KTTH dựa trên 03 trụ cột: Thiết kế, kéo dài vòng đời vật liệu; giảm rác thải, phát thải; khôi phục hệ sinh thái. Để phát triển KTTH, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW "Về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Trong đó khẳng định phải ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, nhà máy điện sử dụng rác thải, chất thải để bảo vệ môi trường và phát triển KTTH. Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển KTTH ở Việt Nam,…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả ban đầu đã đạt được, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với lượng chất thải phát sinh ngày càng lớn trong khi nguồn nguyên liệu thô, nguyên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt và những khó khăn về công nghệ. Để khắc phục những bất cập này, tạo đà cho phát triển nền KTTH, Chính phủ cần huy động sự tham gia của cộng đồng; xây dựng hệ thống pháp luật quản lý phù hợp trong phát triển KTTH; xây dựng và phát triển khung chính sách, pháp luật quản lý mô hình KTTH theo nhu cầu của thị trường. Nhà nước và các bộ, ban, ngành cần có chủ trương, hành động thực tế thúc đẩy nền KTTH trong tất cả các ngành; ưu tiên về thuế và có các chính sách hỗ trợ DN triển khai nền KTTH trong các hoạt động sản xuất, nghiên cứu.
Có thể thấy, trọng tâm của mô hình KTTH là kiểm soát, xử lý và tái chế rác thải, vì vậy cần dành ưu tiên cho đầu tư công nghệ quản lý và xử lý rác thải, biến đổi chúng thành các tài nguyên tái tạo. Kiểm soát, quản lý và tối ưu hóa nguồn nguyên liệu đầu vào. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế, phát huy vai trò của cộng đồng DN ngoài nhà nước trong thí điểm thực hiện mô hình KTTH.
Trân trọng cảm ơn bà!
Văn Lượng (Vietnam Business Forum)